Xuất khẩu gạo của Việt Nam 6 tháng đầu năm 2019 và dự báo cả năm 2019 sẽ gặp khó khăn về thị trường, do đó, cần có giải pháp, hướng đi mới cho ngành sản xuất, xuất khẩu lúa gạo mới có thể đảm bảo lợi ích cho cả doanh nghiệp và người nông dân.
Đây là nhận định của các đại biểu tại Hội nghị sơ kết xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm 2019 do Bộ Công Thương tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh, ngày 24/6.
Khó khăn về thị trường
Ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, nhận định được tình hình khó khăn của ngành xuất khẩu gạo trong năm 2019, ngay từ đầu năm, việc điều hành xuất khẩu gạo đã bám sát mục tiêu tiêu thụ lúa gạo vụ Đông Xuân cho người nông dân và đảm bảo lợi ích cho người trồng lúa theo chính sách hiện hành.
Giá lúa, gạo nội địa ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã duy trì ở mức đảm bảo có lãi cho người nông dân. Việc điều hành xuất khẩu gạo cũng bảo đảm cân đối xuất khẩu và tiêu dùng nội địa, góp phần bình ổn giá lúa, gạo trong nước trong bối cảnh giá nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu đều tăng.
Tuy nhiên, do nhu cầu từ các thị trường nhập khẩu gạo trên thế giới, đặc biệt là các thị trường lớn như Trung Quốc, Indonesia và Bangladesh đều sụt giảm, trong khi đó, theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), nguồn cung lúa, gạo thế giới sẽ tăng do sản lượng của các nước sản xuất lớn đều tăng nên xuất khẩu gạo của Việt Nam và nhiều nước khác đều khá ảm đạm.
Tính đến hết tháng 5/2019, Việt Nam xuất khẩu được 2,76 triệu tấn gạo, trị giá 1,18 tỷ USD, giảm 6,3% về lượng và 20,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018. Giá gạo xuất khẩu trung bình khoảng 427,5 USD/tấn giảm 76,8 USD/tấn so với cùng kỳ năm 2018.
Ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết, xuất khẩu gạo của Việt Nam những tháng đầu năm 2019 gặp nhiều diễn biến bất lợi về thị trường. Ngoại trừ thị trường Philippines, các thị trường nhập khẩu gạo lớn, truyền thống như Trung Quốc, Indonesia và Bangladesh đều đồng loạt giảm nhập khẩu trong nửa đầu năm và dự báo nhập khẩu cả năm sẽ giảm do nhiều lý do khác nhau như tồn kho vụ cũ cao ở Trung Quốc, năm bầu cử ở Indonesia hay khôi phục sản xuất sau lũ lụt ở Bangladesh.
Tính riêng 5 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu gạo Việt Nam sang Trung Quốc, Indonesia và Bangladesh chỉ đạt 239.000 tấn trong khi cùng kỳ năm 2018 xuất khẩu qua 3 thị trường trên đạt 1,44 triệu tấn.
Ngược lại, Philippines trở thành thị trường xuất khẩu chính chiếm 38,6% trong tổng lượng xuất khẩu gạo cả nước, đạt 1,06 triệu tấn, tăng 296,6% so với cùng kỳ, đạt trị giá 423,3 triệu USD. Bên cạnh đó, các thị trường châu Phi như Bờ Biển Ngà, Ghana, Nam Phi, Mozambique, Angola cũng có sự tăng trưởng mạnh.
Về chủng loại, xuất khẩu gạo trắng các loại chiếm khoảng 56,7% tổng lượng gạo xuất khẩu, tiếp đến là gạo thơm chiếm 28,6%, gạo nếp chiếm khoảng 5%.
Ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương báo cáo tình hình xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm 2019 tại hội nghị. Ảnh: Xuân Anh – TTXVN
Bà Bùi Thị Thanh Tâm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho rằng, không chỉ năm 2019, mà những năm tiếp theo, xuất khẩu gạo của Việt Nam cũng sẽ đối mặt với nhiều thách thức.
Đầu tiên là sự gia tăng nguồn cung lúa gạo trên thế giới, cụ thể là diện tích và sản lượng lúa gạo ở nhiều quốc gia đang tăng lên do hiệu ứng giá gạo cao của những năm trước. Ước tính tổng sản lượng gạo toàn cầu năm 2019 sẽ đạt hơn 499 triệu tấn, tăng thêm 4,2 triệu tấn so với năm 2018.
Tiếp đến là lượng gạo tồn kho từ các niên vụ trước còn khá lớn, điển hình như Trung Quốc, hiện nay đang tồn kho khoảng 116 triệu tấn gạo; từ một nước nhập khẩu gạo, Trung Quốc hiện nay đã trở thành nước xuất khẩu gạo lớn, có khả năng thay thế vị trí của Mỹ.
Theo bà Bùi Thị Thanh Tâm, xuất khẩu gạo của Việt Nam vào Trung Quốc 6 tháng đầu năm 2019 đã giảm tới 72%, mặc dù xuất khẩu sang Philippines tăng mạnh nhưng cũng mới chỉ bù được một phần giảm sút của thị trường Trung Quốc.
Vì vậy, nếu như nửa đầu năm 2019, tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam vẫn tạm ổn với mức sụt giảm nhẹ thì dự báo những tháng cuối năm tình hình sẽ còn khó khăn hơn nhiều.
