Nông dân Mỹ sắp được bồi thường từ gói hỗ trợ 16 tỷ USD
Chương trình hỗ trợ lần này bao gồm 29 mặt hàng, trong đó có đậu tương, ngô, lúa mỳ, lúa miến và bông.
Các quan chức Mỹ ngày 25/7 cho biết chính phủ nước này sẽ bồi thường cho các nông dân bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến thương mại với Trung Quốc từ 15-150 USD/acre (1 acre = 4.046,86 m2) trong gói hỗ trợ trị giá 16 tỷ USD. Trong đó nông dân ở phía nam dự kiến sẽ được hưởng tỷ lệ bồi thường cao hơn vùng Midwest.
Theo USDA, để được hưởng bồi thường, các loại cây nông nghiệp phải được trồng trước ngày 1/8/2019. Việc đăng ký nhận bồi thường sẽ bắt đầu vào ngày 29/7 và kéo dài đến 6/12. Các khoản thanh toán bổ sung sẽ dự kiến sẽ được thực hiện vào tháng 11 năm nay và tháng Một năm sau, nhưng sẽ phụ thuộc vào diễn biến của tình hình căng thẳng thương mại. Số tiền chi trả được giới hạn ở mức 500.000 USD mỗi người hoặc mỗi cơ quan hợp pháp.
Mỹ thông qua kế hoạch tăng chi tiêu liên bang thêm 320 tỷ USD
Ngày 25/7, Hạ viện Mỹ đã thông qua kế hoạch ngân sách lưỡng đảng cho tài khóa 2020, cho phép tăng chi tiêu liên bang thêm 320 tỷ USD và duy trì mức trần nợ công hiện tại thêm hai năm, qua cả cuộc bầu cử Tổng thống vào năm tới.
Dự luật ngân sách này đặt mức chi tiêu công linh hoạt cho tài khóa 2020 là hơn 1.300 tỷ USD, trong đó hạn mức chi tiêu quốc phòng và các hoạt động trong nước tăng đáng kể. Dự luật cũng cho phép chính phủ vay thêm tiền và tránh tình trạng vỡ nợ trong những tháng tới.
EC công bố chính sách hỗ trợ nông dân đối mặt với hạn hán
Ngày 25/7, Ủy ban châu Âu (EC) quyết định đưa ra chính sách hỗ trợ bổ sung cho nông dân đang đối mặt với nạn hạn hán do nắng nóng hoành hành ở châu Âu.
Ngoài các biện pháp hỗ trợ đã có theo Chính sách nông nghiệp chung (CAP), EC công bố 2 quyết định mới trong mục tiêu trợ giúp những người làm nông nghiệp. Số tiền ứng trước có thể lên đến 70% đối với các khoản chi trực tiếp và lên tới 85% đối với các khoản thanh toán liên quan đến phát triển nông thôn. Quyết định có hiệu lực từ giữa tháng 10 tới nhằm hỗ trợ vốn cho người nông dân.
Trung Quốc - ASEAN bước vào giai đoạn phát triển toàn diện mới
Truyền thông Trung Quốc ngày 25/7 đồng loạt dẫn phát biểu của Đại sứ Trung Quốc tại Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) Hoàng Khê Liên tại Hội nghị cấp cao hợp tác truyền thông Trung Quốc - ASEAN diễn ra ngày 24/7 ở thủ đô Jakarta (Indonesia), trong đó đánh giá quan hệ Trung Quốc-ASEAN đã bước vào giai đoạn phát triển toàn diện mới. Được thể hiện trên 5 phương diện sau: Thứ nhất, lộ trình phát triển "rõ ràng hơn". Thứ hai, mức độ tin cậy chiến lược "cao hơn". Thứ ba, tốc độ tăng trưởng kinh tế, thương mại "nhanh hơn". Thứ tư, giao lưu hữu nghị nhân dân "nóng hơn". Thứ năm, hai bên chia sẻ quan điểm chung "rộng hơn" trong các vấn đề quốc tế và khu vực.
