Trong tháng 3/2020, Mỹ nhập khẩu 51.908 tấn tôm, trị giá 442,8 triệu USD, tăng 6% về khối lượng và giá trị so với tháng 3/2019. Tháng 2/2020, Mỹ NK 51.564 tấn, trị giá 439,7 triệu USD.
Giá trung bình NK trong tháng 3/2020 đạt 8,53 USD/kg, tương đương trong tháng 2/2020 tuy nhiên tăng 0,03 USD so với tháng 3/2019.
Ba nguồn cung tôm lớn nhất cho Mỹ (Ấn Độ, Indonesia và Ecuador) đều tăng xuất khẩu tôm sang thị trường này.
Ấn Độ cung cấp cho Mỹ 19.924 tấn tôm, trị giá 169 triệu USD trong tháng 3/2020, tăng 3% về khối lượng và 5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019. Giá XK trung bình tôm Ấn Độ sang Mỹ đạt 8,48 USD/kg, tăng 0,2 USD/kg so với tháng 3/2019. Ấn Độ chiếm thị phần lớn nhất (38%) trong tổng khối lượng NK tôm của Mỹ trong tháng 3/2020.
Nguồn cung tôm lớn thứ hai cho Mỹ, Indonesia, XK sang Mỹ 12.208 tấn tôm (chiếm 24% tổng NK tôm của Mỹ), trị giá 106,9 triệu USD trong tháng 3/2020, tăng 20% về khối lượng và 23% về giá trị. Giá trung bình tăng lên 8,75 USD/kg, tăng 0,26 USD/kg so với cùng kỳ năm 2019.
Ecuador cung cấp cho Mỹ 8.882 tấn tôm, trị giá 54,3 triệu USD trong tháng 3/2020, tăng 43% về khối lượng và 35% về giá trị, giá XK trung bình đạt 6,12 USD/kg, giảm 6% so với cùng kỳ năm 2019.
Nhiều chuyên gia nhận định, nhập khẩu tôm của Mỹ tăng do một số đơn hàng từ dịp cuối năm bị chậm giao và nhu cầu bổ sung vào kho dự trữ sau khi doanh số bán lẻ tôm tại Mỹ tăng.
Nhu cầu nhập khẩu tôm của Mỹ khá cao cuối năm 2019 khi tăng trưởng kinh tế tốt, giá tôm hợp lý, doanh số bán tôm trong lĩnh vực dịch vụ thực phẩm tăng nên thời điểm đó các nhà nhập khẩu đặt hàng nhiều để phục vụ lễ Phục Sinh và đáp ứng nhu cầu tiêu thụ tăng trong mùa hè.
Dịch Covid-19 lây lan rộng ở Mỹ bắt đầu từ tháng 3/2020 khiến hoạt động NK hàng hóa trong đó có tôm vào thị trường này bị gián đoạn. Nhu cầu NK cũng giảm do giảm mạnh nguồn cung tiêu thụ ở phân khúc Dịch vụ Thực phẩm do các biện pháp kiểm soát dịch bệnh của Chính phủ Mỹ. Tuy nhiên, nhu cầu tiêu thụ tôm ở phân khúc bán lẻ vẫn tăng để phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân, các sản phẩm bán lẻ phải được đóng gói theo quy cách khác.
Tôm cung cấp cho dịch vụ thực phẩm được đóng gói theo thùng gồm các túi từ 4-6 lb, tôm bỏ đầu, còn vỏ tuy nhiên tôm sẽ được đóng túi từ 1-2 pound khi cung cấp cho kênh bán lẻ. Các nhà máy không đủ nhân công thời vụ để sản xuất tôm dễ bóc vỏ.
Một số chuyên gia dự đoán, NK tôm của Mỹ hết quý 1/2020 sẽ không duy trì được đà tăng do Ấn Độ-nguồn cung tôm lớn nhất cho Mỹ còn đang gặp khó khăn do dịch Covid-19. Lệnh phong tỏa ở Ấn Độ sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất của nước này khi tháng 3 là tháng cao điểm để thả giống vụ hè. Người nuôi cũng gặp khó khăn về nguồn cung và vận chuyển tôm giống. Do các biện pháp nhằm hạn chế dịch bệnh của Chính phủ Ấn Độ, một số nhà chế biến có thể chỉ hoạt động 50% số lượng công nhân.

Nguồn: VITIC