Dự báo, tình hình dịch bệnh Covid-19 tại các khu vực EU, Hoa Kỳ, ASEAN, Trung Đông đang có chiều hướng gia tăng, việc các nước áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại sẽ tiếp tục gây ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam trong thời gian tới.
Xuất khẩu chỉ tăng 0,5%
Theo thông tin mà Bộ Công Thương vừa phát đi ngày hôm nay 1/4, tính chung quý I, xuất khẩu hàng hóa đạt 59,08 tỷ USD, tăng 0,5%; nhập khẩu đạt 56,26 tỷ USD, giảm 1,9%. Cán cân thương mại của Việt Nam tiếp tục thặng dư 2,82 tỷ USD, cao hơn so với mức thặng dư 1,46 tỷ USD của cùng kỳ năm 2019.
Riêng ở góc độ xuất khẩu, đáng chú ý nhìn ở bình diện cả giai đoạn năm 2003 đến nay, tăng trưởng xuất khẩu trong quý I/2020 đạt mức thấp nhất.
Dù vậy, theo Bộ Công Thương đây cũng là xu hướng chung của thương mại quốc tế và khu vực. Trong 2 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc giảm 17%; Hàn Quốc giảm 1,5%; Thái Lan giảm 0,8%; Nhật Bản giảm 4,1%...
Xét ở góc độ ngành hàng, nhóm nông, lâm, thủy sản tương đối “bết bát”. Tổng giá trị xuất khẩu 3 tháng ước đạt 5,28 tỷ USD, giảm 8,3% so với cùng kỳ năm trước. Với tác động của dịch Covid-19, hầu hết các sản phẩm nông sản đều có kim ngạch sụt giảm.
“Vào thời điểm đầu tháng 2, khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh ở Trung Quốc, giao dịch thương mại với Trung Quốc qua cửa khẩu đường bộ đất liền gần như đình trệ. Trong khi đó, xuất khẩu sang các thị trường EU và Hoa Kỳ gặp nhiều khó khăn do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đang lan rộng tại các nước này”, Bộ Công Thương lý giải.
Nhóm hàng công nghiệp chế biến tình hình cũng không mấy khả quan khi tổng giá trị xuất khẩu quý đầu năm ước đạt 50,05 tỷ USD, chỉ tăng 1,7% so với cùng kỳ năm trước.
Sau giai đoạn 1, đối với các mặt hàng công nghiệp chế biến, nguồn cung ứng nguyên liệu phục vụ sản xuất, xuất khẩu gặp nhiều khó khăn do phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu Trung Quốc.
Đến nay, việc đứt gãy nguồn cung cơ bản được giải quyết, xuất khẩu Việt Nam hiện đang phải đối mặt với việc đứt gãy cầu khi nhu cầu tiêu thụ sụt giảm do dịch bệnh Covid -19 đã lan rộng sang các nước EU và Hoa Kỳ là những nước đối tác xuất khẩu lớn của Việt Nam.
Thúc đẩy xuất khẩu sang Trung Quốc
Bộ Công Thương dự báo, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 tại các khu vực EU, Hoa Kỳ, ASEAN, Trung Đông đang có chiều hướng gia tăng, việc các nước áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại sẽ tiếp tục gây ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam trong thời gian tới.
Từ tháng 3, toàn cầu bước vào giai đoạn đại dịch với mức độ lây lan nhanh nguy hiểm. Hiện nay, do dịch bệnh, Chính phủ các quốc gia đang ban hành những biện pháp kiểm soát dịch bệnh như tạm đóng cửa xuất nhập cảnh, hạn chế tụ tập, mua sắm đông người, hạn chế hoạt động của các Trung tâm thương mại... khiến nhu cầu mua bán hàng hóa dệt may và giày dép tại nhiều thị trường giảm.
Hiện tại, xu hướng chính của các đối tác là giãn thời gian giao hàng trong tháng 3, hoãn đơn hàng trong tháng 4, 5 và tạm chưa đàm phán đơn hàng từ tháng 6 trở đi (thông thường hàng năm, thời gian này đã là thời gian hai bên ngồi đàm phán cho các đơn hàng cuối năm).
“Các mặt hàng như dệt may, da giày, đồ gỗ hứng chịu tác động kép từ dịch Covid-19 do nguồn nguyên liệu sản xuất vừa mới được cải thiện từ đầu tháng 3, nhưng nay lại gặp khó khăn ở thị trường đầu ra, đặc biệt EU và Mỹ là hai thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam”, đại diện Bộ Công Thương phân tích thêm.
Dù vậy, Bộ Công Thương đánh giá, xuất khẩu hàng hóa Việt Nam cũng có những kỳ vọng tích cực trong thời gian tới. Cụ thể như, dịch Covid-19 cơ bản đã được khống chế tại Trung Quốc, hoạt động xuất nhập khẩu không còn bị hạn chế sẽ là cơ hội cho Việt Nam trong việc xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc.
Bên cạnh đó, các ưu đãi của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được kỳ vọng sẽ có những tác động thúc đẩy sản xuất trong nước.
Mức thuế chống bán phá giá vào thị trường Hoa Kỳ giảm, kết quả công nhận tương đương về hệ thống quản lý, kiểm soát an toàn thực phẩm trên cá tra do Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ công bố là cơ sở thuận lợi giúp cho sản phẩm thủy sản của Việt Nam nâng cao khả năng cạnh tranh…
Thời gian tới, Bộ Công Thương xác định sẽ đẩy mạnh rà soát, lựa chọn các thị trường thay thế có khả năng bổ sung cho sự sụt giảm kim ngạch xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc do ảnh hưởng của Covid-19; có các giải pháp nhằm thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc khi dịch bệnh được khống chế cơ bản ở nước này...
“Bộ Công Thương cũng sẽ chủ động có báo cáo Chính phủ về việc sớm trình bộ hồ sơ phê chuẩn Hiệp định EVFTA để Chủ tịch nước ký trình Quốc hội thực hiện thủ tục phê chuẩn vào kỳ họp tới nhằm thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh vào thời điểm cuối năm 2020 để bù đắp cho sự khó khăn của các tháng đầu năm”, đại diện Bộ Công Thương nhấn mạnh.

Nguồn: Haiquanonline