Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục nâng lãi suất, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cho biết có thể dừng mua trái phiếu vào tháng 12 tới và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) tiếp tục chính sách kích thích tiền tệ. Tuy nhiên, có lẽ Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) mới chính là nơi phát đi thông điệp tác động nhiều nhất đến các thị trường khi quyết định không nâng lãi suất theo Fed.
Quyết định của các nhà hoạch định chính sách đưa ra khi dữ liệu kinh tế đáng thất vọng ở nhiều khu vực bên ngoài nước Mỹ và Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo “bầu trời thêm mờ mịt” khi căng thẳng thương mại leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc.
Những sự kiện chính sách đáng chú ý trong tuần qua
Mỹ tiếp tục nâng lãi suất
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ngày 13/6 đã quyết định nâng lãi suất cơ bản thêm 0,25% lên phạm vi 1,75-2% với lý do “nền kinh tế đang hoạt động rất tốt”, đồng thời dự kiến sẽ có tổng cộng 4 lần nâng lãi suất trong năm 2018 (tức là còn 2 lần nữa) và khoảng 3 lần trong năm 2019, trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp giảm và lạm phát tăng nhanh hơn dự báo trước đó.
Các quan chức Fed dự báo tăng trưởng GDP của Mỹ sẽ đạt 2,8% trong năm nay, cao hơn dự báo trước đó, và giảm còn 2,4% trong năm tới, trong khi lạm phát dự kiến sẽ đạt 2,1% trong năm nay và duy trì ở mức này đến năm 2020. Cũng trong cuộc họp báo lần này, ông Powell và hội đồng chính sách đã phân tích khá chi tiết các chỉ số về lạm phát và tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ trong thời gian gần đây. Cụ thể, trong ba tháng qua, lượng việc làm mới được tạo ra đạt trung bình 180.000 mỗi tháng và tỷ lệ thất nghiệp cũng giảm, duy trì ở mức 3,8% trong tháng 5. Đồng thời, Fed cũng nhận thấy, lạm phát của Mỹ hiện tại đang có xu hướng tăng lên, trong tháng 5 đạt mức tăng nhanh nhất trong hơn 6 năm và tiệm cận mức mục tiêu 2% mà ngân hàng trung ương này đặt ra, đồng thời doanh số bán lẻ cũng vượt dự báo. Chính vì vậy, sau một thời gian duy trì một mức lãi suất thấp, Fed cho rằng đã đến lúc trả lãi suất về mức bình thường để có thể duy trì một môi trường mà các hộ gia đinh và doanh nghiệp có thể phát triển mạnh mẽ.
Phản ứng của thị trường: Đà nhảy vọt lúc đầu của đồng USD và lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm 2018 sớm phai tàn, nhưng đồng bạc xanh tiếp tục tăng giá khi các ngân hàng trung ương ở châu Âu và Trung Quốc báo hiệu triển vọng “bồ câu” hơn trong tương lai. Diễn biến chính của thị trường là sự bằng phẳng hóa của đường còn lợi suất xuống mức chưa từng có tiền lệ kể từ năm 2007 – một dấu hiệu cho thấy nhà đầu tư trái phiếu vẫn chưa cảm thấy thuyết phục về việc lấy tình hình của nền kinh tế Mỹ để tăng cường thắt chặt chính sách.
Liên minh châu Âu dự định sớm kết thúc chương trình mua trái phiếu chính phủ
Ngày 14/6, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) quyết định giữ nguyên lãi suất, đồng thời tuyên bố có thể dừng chương trình mua trái phiếu chính phủ vào tháng 12 tới. Quy mô chương trình mua trái phiếu cũng sẽ bị thu hẹp dần từ 30 tỷ euro/tháng hiện tại xuống còn 15 tỷ euro/tháng từ tháng 10. ECB muốn chấm dứt chương trình này trên cơ sở tin tưởng rằng nền kinh tế khu vực đồng Euro đủ mạnh để vượt qua những rủi ro hiện nay, trong đó bao gồm việc áp thuế thương mại của Mỹ và những lo lắng Chính phủ dân túy của Italia sẽ châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng tài chính khác. “Chúng tôi đã đưa ra những quyết định này vì biết rằng nền kinh tế đang trong tình trạng tốt hơn, dù những bất ổn cũng gia tăng”, Chủ tịch ECB, Mario Draghi, cho biết tại buổi họp báo sau cuộc họp chính sách.
ECB hiện duy trì lãi suất tái cấp vốn 0%, lãi suất vay ký quỹ là 0,25% và lãi suất tiền gửi -0,4%, tức là các ngân hàng khác phải mất thêm tiền nếu gửi tiền vào ECB.
