Tại miền Bắc giá giảm
Giá lợn hơi tại Bắc Giang, Hà Nội, Hưng Yên đồng loạt giảm 1.000 - 2.000 đ/kg xuống còn 61.000 đ/kg; tại Thái Bình giảm 2.000 đ/kg xuống còn 60.000 - 62.000 đ/kg. Tuy nhiên, tại Yên Bái và Lào Cai tăng 2.000 đ/kg lên 65.000 đ/kg, đánh dấu ngày tăng thứ hai liên tiếp. Giá tại Phú Thọ, Hà Nam, Nam Định, Vĩnh Phúc dao động 59.000 - 60.000 đ/kg. Tính chung toàn miền, lợn hơi đang được thu mua trong khoảng 59.000 – 65.000 đ/kg.
Tại miền Trung, Tây Nguyên ổn định
So với hai miền còn lại, giá tại khu vực vẫn duy trì xu hướng ổn định, giao dịch ở mức 55.000 - 60.000 đ/kg; trong đó, giá lợn hơi tại các tỉnh Bắc Trung Bộ vẫn tốt nhất trong khu vực, dao động 56.000 - 60.000 đ/kg; từ Quảng Nam trở vào tới Bình Thuận đạt mức 50.000 - 55.000 đ/kg, như vậy, chênh lệch về giá giữa Bắc Trung Bộ và Nam Trung Bộ là 5.000 - 6.000 đ/kg. Tại Đắk Lắk, Lâm Đồng giá dao động 55.000 - 60.000 đ/kg.
Tại miền Nam giá giảm
Giá lợn hơi tại Đồng Nai tiếp tục giảm xuống thấp hơn so với mức giá tại công ty; tại Gia Kiệm, có nơi xuống thấp còn 57.000 đ/kg. Công ty chăn nuôi CP miền Nam đang báo giá 58.000 - 58.500 đ/kg. Mặc dù vậy, giá lợn tại Cẩm Mỹ (Đồng Nai) vẫn đạt 63.000 đ/kg, mức tốt nhất trong khu vực ở thời điểm hiện tại. Miền Đông Nam Bộ 59.000– 62.000 đ/kg; tại miền Tây 55.000 – 60.000 đ/kg. Nguyên nhân giảm có thể do xuất hiện của lợn Thái Lan trên thị trường miền Nam.
Cục Trưởng Cục chăn nuôi Nguyễn Xuân Dương cho biết mặc dù Campuchia không có lợn nhưng không loại trừ khả năng lợn từ Thái Lan quá cảnh qua Campuchia sau đó vận chuyển sang Việt Nam.
Giá lợn hơi 65.000 đ/kg có thể chấp nhận được
Tại Hội nghị tăng cường các biện pháp kiểm soát dịch bệnh và phát triển chăn nuôi an toàn sinh học bền vững, ông Nguyễn Xuân Dương, Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết Cục đã từng dự báo giá lợn hơi trong tháng 8 sẽ tăng mạnh. Tuy nhiên, đến tháng 9, đà tăng giá mới bắt đầu, gần như 8 tháng trước đó giá lợn hơi Việt Nam đã thấp nhất trong khu vực; trong khi giá lợn hơi Trung Quốc đã lên 70.000 đ/kg thì Việt Nam mới ở mức 30.000 - 35.000 đ/kg.
Mức giá 60.000 - 65.000 đ/kg như hiện nay có thể chấp nhận được và công bằng vì chỉ như vậy mới bù lại giá thành bởi chăn nuôi trong điều kiện dịch bệnh chi phí sẽ rất nhiều. Giữ được con lợn đến bây giờ phải mất biết bao nhiêu công sức, tiền của. Thậm chí, giá lợn hơi có thể tăng thêm nữa cũng không sao với điều kiện vẫn phải trong tầm kiểm soát.
Đại diện Cục Chăn nuôi cho hay chưa bao giờ người chăn nuôi chịu thiệt hại như năm nay và cũng chưa bao giờ Chính phủ chi ra ngân sách quá lớn cho ngành chăn nuôi như hiện nay. 100 triệu người dân Việt Nam nên chấp nhận giá đó.
Ông Đoàn Mạnh Lương, Tổng giám đốc Tập đoàn Mavin cho biết kể từ khi dịch tả lợn châu Phi bùng phát chi phí nuôi lợn của Mavin đã tăng thêm 10.000 đ/kg, chủ yếu do việc phòng chống dịch bệnh.
