Theo VASEP, nguồn cung tôm sú trên thế giới đang giảm mạnh trong khi nhu cầu tôm sú tăng cao ở nhiều thị trường lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Australia. Bởi vậy, Việt Nam cần tận dụng lợi thế là nước sản xuất tôm sú lớn nhất thế giới để tăng xuất khẩu sang các các thị trường. Ngoài ra, nuôi tôm sú tại Việt Nam cần phải được định hướng và có chiến lược để duy trì và tăng sản lượng xuất khẩu.

VASEP cho hay, tính đến hết năm 2016, kim ngạch xuất khẩu tôm sú đạt gần 931 triệu USD, chiếm khoảng 30% kim ngạch xuất khẩu tôm của cả nước.

Tính đến tháng 11/2016, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ tôm sú lớn nhất của Việt Nam, chiếm khoảng 58% tổng xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường này. Trung Quốc chủ yếu nhập khẩu tôm sú sống, tươi và đông lạnh của Việt Nam với số lượng gấp 63 lần tôm sú chế biến.

Ngoài ra, Mỹ cũng tăng nhập khẩu tôm sú của Việt Nam trong bối cảnh lượng tôm sú Ấn Độ và Indonesia sụt giảm.

Trên thị trường thế giới, sản lượng tôm sú giảm mạnh trong năm 2016 khiến nguồn cung tôm sú trên toàn cầu thiếu hụt rất lớn. Cụ thể, sản lượng tôm toàn cầu đạt khoảng trên 5,5 triệu tấn/năm, trong đó, tôm sú chiếm khoảng 1,1 triệu tấn tương đương với 20% lượng tôm toàn cầu.

Đáng chú ý, nhiều nước đang giảm mạnh lượng cung tôm sú ra thế giới. Trong đó, sản lượng tôm sú Indonesia cung cấp cho thế giới giảm từ 40% xuống chỉ còn 20%; sản lượng tôm sú Ấn Độ nay chỉ còn 15%, trong khi đó, các nước Nam Mỹ hầu như không còn nuôi tôm sú.

Có thể nói, trong bối cảnh thiếu hụt nguồn tôm sú, Việt Nam có thể lựa chọn hướng sản xuất tôm sú để có giá bán cao, tránh được nhiều dịch bệnh xuất hiện khi nuôi tôm thẻ chân trắng.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ước tính, sản lượng tôm sú khai thác trong tháng 1/2017 tăng 9% so với cùng kỳ năm trước, lên 12 nghìn tấn. Ngoài ra, riêng lượng tôm sú nuôi vùng Đồng bằng sông Cửu Long ước tăng 3% lên 13,7 ngàn tấn.

Nguồn: Vietnambiz.vn