Bầu cử Tổng thống Mỹ: Ứng cử viên Biden giữ vị trí dẫn đầu tại Nam Carolina
Theo kết quả cuộc thăm dò do Đại học Monmouth tiến hành công bố ngày 25/7, cựu Phó Tổng thống Joe Biden, ứng cử viên Tổng thống hàng đầu của đảng Dân chủ, hiện đang dẫn đầu với 27 điểm cách biệt so với ứng cử viên theo sát ông là Thượng nghị sĩ Kamala Harris trong cuộc đua tại bang Nam Carolina.
Ông Biden giành được 51% sự ủng hộ của các cử tri da màu, nhóm cử tri chiếm hơn 60% tổng số cử tri của đảng Dân chủ ở Nam Carolina, cao hơn gấp bốn lần so với tỉ lệ 12% cử tri da màu ủng hộ bà Harris và hơn năm lần so với tỉ lệ 10% ủng hộ ông Sanders.
Ngày càng nhiều người dân Hàn Quốc tẩy chay hàng Nhật
Kết quả khảo sát mới nhất của Trung tâm Realmeter công bố ngày 25/7, cho biết tỷ lệ người dân Hàn Quốc tẩy chay hàng Nhật Bản đang liên tục tăng, theo đó số người Hàn Quốc tham gia chiến dịch tẩy chay hàng hóa Nhật Bản hiện chiếm tỷ lệ 62,8%, tăng 14,8% so với 2 tuần trước đó.
Giới kinh doanh Mỹ cảnh báo hậu quả của tranh cãi thương mại Hàn Quốc-Nhật Bản
Các lãnh đạo trong ngành kinh doanh của Mỹ lo ngại biện pháp hạn chế xuất khẩu của Nhật Bản với Hàn Quốc sẽ làm tổn hại chuỗi cung ứng toàn cầu, đồng thời tác động tiêu cực đến nhiều lĩnh vực khác.
Amazon bị cáo buộc phá hủy ngành bán lẻ của Mỹ
Ngày 24/7, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cáo buộc tập đoàn Amazon đã làm giảm sức cạnh tranh và “phá hủy” ngành bán lẻ của Mỹ,
Phát biểu của ông Mnuchin được đưa ra trong bối cảnh trước đó Bộ Tư pháp Mỹ thông báo sẽ tiến hành một cuộc đánh giá chống độc quyền nhằm xem xét liệu các công ty kinh doanh trực tuyến hàng đầu có tác động nhằm kìm hãm khả năng cạnh tranh một cách bất hợp pháp hay không.
Các hạn chế xuất khẩu của Nhật Bản gây lo ngại về những tác động trên toàn cầu
Bộ Tài chính Hàn Quốc ngày 24/7 cho biết, các cơ quan xếp hạng toàn cầu đã bày tỏ lo ngại rằng các biện pháp hạn chế xuất khẩu của Nhật Bản sẽ không chỉ gây phương hại cho Hàn Quốc mà còn cho chính nước này và các nước khác trên thế giới.
Nói về các cuộc họp diễn ra trong các ngày 22 và 23/7 với ba hãng xếp hạng tín nhiệm lớn là Moody's, S&P và Fitch Ratings, Bộ trên cho biết, các hãng xếp hạng tín nhiệm đã bày tỏ lo ngại rằng tác động kinh tế từ các biện pháp của Nhật Bản hiện vẫn còn hạn chế, nhưng có thể tác động tiêu cực không chỉ với Hàn Quốc và Nhật Bản mà cả chuỗi cung ứng và nền kinh tế toàn cầu nếu Nhật Bản gia tăng hạn chế thương mại.
Triều Tiên từ chối nhận 50.000 tấn gạo viện trợ của Hàn Quốc
Một quan chức Bộ Thống Nhất Hàn Quốc cho biết Triều Tiên đang từ chối nhận 50.000 tấn gạo viện trợ của phía Hàn Quốc với lý do Hàn Quốc và Mỹ có kế hoạch tiến hành tập trận chung vào tháng 8 tới. Số gạo viện trợ của Hàn Quốc cho Triều Tiên nằm trong kế hoạch viện trợ của chính quyền Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae in cho Triều Tiên được nước này thông qua vào tháng trước nhằm giúp Triều Tiên thoát khỏi tình trạng thiếu lương thực.