Nói về lo ngại lượng thịt lợn nhập khẩu có thể ồ ạt vào thị trường, ông Dương cho rằng nếu như kiểm soát tốt về giá, không để giá thịt lợn trong nước tăng lên quá cao thì thịt lợn nhập khẩu cũng không dễ vào Việt Nam. Do đặc thù tiêu dùng của người Việt Nam, những tháng cuối năm nhu cầu sẽ cao hơn nên cần có giải phảp tăng nguồn cung bằng việc kiểm soát thật tốt hoạt động tái đàn.
Theo số liệu của Cục Chăn nuôi, trong 9 tháng đầu năm 2019, Việt Nam nhập khẩu 14.824 tấn thịt lợn. Trong khi đó, cả năm 2018, Việt Nam chỉ nhập khẩu gần 14.300 tấn, tương ứng với hơn 23,6 triệu USD. Việt Nam đang nhập khẩu một số sản phẩm chủ yếu là chân giò, xương sụn, thịt ức, sườn đông lạnh, ba chỉ, mỡ lợn và nội tạng.
Cục Chăn nuôi cho biết lượng tiêu thụ lợn hơi của Việt Nam trung bình đạt khoảng 40,3 kg/người/năm. Đối với thịt lợn xẻ đạt 27,4 kg/người/năm, mức tăng trưởng trung bình 2,1%/năm. Cân đối cung - cầu thịt lợn của Việt Nam với việc sản lượng thịt lợn nội địa điều chỉnh giảm mạnh trong năm 2017 trong khi nhu cầu tiêu thụ nội địa có tăng nhẹ và xuất khẩu lợn sống theo đường tiểu ngạch vẫn chiếm khoảng 10%. Cục Chăn nuôi nhận định: "Cung - cầu thịt lợn Việt Nam đã tương đối cân bằng trong năm 2018 và 9 tháng đầu năm 2019".
Trong 7 tháng đầu năm nay, Việt Nam chỉ xuất khẩu gần 7,4 tấn lợn theo đường chính ngạch chủ yếu là lợn choai và lợn sữa đông lạnh sang các thị trường như Hồng Kông, Malaysia. Việt Nam mới chỉ xuất khẩu được một ít thịt lợn mảnh đông lạnh sang thị trường Myanmar và chưa xuất khẩu được các sản phẩm chế biến với giá trị cao theo yêu cầu thị trường một số nước.
Giá lợn hơi Trung Quốc vẫn trong xu hướng tăng
Giá lợn hơi ngày 17/10/2019 tại Trung Quốc bình quân tăng nhẹ 0,15 CNY/kg lên 35,66 CNY/kg (khoảng 116.207,76 đ/kg), tăng 3,85 CNY/kg so hôm trước. Trong số các tỉnh công bố dữ liệu chỉ có một tỉnh duy nhất là Giang Tô giảm giá; Ninh Hạ, Thượng Hải, Thanh Hải, Hải Nam không thay đổi so với ngày hôm trước, còn lại đều tăng giá; biên độ tăng 0,24 - 0,69 CNY/kg, còn biên độ giảm 0,19 CNY/kg; giá cao nhất tại Phúc Kiến 38,49 CNY/kg (khoảng 125.430,08 đ/kg); thấp nhất tại Thanh Hải 13 CNY/kg (tương đương 42.364,02 đ/kg).
Hiện giá lợn hơi tiếp tục tăng nhẹ, khu vực phía Nam tốt hơn khu vực phía Bắc; tại Giang Tô đạt 36,24 CNY/kg, giảm 0,19 CNY/kg so với ngày hôm trước; giá tại miền Đông Trung Quốc ổn định, nguồn cung giảm. Tuy nhiên, trong tương lai gần, lượng lợn nhập khẩu có thể tăng, giá giảm.
Theo các chuyên gia, giá lợn hơi hôm nay ở Quảng Tây đạt 37,27 CNY/kg, tăng 0,49 CNY/kg so với ngày hôm trước và đứng thứ ba trên cả nước.
Ngày 15/10/2019, Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc cho biết huyện Bác Bạch, thành phố Ngọc Lâm, Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây đã phát hiện một xe tải vận chuyển trái phép những con lợn từ các tỉnh khác có nhiễm virus tả lợn châu Phi.

