Đầu tháng 6/209 là thời điểm rộ thu hoạch mặt hàng xoài, do đó tại Đồng Tháp, giá xoài cát chu bán ra khá thấp, dao động quanh mức 7.000 đồng/kg. Tuy nhiên, vào thời điểm gần cuối tháng, xoài cuối vụ sản lượng giảm, nên giá đã tăng lên 20.000 – 40.000 đồng/kg (tùy loại), nhưng mức này vẫn thấp hơn so với năm ngoái.
Tháng 6/2019 cũng là thời điểm mít Thái đang vào vụ thu hoạch rộ, giá bán mít Thái chỉ ở mức 15.000 đồng/kg đối với loại 1; 12.000 đồng/kg đối với loại 2 và 8.000 đồng/kg đối với loại 3, bình quân giảm gần 35.000 đồng/kg so với thời điểm cách đây hai tháng.
Nguyên nhân giá mít xuống thấp là do thương lái Trung Quốc không thu mua, trong khi đó, các nhà máy chế biến trái cây đã có kế hoạch sản xuất. Điều này khiến giá mít trở về đúng giá thực tế.
Trái với giá mít lên xuống thất thường, giá sầu riêng năm nay ổn định ở mức cao. Khu vực Bù Đăng, Phước Long, Phú Riềng (Bình Phước) sầu riêng được bán với giá từ 60.000-65.000 đồng/kg tại vườn và đến tay người tiêu dùng có thể lên đến từ 80.000-90.000 đồng/kg.
Hiện nay, thanh long Bình Thuận đang ở cuối mùa chong đèn trái vụ, sản lượng bán chưa nhiều nên giá liên tục tăng từ đầu tháng Năm đến nay và đang giữ mức cao và lâu nhất trong thời gian qua. Hiện tại thanh long loại 1 có giá ổn định từ 26.000-27.000 đồng/kg.
Cũng trong tháng 6/2019 trùng vào ngày Tết Đoan Ngọ (5/5 âm lịch), theo quan niệm dân gian, ngày này được gọi là ngày “Giết sâu bọ”, vì vậy mà nhu cầu mua các loại hoa quả như mận, vải thiều, xoài na… tăng đột biến khiến giá thành đội lên cao. Cụ thể, như mận trước đó giá chỉ có 40.000 – 80.000 đồng/kg, thì những ngày này đã tăng lên 70.000 – 160.000 đồng/kg, vải cũng đắt thêm 20.000 đồng/kg lên 80.000 đồng/kg, na, nhãn tăng 10.000 đòng lên 70.000 – 90.000 dồng/kg (tùy kích cỡ). Theo các thương lái, nguyên nhân, do vải mất mùa, mận lại vào cuối vụ.
Đối với trái vải, sản lượng vải thiều năm nay thấp hơn nhiều so với mọi năm, nhưng ngược lại giá tăng cao và đầu ra ổn định. Cụ thể, như vải Thanh Hà từ 48.000 – 50.000 đồng/kg, có thời điểm lên 70.000 đồng/kg. Trong khi năm ngoái, cao điểm cũng chỉ được 16.000 đồng/kg, có thời điểm xuống còn 2.000 đồng/kg mà vẫn không có người mua. Nguyên nhân do nguồn cung thiếu hụt, sản lượng năm nay thấp hơn mọi năm, điển hình như diện tích trồng vải ở Bắc Giang giảm xuống do người dân chuyển sang trồng cam canh. Thứ hai, các thương lái Trung Quốc sang thu mua vải ồ ạt, riêng tại huyện Lục Ngạn có gần 300 thương nhân Trung Quốc sang thu mua vải thiều.
Theo thống kê, đến chiều 11/6, toàn tỉnh Bắc Giang đã tiêu thụ gần 56.000 tấn vải, trong đó có hơn 19.000 tấn vải chính vụ, số lượng vải sớm cơ bản đã hết.
Vải thiều Lục Ngạn cũng được thương nhân, người tiêu dùng Trung Quốc tin dùng. Đây là thị trường chiếm tới 90% thị phần xuất khẩu vải của huyện này. Ngoài ra, vải thiều còn được xuất khẩu vào các thị trường như Mỹ, EU, Nga, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore, Lào, Campuchia…
Năm 2019, ngoài 18 mã vùng do Bộ Nông nghiệp Mỹ cấp cho 394 hộ sản xuất vải thiều tại 7 xã của huyện Lục Ngạn với tổng diện tích 217,89 ha đủ điều kiện xuất khẩu sản phẩm vào thị trường Mỹ, thì Trung Quốc cũng đã cấp 36 mã số vùng trồng vải thiều Lục Ngạn tại 30 xã, thị trấn đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc.
Tại thị trường rau củ, đầu tháng giá rau củ tại Lâm Đồng tăng mạnh do ảnh hưởng của thời tiết khiến sản lượng sụt giảm. Tuy nhiên, vào thời điểm gần cuối tháng, giá đã tăng trở lại. Cụ thể, giá ớt chuông dao động 30.000-32.000 đồng/kg; su su đã giảm còn 4.000 đồng/kg so với thời điểm đầu tháng. Tuy nhiên, một số loại rau củ như su hào, củ dền, hành lá giá vẫn ở mức cao bởi sản lượng chưa hồi phục sau đợt ảnh hưởng của thời tiết.
Về hoạt động xuất khẩu, theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), giá trị xuất khẩu rau quả tháng 6/2019 ước đạt 298 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu rau quả sáu tháng đầu năm 2019 ước đạt 2,06 tỷ USD, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2018.
Mặt hàng rau có giá trị xuất khẩu ước đạt 272 triệu USD, tăng 1,1% và mặt hàng trái cây có giá trị là 1,6 tỷ USD tăng 11,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trung Quốc là thị trường đứng vị trí thứ nhất về nhập khẩu rau, quả của Việt Nam với 73,11% thị phần, đạt 1,31 tỷ USD, tăng 1,05% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. Tiếp đến là Mỹ với 58,53 triệu USD; Hàn Quốc với 55,48 triệu USD; Nhật Bản với 49,98 triệu USD.
Các thị trường có giá trị xuất khẩu rau, quả tăng mạnh là Iceland, tăng gấp 10,3 lần; Panama tăng gấp 7,6 lần; Guam tăng gấp 5,1 lần; Lào tăng gấp 2,9 lần...
Cũng trong tháng 6/2019, giá trị nhập khẩu mặt hàng rau, quả ước đạt 147 triệu USD, đưa tổng giá trị mặt hàng rau quả nhập khẩu sáu tháng đầu năm 2019 đạt 991 triệu USD, tăng 34,7% so với cùng kỳ năm 2018.
Đáng chú ý, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (IPA) giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam vừa được ký vào ngày 30/6 tại Hà Nội.
Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho rằng đây là cơ hội cho ngành rau, quả mở rộng thị trường xuất khẩu, tham gia chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất toàn cầu nhưng đồng thời cũng phải đối mặt với áp lực cạnh tranh và hàng rào phi thuế quan của các thị trường nhập khẩu. Khi hàng rào thuế dần được cắt giảm thì mức độ cạnh tranh càng gia tăng mạnh, các quy định về truy xuất nguồn gốc của các nước nhập khẩu ngày càng chặt chẽ và cao hơn.
Nguồn: VITIC tổng hợp

Nguồn: Vinanet