Tại Việt Nam, gạo 5% tấm giá giảm xuống 365-375 USD/tấn, từ mức 380 USD/tấn cách đây một tuần – mức cao kỷ lục kể từ tháng 12/2018.
“Chúng tôi nghe tin Philippines có thể giới hạn khối lượng gạo nhập khẩu kể từ 28/2/2020, khi bắt đầu vụ thu hoạch mới”, Reuters dẫn lời một thương gia ở TP HCM cho biết.
Philippines chưa có thông tin chính thức nào về vấn đề này.
Trong khi đó, Reuters dẫn lời một thương gia khác ở TP HCM cho biết, một số nhà xuất khẩu đang gặp khó khăn trong việc thu gom đủ số lượng gạo để hoàn thành những hợp đồng xuất khẩu đã ký. Ông này nói: “Những nhà xuất khẩu đó đã ký hợp đồng từ trước Tết nhưng hiện không thể mua đủ gạo để hoàn tất việc giao hàng”.
Tại Ấn Độ, nhu cầu yếu và đồng rupee giảm giá khiến giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ cũng giảm khỏi mức cao nhất hơn 4 tháng – đạt được vào đầu tháng này.
Gạo 5% tấm của Ấn Độ (loại đồ) giá hiện ở mức 369 – 373 USD/tấn, giảm so với 371-376 USD/tấn tuần trước và tuần trước nữa.
Nhu cầu từ các khách hàng Châu Phi và Châu Á không ổn định, nhiều khách hàng dự báo giá sẽ gạo sẽ giảm giống như những hangfhoas khác nên chưa vội mua vào.
Trong khi đó, giá gạo Thái Lan (5% tấm) nhích nhẹ lên 430-452 USD/tấn, từ mức 430-445 USD/tấn tuần trước. "Không có hợp đồng lớn, chúng tôi chỉ ký được những hợp đồng nhỏ với các khách hàng truyền thống”, Reuters dẫn lời một thương gia ở Bangkok cho biết. Hợp đồng lớn có khối lượng hàng chục nghìn tấn, còn hợp đồng nhỏ chỉ khoảng 100 tấn.
Trong khi đó, hạn hán ở nhiều khu vực trồng lúa tiếp tục gây lo ngại sụt giảm nguồn cung, giữ cho giá gạo Thái duy trì ở mức cao và khó cạnh tranh với các đối thủ khác.
Tại Bangladesh, một quan chức cấp cao của Bộ Nông nghiệp cho biết, nước này đang xem xét áp lệnh cấp xuất khẩu gạo thường vì giá gạo trong nước tăng mạnh.
Tại Trung Quốc, cơ quan hoạch định chính sách nước này mới đây cho biết cơ quan này đang xem xét điều chỉnh chính sách hỗ trợ đối với mặt hàng gạo, theo đó giới hạn khối lượng gạo sẽ thu mua hàng năm kể từ 2020 trở đi. Đối với năm 2020, khối lượng gạo sẽ thu mua chỉ là 50 triệu tấn, bao gồm 30 triệu tấn gạo japonica và 20 triệu tấn gạo indica. Mức giá sàn thu mua sẽ là 2.420 – 2.600 CNY/tấn tùy loại gạo.
Tại Myanmar, trong 5 tháng đầu của tài khóa này (1/10/2019 đến ngày 7/2/2020), xuất khẩu gạo và tấm đạt 1,19 triệu tấn, trong đó có 838.672 tấn gạo tẻ thường và 356.370 tấn tấm, đạt kim ngạch trên 343,6 triệu USD. Trong đó, có tới 86,32% tổng khối lượng gạo xuất khẩu được thực hiện thông qua đường biển tìm đến các thị trường nhập khẩu quốc tế, chủ yếu là Trung Quốc chiếm hơn 27% lượng gạo xuất khẩu.
Ngành sản xuất và chế biến lúa gạo Myanmar đặt mục tiêu xuất khẩu 2,5 triệu tấn gạo trong năm tài chính này, sẽ kết thúc vào ngày 30/9/2020.
Trong tài khóa 2018-2019, quốc gia Đông Nam Á này đã xuất khẩu hơn 2,35 triệu tấn gạo, đạt kim ngạch hơn 709,6 triệu USD.

Nguồn: VITIC/Reuters