Giá lợn hơi Trung Quốc tại một số tỉnh, thành

Tỉnh, thành

Giá lợn hơi (CNY/kg)

Hồ Nam

36 – 40,8

Trùng Khánh

31 - 38

Giang Tây

38,16 - 41

Vân Nam

27 – 33

Quảng Đông

40,8 – 42

Quảng Tây

38 – 39

1 CNY = 3.263,99 đồng

Đàn lợn của Trung Quốc có thể phục hồi vào năm 2020
Thông tin từ Vietnambiz, sản lượng lợn của Trung Quốc sẽ chạm đáy trong năm nay sau khi dịch tả lợn châu Phi (ASF) bùng phát làm giảm đàn lợn lớn nhất thế giới, nhưng đàn lợn dự báo sẽ quay trở lại với mức thông thường vào năm 2020, một quan chức chính phủ cho biết hôm 17/10/2019. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho biết khung thời gian có vẻ rất tham vọng, với dịch ASF vẫn đang lan rộng ở nhiều nơi trên đất nước và rất nhiều con lợn đã bị chết hoặc bị tiêu huỷ.
Dịch ASF kéo dài hơn một năm đã khiến đàn lợn của Trung Quốc giảm hơn 40% và kéo giá loại thịt được ưa chuộng của quốc gia châu Á lên mức cao kỉ lục. Tại một cuộc họp ngắn hôm thứ Năm (17/10), ông Yang Zhenhai, Giám đốc Cục Chăn nuôi và Thú y thuộc Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc, cho biết hàng tồn kho tại các trang trại lớn đã bắt đầu tăng trở lại.
Theo ông Yang, sản xuất lợn đã phục hồi nhanh chóng tại các trang trại giết mổ hơn 5.000 con lợn mỗi năm. Tồn kho lợn đạt 44,46 triệu con trong tháng 9, tăng 0,6% so với tháng trước đó, trong khi số lợn nái tăng 3,7% lên 6,1 triệu con.
Các tỉnh sản xuất lớn gồm Hà Nam, Sơn Đông và Liêu Ninh cũng ghi nhận sự gia tăng đáng kể về hàng tồn kho lợn trong tháng 9 so với tháng trước và sản lượng, doanh thu từ thức ăn cho lợn đã tăng mạnh trở lại, với sản lượng thức ăn chăn nuôi cho lợn tăng 10% trong tháng 9 so với tháng 8.
Mặc dù vậy, các nhà phân tích nhận định dự báo về sản lượng lợn trở lại mức bình thường trong năm 2020 là rất lạc quan, với việc ngăn chặn sự lây lan của dịch ASF là chìa khóa để phục hồi và hiện tại chưa có thuốc chữa bệnh hoặc vacxin phòng ngừa.
Chuyên gia phân tích của một công ty tư vấn tại Trung Quốc cho hay sản xuất lợn đang phục hồi ở phía Bắc, nhưng vẫn đang giảm ở khu vực phía Nam và Tây Nam.
Nếu bệnh dịch ASF có thể ổn định và không tái phát, số lượng lợn có thể bắt đầu hồi phục, nhưng ngay cả như vậy, sản lượng lợn của Trung Quốc sẽ không đạt được mức bình thường cho đến ít nhất là nửa cuối năm 2020.
Tại miền Nam tỉnh Quảng Đông của Trung Quốc, giá lợn hơi ghi nhận ở mức kỉ lục 40 CNY/kg vào tuần trước, với lợi nhuận của các nhà chăn nuôi lợn đang ở mức 3.000 nhân dân tê/con lợn, theo Reuters. Trong khi nông dân chăn nuôi qui mô lớn, gồm cả các công ty sản xuất lợn như C.P. Pokphand và New Hope Liuhe, đã được mở rộng nhanh chóng nhằm hướng đến lợi nhuận lớn từ việc giá thịt lợn tăng vọt, các hộ chăn nuôi qui mô nhỏ thường chiếm phần lớn sản lượng thịt lợn.
Dữ liệu chính thức chỉ ra tồn kho lợn của Trung Quốc đạt 428 triệu con vào cuối năm 2018. Pan Chenjun, chuyên gia phân tích cao cấp tại Rabobank, cho biết sẽ cần khoảng 18 tháng để xây dựng, dự trữ và sản xuất lợn tại các trang trại mới. Bà Pan cũng cho rằng mục tiêu của Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc là không thực tế. Trong nửa đầu năm tới, đàn lợn sẽ tiếp tục giảm.
Một số công ty đã tái đàn tại các trang trại bị nhiễm bệnh chỉ để thấy dịch bùng phát trở lại, trong khi nhiều hộ chăn nuôi nhỏ không có vốn hoặc ý chí để tăng đàn.
Nguồn: VITIC