Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ ngày càng tăng và sự hồi sinh của đồng USD đã làm chao đảo thị trường mới nổi khi nhà đầu tư đánh giá lại khả năng trả nợ của các quốc gia – những nước đã vay nợ bằng đồng USD. Trong khi đó, nền kinh tế Mỹ có vẻ như tăng trưởng mạnh hơn trong thời gian tới, trong đó các chuyên gia kinh tế dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ trong 3 quý còn lại của năm 2018 ở quanh mức 3% nhờ các biện pháp kích thích tài khóa từ chính quyền Donald Trump.
“Có chút gì đó giống với câu nói: Mỹ hắt hơi thì phần còn lại của thế giới cũng cảm lạnh”, ông Ethan Harris, Trưởng Bộ phận Kinh tế toàn cầu tại Bank of America Merrill Lynch ở New York, cho hay.
Nỗi lo sợ từ thị trường mới nổi có lẽ cũng chẳng thể ngăn cản Chủ tịch Fed, Jerome Powell, và những đồng nghiệp của ông tiến hành nâng lãi suất lần thứ 2 trong năm 2018 tại cuộc họp tháng 6/2018. Những nhà quan sát Fed sẽ tập trung vào việc sẽ còn bao nhiêu lần nâng lãi suất trong năm nay. Trong đó, Trưởng Bộ phận Kinh tế Mỹ của JPMorgan Chase, Michael Feroli, cho rằng Fed sẽ nâng lãi suất thêm 2 lần nữa trong nửa cuối năm 2018.
Nhà đầu tư có thể nhìn sâu hơn vào chiến lược tương lai của NHTW Mỹ, khi ứng cử viên cho chức Phó Chủ tịch Fed, Richard Clarida, tiến hành điều trần trước Quốc hội trong ngày thứ Ba (15/05). Nếu không có gì bất trắc xảy ra, thì vị Cố vấn của Pacific Investment Management sẽ được Thượng Viện Mỹ xác nhận cho vị trí Phó Chủ tịch Fed.
Sau khi Fed bắt đầu nâng lãi suất trở lại trong tháng 12/2015, các quan chức đã dự đoán rằng, trước tình hình này, các điều kiện tài chính sẽ thắt chặt và nhờ đó, hỗ trợ cho nỗ lực kiểm soát nền kinh tế tăng trưởng bền vững và ổn định. Tuy nhiên, thay vào đó, giá cổ phiếu lại gia tăng, chênh lệch tín dụng thu hẹp và đồng USD lại giảm.
Tình hình chỉ mới bắt đầu thay đổi trong vài tháng vừa qua, khi lạm phát ngày càng gia tăng và những lần nâng lãi suất của Fed đã bắt đầu làm giảm tâm lý chấp nhận rủi ro của nhà đầu tư. Ông Feroli cho biết: “Các nhà hoạch định chính sách đang bắt đầu nhận được thứ họ muốn”. “Tình hình đang bắt đầu dịch chuyển theo hướng kiểm soát tốc độ tăng trưởng kinh tế”.
Dù vậy, việc thắt chặt các điều kiện tài chính đã châm ngòi cho tình trạng hỗn loạn ở các thị trường mới nổi, nhất là ở quốc gia đang gặp nhiều vấn đề và thị trường nước họ dễ bị tác động khi tâm lý nhà đầu tư đột ngột thay đổi. Cụ thể, Argentina đang phải cầu cứu lên Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) để cố gắng ngăn chặn sự rớt giá của đồng nội tệ, còn Thổ Nhĩ Kỳ thì lại đối mặt với cuộc khủng hoảng về niềm tin.
Sự lo lắng của nhà đầu tư đã buộc Viện Tài chính Quốc tế (IFF) hạ dự báo về dòng vốn chảy vào các thị trường mới nổi trong năm nay bớt 4,3 tỷ USD xuống còn 1,2 ngàn tỷ USD – trùng khớp với con số rút vốn của năm ngoái.
“Sự lung lay trong tâm lý của nhà đầu tư đã trở nên đột ngột hơn và lớn hơn, trong đó sự không chắc chắn về diễn biến của đồng USD và lãi suất Mỹ đã dẫn tới chu kỳ ‘bùng nổ và sụp đổ’ (boom-bust) ở các thị trường mới nổi”, IFF cho biết trong báo cáo.