Theo WFP và Tổ chức Nông Lương thế giới, với việc sản lượng thu hoạch xuống thấp như vậy sẽ khiến 40% dân số Triều Tiên (khoảng 10 triệu người) thiếu lương thực.
EU sẵn sàng áp thuế 35 tỷ euro hàng nhập khẩu Mỹ
Ngày 23/7, Ủy viên Thương mại Liên minh châu Âu (EU) Cecilia Malmstrom khẳng định EU sẵn sàng áp thuế bổ sung đối với lượng hàng hóa trị giá 35 tỷ euro nhập khẩu từ Mỹ nếu Washington tăng thuế đối với xe hơi nhập khẩu từ châu Âu.
Cảnh báo trên được bà Malmstrom đưa ra trong bối cảnh kế hoạch đạt được một hiệp định thương mại hạn chế giữa châu Âu và Mỹ đang rơi vào tình thế bế tắc.
Tân lãnh đạo đảng bảo thủ Anh cam kết Brexit đúng hạn 31/10 tới
Tối 23/7 (theo giờ Việt Nam), đảng Bảo thủ đã công bố kết quả bầu lãnh đạo mới của đảng này, theo đó cựu Ngoại trưởng Boris Johnson đã giành chiến thắng trước đương kim Ngoại trưởng Jerremy Hunt với số phiếu ủng hộ tương ứng là 91.153 phiếu và 46.656 phiếu. Với kết quả này, ông Johnson sẽ trở thành người kế nhiệm của Thủ tướng Theresa May vào ngày 24/7 tới.
Trong tuyên bố mới nhất sau khi kết quả trên được công bố, ông Johnson một lần nữa khẳng định quyết tâm đưa Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) vào ngày 31/10 đúng theo cam kết trong suốt chiến dịch vận động tranh cử trước đó.
Kinh tế Nhật Bản vẫn đối mặt với rủi ro từ thương chiến Mỹ-Trung
Chính phủ Nhật Bản ngày 23/7 cho biết kinh tế nước này tiếp tục cải thiện nhờ nhu cầu trong nước vững mạnh, song nền kinh tế lớn thứ ba thế giới vẫn phải thận trọng trước những rủi ro từ bên ngoài, bao gồm căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
Theo một quan chức thuộc Văn phòng Nội các Nhật Bản, xuất khẩu ở châu Á đặc biệt trì trệ trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc giảm tốc và nhu cầu với các sản phẩm công nghệ cao như điện thoại thông minh suy giảm.
Trung Quốc đưa thêm một mặt hàng của Mỹ vào "tầm ngắm"
Ngày 23/7, Bộ Thương mại Trung Quốc thông báo đã mở một cuộc điều tra chống bán phá giá nhằm vào chất hóa học không màu n-propanol (NPA) nhập khẩu từ Mỹ.
NPA được sử dụng như một dung môi trong ngành công nghiệp dược, chủ yếu dùng làm chất dẻo và cellulose ester. Hóa chất này còn là một dung môi sử dụng trong ngành công nghiệp sơn và in ấn.
Theo một thông báo trên mạng của bộ trên, cuộc điều tra dự kiến sẽ kết thúc trước ngày 23/7/2020, nhưng có thể kéo dài tới ngày 23/1/2021.
Đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ đã giảm gần 90% trong 2 năm
Đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ đã giảm gần 90% trong 2 năm đầu cầm quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump khi 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới tiến hành một cuộc chiến thương mại quyết liệt.
Tờ The Hill dẫn số liệu từ công ty nghiên cứu Rhodium Group cho biết, đầu tư từ Trung Quốc vào Mỹ đạt mức cao nhất (mọi thời đại) với 46,5 tỷ USD vào năm 2016. Một năm sau, con số này đã giảm xuống còn 29,7 tỷ USD trước khi giảm xuống 5,4 tỷ USD vào năm 2018, mức thấp nhất trong vòng 9 năm qua.
