Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã bổ sung 200 tỉ nhân dân tệ (CNY) (tương đương 28 tỉ USD) tiền mặt kì hạn một năm vào hệ thống tài chính thông qua công cụ cho vay trung hạn vào hôm nay (16/10).
Theo Bloomberg, động thái này khiến nhà đầu tư ngạc nhiên vì chính phủ Trung Quốc thường bơm thanh khoản khi các khoản vay được cấp trước đó đến hạn, và đợt đáo hạn gần nhất phải tới ngày 5/11.
Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới hiện đang chịu áp lực lớn khi mà cuộc chiến thương mại với Mỹ kéo dài dai dẳng nhưng hai bên chưa nhất trí về một thỏa thuận cụ thể nào và kinh tế nội địa chững lại.
Bối cảnh này khiến PBoC phải nới lỏng chính sách tiền tệ bằng cách giảm chi phí đi vay cho doanh nghiệp và cắt giảm tỉ lệ dự trữ của hệ thống ngân hàng trong năm nay.
Dữ liệu công bố trong tuần này cho thấy xuất khẩu tháng 9 (tính bằng đồng USD) giảm 3,2% so với cùng kì năm ngoái, trong khi nhập khẩu giảm 8,5%. Thặng dư thương mại tháng 9 của Trung Quốc đạt 39,65 tỷ USD.
Cũng trong tuần này, chỉ số lạm phát tiêu dùng tháng 9 của Trung Quốc chạm mức cao nhất trong vòng 6 năm khi giá thịt lợn tăng vọt gần 70%.
Theo dữ liệu của Cục Thống kê quốc gia (NBS) Trung Quốc, chỉ số giá tiêu dùng (CPI), thước đo chính của lạm phát bán lẻ tháng 9, đạt 3,0% cao hơn so với mức 2,8% hồi tháng 8 và cao nhất kể từ tháng 11/2013.
Bà Becky Liu, người đứng đầu bộ phận chiến lược vĩ mô của Standard Chartered, cho biết đây là điều thị trường không đoán trước được.
"Bắc Kinh có lẽ đang muốn bơm thêm thanh khoản dài hạn vào hệ thống để đảm bảo nguồn cung dồi dào trong mùa thanh toán thuế vào giữa tháng 10 cũng như để củng cố nền kinh tế vốn đang đối mặt với áp lực tăng trưởng", bà nói.
"Tuy nhiên, phản ứng của thị trường khá im ắng, có lẽ là vì PBoC không hạ lãi suất [như các ngân hàng trung ương khác]", ông Frances Cheung, Giám đốc bộ phận chiến lược vĩ mô tại Westpac Banking Corp, nhận định.
Lợi suất trái phiếu chính phủ Trung Quốc kì hạn 10 năm đã giảm một điểm cơ bản xuống mức 3,16% vào lúc 10h34 sáng (giờ Thượng Hải).
Nguồn: Vietnambiz.vn