Theo kế hoạch, Anh sẽ chính thức nói lời chia tay EU vào ngày 31/10. Dưới đây là những tình huống có thể xảy ra trong một vài tuần tới
Trì hoãn Brexit
Anh sẽ rời EU đúng theo kế hoạch vào ngày 31/10 trừ khi chính phủ quốc gia này gửi yêu cầu trì hoãn Brexit đến EU và nhận được sự chấp thuận từ lãnh đạo 27 quốc gia thành viên.
Thủ tướng Johnson không muốn kéo dài thêm quá trình Brexit nhưnng nhiều nghị sĩ trong quốc hội quan ngại về việc Anh rời EU mà không đạt thỏa thuận nào có thể ảnh hưởng lớn đến quốc gia này. Họ đã thông qua một đạo luật buộc ông Johnson phải xin trì hoãn Brexit thêm 3 tháng, cho đến ngày 31/1/2020, để ngỏ khả năng sẽ có những lần trì hoãn tiếp theo.
Dư luật này sẽ chính thức có hiệu lực nếu như ông Johnson không thể đạt được một thỏa thuận rời đi với EU, hoặc bằng cách nào đó có thể thuyết phục được các nghị sĩ ủng hộ kế hoạch “Brexit không thỏa thuận” trước ngày 19/10.
Thỏa thuận Brexit
Ông Johnson có thể thực hiện Brexit đúng ngày 31/10 nếu như thành công trong quá trình đàm phán một thỏa thuận mới với EU và bản thỏa thuận đó phải nhận được sự thông qua của đa số các nghị sĩ trong quốc hội. Nhưng đây là một viễn cảnh rất khó xảy ra.
Người tiền nhiệm của ông, bà Theresa May, đã đạt được một thỏa thuận với EU hồi năm ngoái nhưng thỏa thuận này đã bị quốc hội bác bỏ, thậm chí đến 3 lần.
Các lãnh đạo EU từ chối tái đàm phán về thỏa thuận đạt được trước đó, đồng thời cũng chỉ trích ông Johnson khi đã không thể đề xuất một kế hoạch nào cụ thể hơn.
Ông Johnson rất kỳ vọng vào “lời đe dọa” Brexit không thỏa thuận sẽ khiến các lãnh đạo liên minh chấp nhận ngồi lại vào bàn đàm phán. Ông cũng chia sẻ rằng những hành động của quốc hội góp phần làm suy yếu kế hoạch Brexit của ông.
Tuy nhiên, ông tin sẽ đạt được một thỏa thuận mới trước khi Hội nghị thượng đỉnh các lãnh đạo quốc gia EU diễn ra trong hai ngày 17-18/10, và có thể đưa nước Anh rời EU như đã hứa vào ngày 31/10.
Brexit không thỏa thuận
Ông Johnson từng phát biểu rằng ông “thà chết” còn hơn là trì hoãn Brexit sau hơn 3 năm kể từ khi người dân Anh bỏ phiếu tán thành kế hoạch “chia tay” EU trong một cuộc tranh cầu dân ý.
Chính phủ Anh nhấn mạnh rằng họ sẽ tìm ra những lỗ hổng trong hệ thống pháp lý áp dụng đối với các nghị sĩ quốc hội nhằm hợp thức hóa một Brexit không thỏa thuận, cho dù cơ quan này luôn khẳng định sẽ thượng tôn pháp luật.
Đã dấy lên những đồn đoán rằng ông Johnson có thể xin từ chức nếu như không thể thực hiện Brexit đúng hạn, nhưng sẽ phải có một ai đó đệ trình yêu cầu này. Cũng có khả năng lãnh đạo các quốc gia EU cảm thấy quá mệt mỏi với những động thái “quanh co” của chính phủ Anh và sẽ từ chối kéo dài quá trình Brexit. Tuy nhiên cơ quan này không muốn nhận trách nhiệm về những xáo trộn mà quá trình Brexit không thỏa thuận gây ra.
Bầu cử sớm
Sau khi bãi bỏ tư cách thành viên đảng Bảo thủ của 21 nghị sĩ quốc hội, những người chống đối lại dự luật Brexit, đảng của ông Johnson đã không còn duy trì được thế đa số trong tổng số 650 ghế tại quốc hội. Điều này đã đẩy ông vào tình thế vô cùng khó khăn khi không thể toàn tâm lãnh đạo chính phủ và một cuộc bầu cử là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
Nhưng thời điểm diễn ra vẫn đang là một dấu hỏi lớn.
Thủ tướng Johnson mong muốn tổ chức một cuộc bầu cử vào ngày 15/10, với hy vọng ông có thể dành đủ số ghế trong quốc hội để tiếp tục “bám trụ” lại với kế hoạch Brexit.
Tuy nhiên, Công đảng đối lập cho biết họ sẽ ủng hộ kế hoạch bầu cử này chỉ khi nào ông Johnson từ bỏ theo đuổi Brexit không thỏa thuận.
2/3 số nghị sĩ trong quốc hội phải thông qua kế hoạch bầu cử sớm, nhưng cơ quan này lại đang tạm nghỉ đến ngày 14/10. Giờ đây, mọi người đều đang thiên về một cuộc bầu cử diễn ra trong tháng 11.
Sẽ không có Brexit?
Nếu như ông Johnson dành phần thắng trong cuộc bầu cử sắp tới, hoặc ông có thể đạt được một thỏa thuận với đảng Ủng hộ Brexit (một đảng mới tại Anh), ông có thể sẽ vẫn phải đấu tranh để có thể thực hiện được một “Brexit không thỏa thuận” trong vài tháng tới.
Còn nếu như Công đảng dành phần thắng, đảng này đã hứa sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý mới, trong đó có lựa chọn ở lại EU, đồng nghĩa với việc Brexit bị bãi bỏ hoàn toàn.

Nguồn: Trọng Đại/Người đồng hành