Giải quyết nhanh bài toán cơ cấu sản xuất
Ông Lê Minh Đức, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Long An cho rằng, khó khăn của ngành lúa gạo hiện nay là vấn đề đã được dự báo từ trước nhưng vẫn không tránh khỏi. Nguyên nhân là bởi những giải pháp đề ra để tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu lúa gạo chưa được thực hiện một cách triệt để.
Cụ thể là việc tái cơ cấu lại ngành sản xuất nông nghiệp theo hướng giảm diện tích đất trồng lúa chuyển đổi sang các loại cây trồng khác được triển khai từ lâu nhưng thực tế thực hiện rất khó.
Do đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần xác định rõ ràng, quy hoạch diện tích đất lúa bao nhiêu là hợp lý, để vừa đảm bảo an ninh lương thực quốc gia vừa duy trì đủ sản lượng xuất khẩu.
Theo tính toán hiện nay, thị trường thế giới có thể tiêu thụ khoảng 5 triệu tấn gạo của Việt Nam mỗi năm, trong khi sản lượng của Việt Nam dư trên 7 triệu tấn, cung nhiều hơn cầu thì giá giảm, nông dân là người chịu thiệt nhiều nhất.
Theo ông Lê Minh Đức, ngoài việc quy hoạch diện tích sản xuất thì cũng phải nghiên cứu, điều chỉnh lại mùa vụ cho khoa học, hợp lý để đảm duy trì song song sản lượng và chất lượng lúa gạo và tiết kiệm chi phí sản xuất cho người nông dân.
Với Bộ Công Thương, cần đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, đặc biệt là duy trì được kim ngạch xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc một cách ổn định, giảm thiểu các trường hợp có thề gây biến động lớn đến kim ngạch xuất khẩu. Thêm vào đó, các hiệp hội phải tích cực hỗ trợ doanh nghiệp trong việc xây dựng chuỗi liên kết, thương hiệu cho hạt gạo của Việt Nam.
Ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An nhận định, khó khăn của xuất khẩu gạo không thể tìm giải pháp trong ngắn hạn. Chỉ có một cách duy nhất là thực hiện mô hình liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân trong sản xuất tiêu thụ theo nhu cầu của thị trường.
Khi người nông dân sản xuất không theo tiêu chuẩn nào, còn doanh nghiệp không liên kết được vùng nguyên liệu thì luôn luôn xảy tra nghịch lý là nông dân sản xuất ra không bán được trong khi doanh nghiệp có đơn hàng lại không tìm được sản phẩm đạt yêu cầu.
Theo ông Phạm Thái Bình, những yêu cầu về kiểm dịch, truy xuất nguồn gốc của thị trường Trung Quốc thời gian gần đây là hoàn toàn hợp lý bởi đó là xu hướng, là yêu cầu của người tiêu dùng không chỉ ở Trung Quốc mà ở hầu hết các quốc gia khác trên thế giới.
Chính vì vậy, đây là lúc nông dân và doanh nghiệp cần liên kết chặt chẽ với nhau để sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng mà thị trường yêu cầu. Xét về cơ chế, chính sách khuyến khích liên kết trong sản xuất nông nghiệp đã khá đầy đủ, vấn đến hiện nay là cần có nguồn vốn để doanh nghiệp triển khai việc liên kết đó vào thực tế.
Bởi doanh nghiệp Việt Nam chưa đủ sức về tài chính để tự thu mua, bao tiêu cho nông dân, đặc biệt với đặc thù lúa gạo là thu hoạch theo mùa vụ với sản lượng rất lớn trong thời gian ngắn.
Ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: Xuân Anh – TTXVN
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho rằng, về ngắn hạn vẫn cần có cơ chế hỗ trợ thu mua tạm trữ nhằm giải quyết đầu ra và lợi ích cho người nông dân. Song song đó, các bộ ngành cũng sẽ phối hợp làm tốt dự báo thông tin thị trường để doanh nghiệp có kế hoạch thu mua, dự trữ hợp lý.
Đặc biệt, với việc kiểm soát chặt chẽ như hiện nay, các doanh nghiệp phải ý thức được đảm bảo chất lượng hàng xuất khẩu, giữ vững uy tín, thương hiệu bằng sự trung thực về năng lực xuất khẩu, tránh những rủi ro mà một số doanh nghiệp đã vướng phải trong thời gian qua.
Về lâu dài, Bộ Công Thương sẽ đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giải quyết nhanh bài toán tính lại diện tích, sản lượng lúa gạo cân đối với nhu cầu thị trường; chuyển đổi sang các loại cây trồng có hiệu quả, kinh tế cao hơn, cơ cấu lại mùa vụ để đạt được chất lượng cao, hướng tới mục tiêu xuất khẩu ít hơn nhưng mang lại giá trị kinh tế lớn hơn, tăng lợi nhuận cho người nông dân.
Song song đó, Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ xây dựng chiến lược đầu tư cho chế biến, nâng năng lực quản trị chất lượng lúa gạo nói riêng và nông sản nói chung để đảm bảo được đầu ra ổn định cho lương thực, nông sản của Việt Nam.

Nguồn: BNEWS/TTXVN