Cho tới nay, quy mô tác động vẫn chưa bằng với những gì đã diễn ra trong năm 2013 – thời điểm diễn ra sự kiện “taper tantrum”. Sự kiện “taper tantrum” vẫn còn là nỗi ám ảnh đối với nhiều nhà đầu tư trên thị trường. Đồng tiền của các quốc gia thị trường mới nổi đã biến động mạnh sau khi Chủ tịch Fed khi đó là Ben Bernanke cho biết trong tháng 5/2013 rằng Fed sẽ bắt đầu giảm bớt quy mô chương trình mua trái phiếu.
Nợ bằng đồng USD
Thông thường, đồng USD mạnh sẽ là điều tốt với phần lớn các quốc gia khác vì nó làm hàng hóa xuất khẩu của họ trở nên rẻ hơn và cạnh tranh hơn ở thị trường lớn nhất trên thế giới. Tuy nhiên, trong bối cảnh các khoản tín dụng định danh bằng đồng USD ở các thị trường mới nổi ngày càng gia tăng thì đồng USD mạnh sẽ gây khó khăn trong việc trả nợ bằng đồng bạc xanh. Trong năm 2017, các khoản tín dụng định danh bằng đồng USD ở các thị trường mới nổi đã gia tăng 10% lên 3,7 ngàn tỷ USD, dựa trên dữ liệu của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế.
“Khi đồng USD tăng giá, các khoản tín dụng ngân hàng xuyên biên giới sẽ giảm sút”, ông Valentina Bruno, Giáo sư tại American University ở Washington, cho hay.
Một nghiên cứu của Fed công bố trong tuần trước phát hiện ra rằng lãi suất Mỹ ngày càng tăng sẽ gây ra tác động lan tỏa lớn lên nước ngoài và gần lớn bằng tác động lên nước Mỹ.
Kevin Logan, Trưởng Bộ phận Kinh tế Mỹ, cho biết đồng USD có thể tăng thêm khi Fed đẩy mạnh các đợt nâng lãi suất, còn Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) do dự giảm bớt quy mô gói kích thích vì lạm phát còn cách xa mục tiêu.
Ông Logan dự báo sự tăng giá liên tục của đồng bạc xanh sẽ thuyết phục Fed chấm dứt chiến dịch nâng lãi suất vào tháng 3/2019 sau 3 lần nâng lãi suất nữa. Điều này sẽ đẩy lãi suất liên ngân hàng Mỹ (fed fund rate) ở mức 2,25%-2,5%.
Chủ tịch Fed khu vực Atlanta, Raphael Bostic, cho rằng Fed sẽ ngừng nâng lãi suất sau khi lãi suất đạt tới mức trung lập – theo ông là trong phạm vi 2,25%-2,75%.
Dẫu vậy, gần như tất cả thành viên của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang Mỹ (FOMC) đều kỳ vọng Fed sẽ buộc phải nâng lãi suất vượt mức trung lập để kìm chế tăng trưởng kinh tế. Mức dự báo trung bình của các nhà hoạch định chính sách trong tháng 3/2018 là 3,4% vào năm 2020.
Dĩ nhiên, điều đó còn phụ thuộc vào việc nền kinh tế không bị bất ngờ bởi một cú sốc đột ngột, có thể là địa chính trị hoặc vấn đề khác.
Tuần trước, ông Powell tranh luận rằng các thị trường mới nổi đang trong tình trạng tốt hơn so với quá khứ và có khả năng hứng chịu thêm các đợt nâng lãi suất của Fed, vì thông thường những động thái nâng lãi suất đã được các nhà đầu tư dự báo từ trước.
“Kỳ vọng của các thành phần tham gia thị trường về chính sách dường như cũng khá phù hợp với kỳ vọng của các nhà hoạch định chính sách”, ông Powell cho biết trong sự kiện ngày 08/05 ở Zurich. Ông còn nói thêm có lý do hợp lý để nghĩ rằng các thị trường mới nổi có khả năng kiểm soát quá trình bình thường hóa chính sách tiền tệ ở các nền kinh tế phát triển.
Nguồn: Vũ Hạo (theo Bloomberg)/Vietstock.vn