Tính tổng thể, đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ đã giảm tới 88% trong giai đoạn này.
Trung Quốc khuyến khích đại gia công nghệ nội địa quay lưng với Phố Wall
Ngày 22/7, Trung Quốc chính thức ra mắt sàn chứng khoán công nghệ có mô hình tương tự thị trường Nasdaq của Mỹ. Đây được xem là một trong những cuộc cải cách thị trường lớn nhất của Trung Quốc, một "vũ khí" đầy tiềm năng trong cuộc đối đầu về công nghệ đang ngày càng khốc liệt với Mỹ.
EU khẳng định sẽ trả đũa nếu Mỹ tăng thuế ô tô
Một quan chức cấp cao của Ủy ban châu Âu (EC) ngày 22/7 cho biết Liên minh châu Âu (EU) muốn làm việc với Washington để cải cách Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và hợp tác giải quyết những thách thức chung đối với thương mại toàn cầu, nhưng Brussels sẽ trả đũa nếu Washington thực hiện lời đe dọa nâng thuế ô tô.
Bà Sabine Weyand, Trưởng đoàn đàm phán thương mại đồng thời là cựu Phó Trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU, cho biết nếu Washington thực hiện đe dọa nâng thuế ô tô lên 25%, Brussels sẽ đáp lại với các mức thuế của mình, dẫn đến một tình cảnh mà tất cả những bên có liên quan đều bị thiệt hại.
Algeria sẽ ngày càng ít khí tự nhiên để xuất khẩu
Ngày 22/7, Bộ trưởng Năng lượng Algeria, Mohamed Arkab cho biết, quốc gia Bắc Phi này tiêu thụ khoảng 20 tỷ m3 khí đốt tự nhiên hàng năm để đáp ứng nhu cầu sản xuất điện trong nước.
Sau một đợt nắng nóng vừa qua nên mức tiêu thụ điện ở Algeria đã ghi nhận kỷ lục mới với 15.044 MW chỉ trong một ngày 7/7. Các nhà quan sát cho rằng với tốc độ tiêu thụ này Algeria sẽ ngày càng ít khí tự nhiên để xuất khẩu.
Xe đạp điện Trung Quốc lấn át thị trường châu Âu
Thị trường xe đạp điện châu Âu nói chung và Pháp nói riêng đã chứng kiến sự phát triển nóng trong những năm gần đây. Tuy nhiên, các loại xe nhập khẩu từ nước ngoài, đặc biệt là xe Trung Quốc, đã và đang ảnh hưởng xấu đến ngành sản xuất xe đạp điện của châu Âu.
Với lợi thế về giá thành, xe đạp điện Trung Quốc đã xâm nhập sâu vào thị trường châu Âu, nhanh chóng giành nhiều lợi thế và chiếm lĩnh thị trường khu vực. Trung Quốc bắt đầu xuất khẩu xe đạp điện sang thị trường châu Âu trong khoảng gần 10 năm trở lại đây.
Dự báo GDP của Singapore sẽ tiếp tục bị hạ thấp
Theo báo The Straits Times ngày 21/7, Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore (MTI) cho biết mức dự báo tăng trưởng GDP cả năm của Singapore có thể một lần nữa được cắt giảm trong bối cảnh các số liệu kinh tế yếu kém của nước này trong quý II vừa qua và những "cơn gió ngược" của nền kinh tế toàn cầu. Theo đó, MTI đã hạ dự báo tăng trưởng GDP từ 1,5%-3,5% xuống còn 1,5%-2,5%.
Mức dự báo này còn có thể thấp hơn nữa và sẽ được công bố vào tháng Tám tới cùng với những đánh giá sơ bộ về tăng trưởng, trong đó có tính đến một loạt đầy đủ các dữ liệu kinh tế.
Nguồn: VITIC Tổng hợp

Nguồn: Vinanet