Theo số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến nay, Nhật Bản đã đầu tư vào Việt Nam 3.551 dự án, tổng vốn đăng ký đạt 46,3 tỷ USD, chiếm 14,7% về số dự án và số vốn FDI đăng ký đầu tư vào Việt Nam với sự hiện diện của nhiều tên tuổi lớn như: Honda, Toyota, Sumitomo, Aeon…

Trong khuôn khổ Diễn đàn tổng quan Nikkei châu Á tại Việt Nam do Báo Nikkei (Nhật Bản) tổ chức mới đây, ông Shosuke Mori - Phó giám đốc điều hành cấp cao bộ phận ngân hàng quốc tế của Sumitomo - cho rằng, Việt Nam có tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ trong 20 năm qua, là một trong số ít quốc gia khu vực ASEAN đạt được tốc độ tăng trưởng hơn 5% những năm gần đây. Bên cạnh đó, Tổ chức Tiền tệ thế giới (IMF) dự báo, GDP đầu người Việt Nam sẽ đạt 3.350 USD vào năm 2017 và 3.500 USD/ người vào những năm tiếp theo.

Cùng với tăng trưởng kinh tế, Việt Nam còn hấp dẫn nhà đầu tư Nhật Bản bởi vị trí địa lý nằm ở trung tâm khu vực ASEAN, môi trường kinh doanh thuận lợi, lực lượng lao động đông và chăm chỉ. Môi trường chính trị, văn hóa của Việt Nam cũng có nhiều nét tương đồng với Nhật Bản.

Ngoài ra, các nhà đầu tư Nhật Bản cũng cho rằng, Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với nền kinh tế khu vực và thế giới thông qua những FTA song và đa phương. Chính phủ Việt Nam rất tích cực cải thiện môi trường kinh doanh thông qua việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (CPH DNNN)… Đây là lý do các nhà đầu tư Nhật Bản nhìn thấy được cơ hội kinh doanh tại thị trường Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Việt Nam đang thúc đẩy hoạt động mua bán và sáp nhập DN (M&A) gắn với CPH DNNN trong lĩnh vực vận tải, hạ tầng, lương thực, thực phẩm, nông nghiệp, viễn thông, thương mại… - cơ hội rất lớn để các nhà đầu tư, DN Nhật Bản trở thành đối tác chiến lược của DN Việt Nam. Cùng với đó, Chính phủ Việt Nam cũng đang tập trung hoàn thiện khung khổ pháp lý, tạo thuận lợi đẩy mạnh mô hình hợp tác công tư (PPP) trong phát triển hạ tầng, đặc biệt chú trọng thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia với tỷ lệ góp vốn linh hoạt, cơ chế thông thoáng.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Chính phủ Việt Nam cam kết tiếp tục dành ưu tiên và tạo thuận lợi cho nhà đầu tư Nhật Bản tham gia CPH DNNN và trở thành đối tác chiến lược của Việt Nam. Đồng thời, khuyến khích DN Nhật Bản tham gia đầu tư thông qua các quỹ đầu tư mạo hiểm; trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm và kết nối DN Việt Nam với thị trường toàn cầu; mong muốn các quỹ đầu tư, DN Nhật Bản nghiên cứu đầu tư vào dự án đang hoạt động hoặc đề xuất đầu tư vào dự án trong lĩnh vực phát triển hạ tầng, logistics...

Chính phủ Việt Nam hoan nghênh các DN Nhật Bản đầu tư lâu dài tại Việt Nam, hỗ trợ chuyển giao công nghệ mới, nâng cao giá trị thương hiệu cho doanh nghiệp trong nước.

Nguồn: Baocongthuong.com.vn