Tổng mức bán lẻ hàng hóa duy trì tăng trưởng ổn định
Tại cuộc họp Tổ Điều hành thị trường trong nước thường kỳ tháng 10 diễn ra sáng 29/10/2019, tại Hà Nội, ông Hoàng Anh Tuấn – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) thông tin, thị trường hàng hóa tháng 10 tiếp tục có những biến động và chịu ảnh hưởng của các nhân tố kinh tế, chính trị. Cụ thể, cuộc chiến thương mại giữa Hoa Kỳ - Trung Quốc hạ nhiệt khi hai bên đã đạt được một phần thỏa thuận thương mại về sở hữu trí tuệ, dịch vụ tài chính và mua bán nông sản. Hoa Kỳ cũng hoãn chính sách tăng thuế đối với 250 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Những động thái này có tác động tích cực đến cung cầu, giá cả nhiều hàng hóa trên thế giới.
Đảm bảo nguồn thịt lợn cho nhu cầu tiêu dùng
Các nhân tố địa chính trị đã tạo sức ép khác nhau lên giá dầu. Giá USD và giá vàng cũng tiếp tục có những biến động trái chiều, gây ảnh hưởng đến giá các mặt hàng kim loại quý, kim loại công nghiệp, mặt hàng xuất khẩu được định giá bằng USD. Những yếu tố này đã khiến hầu hết giá hàng hóa thiết yếu trên thị trường thế giới trong tháng 10 có xu hướng tăng giảm đan xen: giá dầu tăng giảm khác nhau ở các thị trường khác nhau; giá đường trắng giảm; giá thép giảm; giá gạo xuất khẩu giữ ổn định…
Ở thị trường trong nước, hiện đang trong giai đoạn chuyển mùa và chuẩn bị vào dịp cuối năm, thị trường hàng hóa sôi động với các hoạt động kết nối cung cầu hàng hóa Tết, các hàng hóa nguyên nhiên vật liệu phục vụ sản xuất, đảm bảo nguồn cung trong dịp Tết, các chương trình khuyến mại đối với mặt hàng tiêu dùng, hàng may mặc. Cung cầu, giá cả hàng hóa không có nhiều biến động lớn, riêng mặt hàng thịt lợn do nguồn cung giảm mạnh sau thời gian dịch bệnh, một số địa phương, nguồn hàng bị gom để xuất khẩu qua biên giới nên giá trong nước tăng giá cao. Một số mặt hàng nhóm năng lượng do ảnh hưởng của giá thế giới hồi đầu tháng tăng trước các bất ổn về nguồn cung nên giá trong nước có biến động tăng nhẹ.
Theo số liệu của Tổng cục thống kê, ước tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tháng 10 đạt 425.670 đồng, tăng 1,51% so với tháng trước. Tính chung 10 tháng, ước tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đạt 4.059.437 đồng, tăng 11,78% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó các nhóm tăng khá gồm lương thực thực phẩm, đồ dùng gia đình, văn hóa phẩm, giáo dục và nhóm du lịch lữ hành… Nếu loại trừ yếu tố tăng giá, tổng mức bán lẻ 10 tháng tăng 9,45%.
Nhìn chung, các mặt hàng thiết yếu được duy trì ổn định. Tuy nhiên, dưới tác động của dịch tả lợn châu Phi, nguồn cung thịt lợn trong nước đang bị thiếu hụt, giá tăng cao. Là nguồn thực phẩm thiết yếu và được người dân sử dụng rất nhiều, việc thiếu hụt nguồn cung thịt lợn sẽ ảnh hưởng đến đời sống người dân.
Đảm bảo nguồn cung các mặt hàng thiết yếu dịp Tết
Dự báo của Tổ điều hành thị trường trong nước cho thấy, trong thời gian tới, nhu cầu hàng hóa bắt đầu tăng vào cuối năm, các yếu tố về dịch bệnh, mùa vụ sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến nguồn cung một số mặt hàng thiết yếu cùng với ảnh hưởng từ thị trường các nước trên thế giới nên giá có thể có biến động tăng nhẹ. Tuy nhiên, với sự điều hành sát sao và phối hợp chặt chẽ của Chính phủ và các Bộ ngành, cung cầu hàng hóa sẽ được bảo đảm để bình ổn thị trường.
Để đảm bảo ổn định cung cầu, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu như thịt lợn, UBND các tỉnh thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo Sở ngành phối hợp triển khai và giám sát chặt chẽ việc thực hiện các giải pháp đảm bảo nguồn cung các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là thịt lợn, các địa phương biên giới kiểm soát chặt việc xuất khẩu lợn qua biên giới ảnh hưởng đến nguồn cung và giá thịt lợn trong nước, nhất là dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được đề nghị theo dõi sát hoạt động chăn nuôi, đánh giá chính xác năng lực tái đàn để cung ứng cho thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán; phối hợp chặt chẽ và kịp thời với Bộ Công Thương trong việc đảm bảo nguồn cung thịt lợn nói riêng và thực phẩm nói chung cho thị trường, phục vụ công tác bình ổn.
Theo đại diện Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), đến 20/10, dịch tả lợn châu Phi đã diễn ra tại 8.296 xã, tổng số 5,6 triệu con lợn, tương đương 327.000 tấn thịt lợn bị tiêu hủy. Đến nay, dịch đã qua thời đỉnh điểm, nhiều tỉnh cơ bản đã công bố hết dịch. Người dân đã tập trung áp dụng các giải pháp sinh học để đảm bảo không bị tái dịch bệnh.
Để đảm bảo nguồn cung thực phẩm không thiếu từ giờ đến cuối năm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phát triển các mặt hàng khác như thịt bò, trứng thịt gà… để thay thế một phần nguồn cung thịt lợn thiếu hụt. Bên cạnh đó, hiện tổng đàn lợn cả nước còn 25 triệu con, đàn giống để nhân giống phục vụ tái đàn dồi dào nên nếu kiểm soát tốt, nhân giống tái đàn tốt thì sẽ đảm bảo cung ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước.
Sở Công Thương các tỉnh, thành phố được yêu cầu thực hiện nghiêm Chỉ thị số 12/CT-BCT ngày 21/10/2019 về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2019 và dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020; Công văn số 7881/BCT-TTTN ngày 21/10/2019 về đảm bảo nguồn cung thịt lợn.
Về phía các địa phương, bà Trần Thị Phương Lan – Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, thành phố đã lên kế hoạch dữ trự 31.200 tỷ đồng hàng Tết, với 7 mặt hàng thiết yếu và 5 mặt hàng có nhu cầu sử dụng cao. Với mặt hàng thịt lợn, chỉ đạo các doanh nghiệp phân phối thực hiện cấp đông để đảm bảo một phần nguồn cung; chủ động phối hợp với các địa phương khác để bổ sung nguồn hàng. Đồng thời, phát triển các sản khác như thịt trâu, bò, gà, trứng để đảm bảo bù đắp một phần thay thế cho thịt lợn.
Tổng cục Quản lý thị trường hiện cũng mở đợt cao điểm kiểm soát hàng nhập lậu, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm nhằm ngăn chặn tình trạng các đối tượng lợi dụng thiếu hụt nguồn cung để tiêu thụ lợn bệnh, hàng không đảm bảo vệ sinh thực phẩm.
Đối với mặt hàng xăng dầu, Hiệp hội Xăng dầu được đề nghị phối hợp với các doanh nghiệp có kế hoạch đảm bảo nguồn cung xăng dầu, đồng thời kiểm soát chặt chẽ chất lượng, nhất là dịp cuối năm và dịp Tết.
Nguồn: Congthuong.vn