Biên bản nêu rõ, mục tiêu của quyết định giữ nguyên mức lãi suất hiện hành là nhằm đưa lạm phát tăng nhẹ lên trên ngưỡng 2% trong ngắn hạn, trong bối cảnh kinh tế tiếp tục tăng cao. Tuy nhiên, biên bản cũng cho thấy ý định của Fed là sẽ tăng lãi suất tại cuộc họp giữa tháng 6/2018.
Biên bản cho thấy, các chỉ số kinh tế gần đây đã củng cố niềm tin là lạm phát tiếp tục tiến sát mục tiêu 2% đề ra. Nhiều quan chức Fed tin rằng, lạm phát sẽ dao động quanh ngưỡng 2%, sau một thời gian dài chỉ tăng dưới 2%. Một số quan chức cho rằng, lạm phát tăng trên ngưỡng 2% chỉ mang tính tạm thời, phù hợp với mục tiêu của Ủy ban Thị trường mở liên bang và là cơ sở để dẫn đến những kỳ vọng lạm phát dài hạn sẽ phù hợp với mục tiêu đề ra.
Biên bản cũng cho thấy, các quan chức Fed không tỏ ra lo lắng về mức lạm phát trên 2%, khi chỉ số giá cả hàng tiêu dùng (CPI) tháng 3/2018 tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước, CPI lõi tăng 2,1%. Đối với các quan chức Fed, lạm phát tăng thấp mới là vấn đề đáng lo ngại.
Các quan chức Fed bày tỏ lạc quan về triển vọng tăng trưởng GDP và việc làm trong năm nay, đồng thời đề cập đến nhiều rủi ro và bất ổn, từ áp lực tăng lương đến căng thẳng thương mại toàn cầu. Trong đó, rủi ro bắt nguồn từ cuộc chiến thương mại với Trung Quốc và chính sách thương mại bất định sẽ cản trở hoạt động đầu tư kinh doanh tại Mỹ.
Các dữ liệu kinh tế gần đây dường như đã đánh giá cách tiếp cận này của Fed, tỷ lệ thất nghiệp tiếp tục giảm và ổn định ở mức 4,1% trong sáu tháng qua. Trong khi đó, mức lương tiếp tục tăng chậm, nhất là vào thời điểm tỷ lệ thất nghiệp thấp như vậy, lạm phát tăng lên ngưỡng 2%.
Một số chỉ số kinh tế cho thấy, GDP tại các nước phát triển có dấu hiệu tăng chậm dần, rõ nhất là tại Vương quốc Anh. Chi tiêu dùng tại Mỹ tăng chậm hơn so với kỳ vọng của Fed, điều này sẽ ảnh hưởng phần nào đến dự báo kinh tế của Fed.
Trong những tháng gần đây, một số quan chức Fed cảnh báo và bày tỏ lo ngại, nền kinh tế đang tăng nóng - điều kiện mà thất nghiệp thấp bắt đầu thời kỳ tăng lương và giá cả, buộc Fed phải quyết liệt tăng lãi suất. Một số quan chức bày tỏ lo ngại về trở ngại tiềm tàng bắt nguồn từ căng thẳng thương mại ngày càng tăng với Trung Quốc, có thể dẫn đến các biện pháp trả đũa về chống bán phá giá giữa hai bên. Tuy nhiên, Chủ tịch Fed - Jerome H. Powell có vẻ cần thu thập thêm ý kiến của dư luận, trước khi có ý kiến chính thức xung quanh vấn đề này.
Lập trường chính sách của Fed phát tín hiệu ủng hộ đề xuất của các cố vấn kinh tế Nhà Trắng là, gói cắt giảm thuế trị giá 1,5 nghìn tỷ USD sẽ hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, nhưng không gây áp lực tăng lạm phát. Nhiều chuyên gia phân tích kỳ vọng, việc rút ngắn lộ trình tăng lãi suất sẽ cản trở tăng trưởng kinh tế và ảnh hưởng đến tác động của chính sách giảm thuế và tăng chi tiêu theo kế hoạch năm 2018 đã được Tổng thống và quốc hội thông qua.
Dự báo kinh tế công bố sau cuộc họp tháng 3/2018 cho thấy, các quan chức Fed dự kiến sẽ tiến hành thêm hai đợt tăng lãi suất trong năm nay, sau khi tăng 0,25% tại cuộc họp tháng 3. Gần một nửa số quan chức Fed bày tỏ kỳ vọng sẽ bổ sung thêm một đợt tăng lãi suất nữa, đưa tổng số 4 đợt tăng lãi suất trong năm nay. Trong dài hạn, mức lãi suất chính sách trung bình sẽ được duy trì dưới 3%. Trong đó, đợt tăng lãi suất sắp tới sẽ tiến hành vào tháng 6 tới đây. Sau đó, có thể sẽ tiến hành hai đợt nữa vào tháng 9 và tháng 12, điều này có thể sẽ được đề cập và thảo luận tại cuộc họp tháng sáu.
Nhiều chuyên gia kinh tế tiếp tục dự báo, Fed sẽ tiến hành tổng cộng 4 đợt lãi suất trong năm 2018. Những chuyên gia này cho rằng, GDP sẽ tăng nhanh (nhờ chính sách giảm thuế tới 1,5 nghìn tỷ USD) và tỷ lệ thất nghiệp giảm liên tục sẽ gây áp lực tăng lạm phát.
Nguồn: Xuân Thanh, Fed tháng 5/2018/sbv.gov.vn