Đại dịch Covid-19 đã khiến kinh tế Mỹ lao dốc trong thời gian ngắn đến mức các thước đo bình thường không kịp phản ánh. Các chuyên gia kinh tế đang theo dõi cách kinh tế Mỹ phục hồi về thời trước dịch, nếu có thể. Họ cố phân tích tình hình dựa trên những số liệu được công bố định kỳ.
GDP là thước đo bao quát, phản ánh mọi thứ từ lao động đến chi tiêu vốn của Mỹ. GDP nước này năm 2019 là khoảng 19.200 tỷ USD. Nền kinh tế số một thế giới dường như đang suy thoái, tức GDP ngày càng giảm thay vì tăng lên với tốc độ nhanh.
Một số mô hình cho thấy nếu tình hình hiện tại kéo dài một năm, kinh tế Mỹ có thể thu hẹp hơn 20%. Tuy nhiên, khả năng cao kinh tế Mỹ sẽ phục hồi trong vài tuần tới bởi các bang đều đã bắt đầu nới lỏng lệnh phong tỏa áp dụng trước đó để kiểm soát Covid-19. Tuy nhiên, đợt phục hồi trên bắt đầu khi nào, mức độ ra sao còn là vấn đề gây tranh cãi.
Các kinh tế gia sử dụng hình dạng chữ cái để mô tả độ sâu suy thoái và quá trình phục hồi sau đó. Dưới đây là một số mô hình dựa trên dự báo từ công ty đầu tư Ned Davis Research và số liệu khảo sát hàng tháng của Reuters về triển vọng kinh tế Mỹ dài hạn.
Phục hồi hình chữ U bao gồm một đợt giảm sâu trong GDP và việc làm nửa đầu năm 2020, tức tình trạng hiện nay. Với kịch bản này, tình hình sẽ ổn định trong nửa cuối năm 2020 nhưng sự phục hồi không mạnh mẽ cho đến cuối năm 2020 hoặc đầu năm 2021. Kinh tế Mỹ cần một năm hoặc hơn để lấy lại những gì đã mất trong GDP.
Ned Davis Research dự đoán kịch bản này có 35% khả năng xảy ra. Phần lớn kinh tế gia tham gia khảo sát của Reuters cũng nghiêng về phương án chữ U.
Phục hồi hình chữ V là kịch bản tốt nhất nhưng ít có khả năng xảy ra hơn. Trong kịch bản này, GDP và việc làm giảm mạnh trong nửa đầu năm 2020 rồi phục hồi nhanh, mạnh ngay từ mùa hè. GDP khôi phục lại như cũ vào cuối năm 2020, các chính sách kích thích tài chính và tiền tệ thúc đẩy tăng trưởng mạnh sau đó.
Phục hồi chữ L là kịch bản tệ nhất, với GDP cùng việc làm giảm mạnh trong nửa đầu năm 2020 và tình trạng này kéo dài. Covid-19 vẫn lây lan, suy thoái hiện hữu, xã hội vẫn cách ly. Chính quyền thất bại vì không có đủ hỗ trợ dành cho nền kinh tế. Giảm phát xuất hiện.
Những chỉ số kinh tế thường xuyên
Những số liệu kinh tế quan trọng thường cung cấp cái nhìn có độ trễ, ví dụ như tỷ lệ thất nghiệp được cập nhật hàng tháng. Covid-19 bùng phát nhanh đến nỗi giới phân tích phải chọn các loại số liệu và nguồn số liệu khác để tìm hiểu độ sâu của đợt giảm tốc kinh tế cũng như khả năng phục hồi. Dưới đây là một số chỉ số giúp mang lại cái nhìn ban đầu về tình trạng nền kinh tế Mỹ.
Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần tại Mỹ
Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại Mỹ vượt 35 triệu kể từ ngày 24/3.
Kinh tế suy yếu và các quy định buộc nhiều doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động khiến số người thất nghiệp tăng mạnh. Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tại Mỹ được cập nhật hàng tuần, phần nào phản ánh số người bị ảnh hưởng, từ đó xác định các điều kiện kinh tế đang xấu đi hay tốt lên.
Tăng trưởng kỳ vọng
Chỉ số kinh tế hàng tuần ngày 4/4 cho thấy đợt suy giảm kinh tế vì Covid-19 sâu gấp đôi so với cuộc khủng hoảng hồi năm 2009.
Nhà phân tích kinh tế James Stock của Đại học Harvard cùng nhóm các nhà nghiên cứu tại Fed New York đưa ra 7 loại số liệu, trong đó có cả sản lượng điện, chỉ số giúp theo dõi tăng trưởng GDP. Số liệu của bất cứ tuần nào cũng có thể dùng để đưa ra kỳ vọng tăng trưởng kinh tế cả năm.
Hoạt động của người tiêu dùng
Diễn biến chỉ số hoạt động của người tiêu dùng Mỹ giảm mạnh vào giữa tháng 3 khi 30 bang ở Mỹ tuyên bố tình trạng khẩn cấp vì Covid-19.
Goldman Sachs tập hợp số liệu về như doanh số vé xem phim và những mặt hàng có tần suất sử dụng cao khác của ngành bán lẻ thành một chỉ số chung phản ánh hoạt động của người tiêu dùng.
Lưu lượng đi lại
Số lần đến cửa hàng bán lẻ tại Mỹ so với cùng kỳ năm 2019 bắt đầu tăng trở lại từ giữa tháng 5, khi một số bang nới lỏng lệnh phong tỏa triển khai trước đó để ứng phó Covid-19.
Các công ty như Unacast theo dõi vị trí của các điện thoại di động và đối chiếu chúng với vị trí của cửa hàng bán lẻ cùng nhiều địa điểm khác. So sánh mức độ đến các cửa hàng bán lẻ qua các tuần với cùng kỳ trong năm 2019 phản ánh chiều sâu của đợt giảm tốc. Về tỷ lệ phần trăm, số lần đến các cửa hàng bán lẻ năm nay thấp hơn năm ngoái nhưng chênh lệch có xu hướng giảm dần.
Giờ làm việc
Thay đổi số giờ làm việc trong cùng ngày so với tháng 1.
Homebase là công cụ theo dõi thời gian và kế hoạch được sử dụng bởi các doanh nghiệp nhỏ và nhân viên làm việc theo giờ của họ. Khách hàng của Homebase tại Mỹ chủ yếu là các nhà hàng, doanh nghiệp bán lẻ, dịch vụ. Hầu hết thất nghiệp do Covid-19 gây ra nằm trong nhóm lao động theo giờ thu nhập thấp trong lĩnh vực dịch vụ. Số liệu từ 55.000 doanh nghiệp cho thấy thay đổi trong việc ai đang mở cửa và có bao nhiêu người đang làm việc.