Theo ông, nhiều người hưởng ứng lời kêu gọi của ông, quay trở lại hoạt động sản xuất nông nghiệp. Nhờ đó, sản xuất gạo và các nông sản khác của Nigeria đã tăng mạnh.
Số liệu thống kê từ Liên bộ nông nghiệp và phát triển nông nghiệp Nigeria (FMARD) cho thấy chính phủ đã  cắt giảm hạn ngạch nhập khẩu gạo cấp các nhà nhập khẩu để chuẩn bị thị trường cho nguồn cung lúa gạo nội địa được dự báo đạt mức cao trong năm nay.
Tại châu Phi, Nigeria vừa là nước sản xuất gạo lớn nhất, đồng thời là nước nhập khẩu gạo lớn nhất châu lục. Từ mấy năm nay, Chính phủ nước này rất nỗ lực để tự cung tự cấp lúa gạo.
Chính phủ triển khai một số chính sách nhằm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp quy mô nhỏ, như chương trình cho vay Anchor trị giá 300 triệu USD của CBN, triển khai năm 2015, cung cấp các khoản vay lãi suất thấp và hỗ trợ đầu vào cho hàng trăm ngàn nông dân sản xuất nhỏ.
Bên cạnh đó, Ngân hàng thế giới (WB) cũng đang hỗ trợ chiến lược chuyển đổi nông nghiệp của chính phủ Nigeria với khoản vay 200 triệu USD để hỗ trợ sản xuất gạo quy mô nhỏ và vừa.
Mục tiêu của Chính phủ cũng được ủng hộ bởi một số cá nhân/tổ chức giàu quyền lực.
Năm 2016, người giàu nhất châu Phi Aliko Dangote tuyên bố sẽ đầu tư 1 tỷ USD vào sản xuất gạo tại Nigeria để sản xuất 1 triệu tấn gạo đồ trong 5 năm tới, tương đương 16% nhu cầu tiêu thụ nội địa. Sáng kiến đầu tư ngành gạo của ông Dangote bao gồm cung cấp các vật tư đầu vào như giống và phân bón, kèm theo tập huấn cho gần 50.000 nông dân quy mô nhỏ và vừa, đổi lại, nông dân sẽ cung cấp đất và lao động cho dự án.
Một tổ chức lớn khác trong chuỗi sản xuất là tập đoàn TGI có trụ sở tại Lagos, hiện đang vận hành một nhà máy chế biến gạo có công suất 120.000 tấn và Olam Nigeria, công ty con của Olam International có trụ sở tại Singapore, cũng có kế hoạch tăng sản xuất gạo.
Thái Lan và Ấn Độ sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất nếu Nigeria tự cung lúa gạo
Thông điệp về ngừng nhập khẩu gạo của Nigeria có thể gây lo lắng cho thị trường gạo thế giới do nước này hiện là một nguồn nhập khẩu gạo lớn.
Một số thông tin ước tính giá trị nhập khẩu gạo của Nigeria hàng năm lên đến 8 triệu USD.
Các chuyên gia ước tính, Thái Lan và Ấn Độ, các nhà cung cấp gạo lớn nhất của Nigeria, có thể mất hơn 8 triệu USD mỗi ngày khi Nigeria lên kế hoạch cấm nhập khẩu gạo trong năm 2018.
Từ kế hoạch đến hiệu quả
Phản hồi lại tuyên bố cấm nhập khẩu gạo trong năm 2018 của Tổng thống, Giám đốc điều hành Cơ quan nông nghiệp và phát triển nông thôn Mahmoud Daneji cho rằng, chính phủ có thể có kế hoạch đầy tham vọng nhưng nhiều nông dân sản xuất nhỏ - đang sản xuất đến hơn 90% nguồn cung thực phẩm của Nigeria - lại đang đối diện với nhiều khó khăn để duy trì nguồn cung như hiện nay. Thậm chí một số nhà quan sát nhận định rằng các chương trình chính sách của chính phủ chỉ nhằm các mục tiêu chính trị.
Những khó khăn lớn nhất bao gồm tiếp cận giống lúa chất lượng cao, phân bón, hệ thống khuyến nông hoạt động hiệu quả và tiếp cận tín dụng. Ông cho biết thêm, bất chấp hàng loạt sáng kiến đang triển khai nhằm tăng sản lượng, nông dân vẫn đang phải làm việc tay chân trên đồng ruộng thiếu hệ thống thủy lợi, sống tại những khu vực đi lại khó khăn, hạn chế tiếp cận thị trường và tự mình đối mặt với mối đe dọa biến đổi khí hậu ngày càng tăng. “Trong khảo sát thực hiện năm 2016, nông dân cho biết phân bón là vấn đề lớn nhất của họ hiện nay, bất chấp chương trình hỗ trợ vật tư đầu vào của chính phủ diễn ra từ lâu. Gần 74% nông dân cho biết họ không biết đến các chính sách của chính phủ đang triển khai hỗ trợ họ”.
Một yếu tố nữa cho thấy Nigeria sẽ chưa sớm trở thành nước thực sự tự cung lúa gạo, bởi việc Chính phủ không khuyến khích nhập khẩu gạo đã làm gia tăng hoạt động buôn lậu gạo vào nước này. Một số chuyên gia nhận định, Nigeria sẽ không thể ngừng nhập khẩu gạo nếu không có hoạt động buôn lậu vào thị trường này. Và việc ngừng nhập khẩu nếu xảy ra sẽ gây mất cân bằng cung – cầu sẽ dẫn đến rủi ro tăng giá gạo nội địa.
Gappingworld dẫn nguồn Pulse cho biết, theo thống kê của Hiệp hội xuất khẩu gạo Thái Lan, tổng kim ngạch xuất khẩu gạo sang Nigeria giảm từ 56.790 tấn năm 2016 xuống còn 23.192 tấn năm 2017, tương đương giảm 59%, và thấp hơn tới 96,4% so với mức xuất khẩu 644.131 tấn trong năm 2015. Trong cùng kỳ, xuất khẩu gạo sang Benin tăng 19,9% và hơn 90% lượng gạo này được cho là để xuất khẩu sang Nigeria. Suy diễn này xuất phát từ thực tế dân số Benin chưa bao giờ tăng đến mức có thể hấp thụ mức gạo nhập khẩu này.

Nguồn: Vinanet