Triển vọng xuất khẩu thủy sản cán đích 9 tỷ USD

Chú thích ảnh Chế biến cá tra xuất khẩu tại Công ty Cổ phần XNK Thủy sản Cần Thơ. Ảnh: TTXVN
Mới đây vào cuối tháng 6/2021 Bộ Thương mại Mỹ đã công bố kết quả cuối cùng đợt xem xét hành chính thuế chống bán phá giá cá tra lần thứ 16 (POR16) đối với các lô hàng cá tra đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam vào thị trường Mỹ giai đoạn từ ngày 1/8/2018 - 31/7/2019. Theo đó, hai doanh nghiệp xuất khẩu cá tra của Việt Nam là Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (Đồng Tháp) và Công ty cổ phần Nam Việt (An Giang) được hưởng thuế suất chống bán phá giá cá tra vào Mỹ bằng 0%.
Điều này có nghĩa là cá tra Việt Nam được đón nhận tương đương các sản phẩm cá da trơn đến từ các thị trường khác, góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh của cá tra Việt Nam tại thị trường Mỹ. Các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá tra khác dù không được xem xét thuế chống bán phá giá với mức 0%, nhưng vẫn còn nhiều cơ hội cạnh tranh với mức thuế chống bán phá giá toàn quốc là 2,39 USD/kg.
Đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, với kết quả công bố trên, doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá tra Việt Nam đã giảm bớt được áp lực tại các thị trường lớn, đồng thời giảm tải cho các thị trường xuất khẩu khác vẫn đang bị ảnh hưởng của khủng hoảng COVID-19. Đây cũng là điều kiện tốt thúc đẩy khối lượng hàng cá tra sang Mỹ trong thời gian tới. Vì Việt Nam là đối tác cung cấp cá tra đông lạnh hàng đầu cho thị trường Mỹ, chiếm từ 90,5 - 95% tổng giá trị nhập khẩu cá tra của nước này.
Bên cạnh việc cá tra đang lưu thông rất tốt tại hai thị trường Mỹ và châu Âu, cá tra Việt Nam cũng được tiêu thụ tốt tại thị trường Trung Quốc và nhiều thị trường khác. Cụ thể, thị trường Trung Quốc đang chiếm tỷ trọng nhập khẩu cá tra Việt Nam cao nhất, chiếm 26% dù đang có dấu hiệu sụt giảm do thị trường này vẫn đang phải ứng phó với dịch bệnh COVID-19.
Ngoài thị trường Trung Quốc, các thị trường nhập khẩu cá tra Việt Nam khác cũng đang phục hồi mạnh mẽ, điển hình như xuất khẩu cá tra sang Mexico, Brazil, Anh, Thái Lan, Hà Lan, Colombia, Nga đều đạt mức tăng trưởng 3 con số, từ 100 - 450%. Mỗi thị trường này chiếm khoảng từ 2,5 - 4% giá trị xuất khẩu cá tra của Việt Nam, sẽ là những điểm đến tiềm năng cho cá tra Việt Nam, bù đắp cho sự sụt giảm tại Trung Quốc.
Lạc quan với các loại hải sản khác
Song song với cá tra, các loài hải sản khác của Việt Nam cũng đóng vai trò góp phần tích cực cho kim ngạch xuất khẩu 4,1 tỷ USD trong nửa đầu năm 2021. Theo VASEP, tính đến hết tháng 6/2021, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm hải sản khác của Việt Nam đạt 1,6 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2020. Nguồn hải sản chiếm gần 40% tỷ trọng xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm này; trong đó, xuất khẩu cá ngừ đạt 364 triệu USD, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2020. Xuất khẩu mực và bạch tuộc đạt 277 triệu USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Các loại cá khác đạt 847 triệu USD, tăng 13%.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP cho biết, mực, bạch tuộc và cá ngừ đều đang có đà tăng trưởng mạnh tại hầu hết các thị trường lớn. Trong vài tháng gần đây, thị trường Mỹ tăng nhập khẩu cá ngừ Việt Nam gấp 1,5 lần so với cùng kỳ năm trước, do vậy nửa đầu năm xuất khẩu cá ngừ sang Mỹ tăng 23%. Mỹ đang tiêu thụ 43% cá ngừ của Việt Nam. Khi thị trường Mỹ mở cửa trở lại, tất cả các phân khúc sản phẩm cá ngừ đều có cơ hội gia tăng thị phần sang đây. Các thị trường chủ lực khác đều có những tín hiệu rất lạc quan bởi mức tăng trưởng rất cao. Điển hình như Italy tăng 122% trong 6 tháng đầu năm, Israel tăng 37%, Canada tăng 62%.
Thị trường Trung Quốc là thị trường tiêu thụ nhuyễn thể chân đầu đơn lẻ lớn thứ 5 của Việt Nam, chiếm tỷ trọng 6% trong tổng xuất khẩu mực, bạch tuộc. Trong 3 năm trở lại đây, xuất khẩu mực, bạch tuộc của Việt Nam sang Trung Quốc có xu hướng tăng trưởng liên tục. Giá trị xuất khẩu mực, bạch tuộc năm 2020 tăng gần 61% so với năm 2019. Bước sang năm 2021, xu hướng tăng trưởng này vẫn tiếp tục duy trì.
Giải thích lý do tăng trưởng này, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu mực, bạch tuộc chia sẻ, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 xảy ra trên toàn thế giới, nhu cầu tiêu thụ mực, nhất là mực khô, mực nướng có xu hướng tăng mạnh ở Trung Quốc cũng như ở tất cả các thị trường nhập khẩu khác. Nhập khẩu mực khô, mực nướng vào Trung Quốc từ Việt Nam tiếp tục tăng trưởng ấn tượng hơn 300% so với năm 2020. Bên cạnh đó, xuất khẩu mực tươi và đông lạnh của Việt Nam sang thị trường này cũng đã tăng trở lại.
Riêng tại thị trường Hàn Quốc, thị trường lớn nhất tiêu thụ mực, bạch tuộc của Việt Nam, chiếm 41% tổng sản lượng mực và bạch tuộc xuất khẩu, đang có xu hướng gia tăng, với mức tăng trưởng từ 7 - 8%. Thị trường Nhật Bản chiếm 20% sản lượng xuất khẩu mực và bạch tuộc Việt Nam cũng đang có chiều hướng tốt. Song song đó, xuất khẩu mực và bạch tuộc sang Italy đang tăng vọt 170% qua các tháng gần đây và tăng gần 70% trong nửa đầu năm. Đó là những tín hiệu tốt để xuất khẩu mực, bạch tuộc tiếp tục kỳ vọng tăng trưởng mạnh hơn trong những tháng tiếp theo, ông Trương Đình Hòe chia sẻ thêm.

Nguồn: baotintuc.vn