Phản ứng của thị trường: Các thị trường quyết định xem thông điệp mâu thuẫn trên là thông điệp mang quan điểm “bồ câu”, và đồng Euro giảm mạnh nhất kể từ cuộc trưng cầu dân ý về Brexit của Anh. Trái phiếu leo dốc nhờ triển vọng các gói kích thích sẽ tồn tại cho tới cuối năm nay, trong đó lợi suất trái phiếu Italy giảm mạnh. Được biết, Italy là nước hứng chịu rủi ro nhiều nhất từ việc ECB chấm dứt gói QE. Chứng khoán châu Âu ghi nhận đà tăng mạnh nhất kể từ tháng 4/2018.
Nhật Bản giữ nguyên chính sách tiền tệ siêu lỏng
Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) ngày 15/6 đã quyết định giữ nguyên chính sách tiền tệ siêu lỏng trong bối cảnh lạm phát vẫn thấp xa so với mục tiêu, dù các điều kiện kinh tế đã được củng cố. BoJ đã quyết định không thay đổi cả lãi suất ngắn hạn và dài hạn, cũng như quy mô chương trình mua tài sản của mình, đồng thời giữ nguyên đánh giá rằng kinh tế Nhật Bản đang “tăng trưởng vừa phải”, phản ánh sự khởi sắc trong xuất khẩu và chi tiêu/đầu tư, trong khi tiêu dùng tư nhân lại tỏ ra khá “dè dặt”.
Với quyết định trên, BoJ đã đi trên lộ trình khác với Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), hiện đang dần thu hẹp chương trình kích thích kinh tế được ban hành sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
GDP của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới đã giảm nhẹ trong quý I năm nay, sau khi tăng trưởng 8 quý liên tiếp trước đó, chuỗi tăng trưởng dài nhất trong hơn 30 năm qua, và nhiều chuyên gia dự đoán hoạt động kinh tế của Nhật Bản sẽ hồi phục trở lại.
BoJ đang nỗ lực đưa lạm phát lên 2%, mức mà ngân hàng này cho là phù hợp để thúc đẩy tăng trưởng vững. Nhưng mục tiêu này dường như vẫn còn xa vời, khi giá tiêu dùng cốt lõi (không tính giá năng lượng và thực phẩm tươi sống vốn dễ biến động) chi tăng 0,7% trong tháng 4 so với cùng kỳ năm ngoái.
Trung Quốc giữ nguyên lãi suất
NHTƯ gây nhiều bất ngờ nhất chính là Trung Quốc với quyết định không nâng lãi suất theo Fed. Họ đã giữ nguyên lãi suất sau dữ liệu về sản lượng công nghiệp, doanh số bán lẻ và đầu tư đều cho thấy nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới đang mất đà.
Phản ứng của thị trường: Quyết định không làm theo Fed của PBoC truyền tải tín hiệu về nỗi lo ngại tăng trưởng của các nhà đầu tư. Cùng với mối đe dọa từ hàng rào thuế quan Mỹ, điều này đã đẩy chỉ số Shanghai Composite xuống mức thấp nhất kể từ tháng 9/2016. Thông tin từ BoJ có vẻ ít kịch tính hơn; việc hạ thấp đánh giá về lạm phát của BoJ tác động tiêu cực tới đồng JPY trong thoáng chốc, nhưng sau đó đã phục hồi trở lại.
Một số nước khác
Argentina có lẽ phải đối phó với cú sốc lớn nhất tới các thị trường khi Chính phủ nước này bổ nhiệm nhà lãnh đạo mới cho NHTW, trong bối cảnh đồng Peso tiếp tục lao dốc bất chấp việc IMF cung cấp khoản cho vay lớn nhất trong lịch sử. Ngân hàng Trung ương Australia (RBA) sẽ vẫn giữ nguyên chính sách khi đối mặt với bài toán nan giải về tăng trưởng tiền lương ảm đạm, theo lời của Chủ tịch RBA, Philip Lowe.
Ở Hungary, Phó Thống đốc, Marton Nagy, cho biết NHTW Hungary đã chuẩn bị để thắt chặt chính sách nếu đà suy giảm của đồng Forint đe dọa tới mục tiêu lạm phát.
Các nhà hoạch định chính sách của Cộng hòa Séc chuẩn bị tiếp tục nâng lãi suất sớm hơn dự kiến. Na Uy có thể tiếp tục trì hoãn kế hoạch thắt chặt chính sách tiền tệ nếu lạm phát tiếp tục gây thất vọng, nhưng Thụy Điển có thể cần phải hành động. Ở nơi khác, lạm phát tăng trưởng nhanh hơn ở Ấn Độ khiến nhà đầu tư trông chờ vào một đợt nâng lãi suất. Pakistan phá giá đồng nội tệ lần thứ 3 kể từ tháng 12/2017. Chile báo hiệu nâng lãi suất trước khi kết thúc năm 2018, còn Iceland, Uganda và Namibia giữ nguyên lãi suất.
Tổng hợp từ Bloomberg, Vietstock