Hôm thứ Sáu (6/7), Mỹ chính thức khởi động lệnh thuế trị giá 34 tỷ USD áp lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Đáp lại, Bắc Kinh tuyên bố sẵn sàng đáp trả lệnh thuế này với quy mô tương đương. Sự đáp trả qua lại giữa hai nền kinh tế lớn trên thế giới khiến nhiều quốc gia lo ngại sẽ bị ảnh hưởng.
Một mô hình được thiết kể bởi các chuyên gia tại Pictet Asset Management (London) cho thấy rằng chỉ cần 10% thuế áp lên thương mại Mỹ được chuyển sang người tiêu dùng, kinh tế toàn cầu sẽ rơi vào tình trạng lạm phát đình trệ và lợi nhuận doanh nghiệp sẽ giảm 2,5%.
Những quốc gia gắn chặt với chuỗi giá trị toàn cầu sẽ phải chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi chiến tranh thương mại. Biểu đồ dưới đây thể hiện rõ các quốc gia chịu thiệt hại nhiều nhất trong bối cảnh xung đột thương mại thế giới gia tăng. Biểu đồ này được thiết kế bởi Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) dựa trên tiêu chí giá trị gia tăng hàng hóa xuất khẩu của các nước.
Các quốc gia sẽ chịu thiệt hại nhiều nhất bởi chiến tranh thương mại. Nguồn: Reuters
Theo biểu đồ này, các nước/vùng lãnh thổ như Luxembourg, Đài Loan, Hungary, Cộng hòa Czech, Hàn Quốc và Singapore có thể chịu thiệt hại nặng nề nhất từ chiến tranh thương mại, hơn cả Mỹ và Trung Quốc.
Chẳng hạn như Đài Loan, trung tâm của ngành công nghiệp công nghệ và các sản phẩm bán dẫn và là “quê hương” của hãng sản xuất linh kiện điện tử cung cấp cho Apple là Foxconn. Xuất khẩu mạch tích hợp điện tử chiếm 40% tổng kim ngạch xuất khẩu của Đài Loan.
Hungary có Mỹ là “bạn hàng” ngoài EU lớn nhất, được hưởng khoản đầu tư lớn nhờ có cơ sở sản xuất quy mô sâu rộng, nhất là trong lĩnh vực ô tô. Linh kiện ô tô và xe máy là hai mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Hungary, chiếm 15% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Việt Nam xếp thứ 23 trong số các nước dễ chịu tổn thương trước tác động của chiến tranh thương mại với mức độ tham gia chuỗi giá trị toàn cầu tính trên tổng kim ngạch xuất khẩu là 52,3%.
Theo nhận định của các chuyên gia Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), kim ngạch thương mại hằng năm của Việt Nam hiện vượt mức 185% GDP. Điều này khiến Việt Nam trở thành nền kinh tế phụ thuộc vào thương mại cao thứ hai ở Đông Nam Á, sau Singapore. Vì vậy, nếu xảy ra sự cố nghiêm trọng trong thương mại giữa hai đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam là Mỹ và Trung Quốc sẽ có thể dẫn tới những tác động lan tỏa đối với tăng trưởng kinh tế.
Nguồn: Đức Quỳnh/Vietnambiz/Kinh tế & Tiêu dùng