Theo Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản Việt Nam (VASEP), 6 tháng đầu năm 2019, XK tôm Việt Nam đạt 1,4 tỷ USD, giảm 12% so với cùng kỳ năm 2018. EU - thị trường XK tôm lớn nhất của Việt Nam - đạt 300,5 triệu USD, giảm 25,9% so với cùng kỳ năm 2018. Mỹ - thị trường NK tôm lớn thứ 3 của Việt Nam cũng giảm 2% so với cùng kỳ năm ngoái. XK sang thị trường Trung Quốc giảm 4,9% (đạt 233,5 triệu USD).
Xuất khẩu tôm vẫn có cơ hội đạt mục tiêu cả năm
Theo ông Như Văn Cẩn - Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản), hiện tôm Việt đang vấp phải sự cạnh tranh rất khốc liệt từ các thị trường, trong đó có Ấn Độ và Ecuador. Giá thành sản xuất cao, quy mô sản xuất chủ yếu nhỏ lẻ, hệ thống liên kết chuỗi chưa hình thành tốt, nên khi có những tác động về thị trường sẽ gây bất lợi cho người sản xuất.
Mặc dù 6 tháng đầu năm, XK tôm gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nhận định, trong thời gian tới, ngành tôm Việt Nam kỳ vọng có thể phục hồi XK sang thị trường EU nhờ tác động tích cực của FTA Việt Nam – EU (EVFTA).
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), tại thị trường Hàn Quốc, tôm Việt Nam mã HS 030617 phải cạnh tranh về giá với tôm nhập khẩu (NK) từ Ecuador, Trung Quốc và Ấn Độ. Tuy nhiên, tôm Việt Nam có lợi thế hơn so với Ecuado và Trung Quốc nhờ FTA mà Việt Nam đã ký kết với Hàn Quốc. Hiện nay, thuế NK tôm vào Hàn Quốc từ Việt Nam, Malaysia, Ấn Độ, Thái Lan đều ở mức 0%; trong khi thuế NK từ Ecuador ở mức 20%, thuế NK từ Trung Quốc ở mức 14,6%.
Để khai thác tốt hơn nữa thị trường tôm Hàn Quốc, Cục Xuất nhập khẩu khuyến cáo, các DN nên chủ động tiếp cận thông tin về FTA Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) để lựa chọn các ưu đãi phù hợp với điều kiện của DN, đồng thời thay đổi công nghệ, định hướng phát triển sản phẩm phù hợp với nhu cầu của thị trường NK. “Hiện nay, bên cạnh tôm mã HS 030617, Hàn Quốc có xu hướng tăng NK tôm chế biến mã HS 160521, đây là chủng loại tôm XK nhiều tiềm năng”- Cục Xuất nhập khẩu thông tin.
Cùng với việc tận dụng các lợi thế từ các FTA thế hệ mới, TS. Hồ Quốc Lực - nguyên Chủ tịch VASEP - cho biết: Việc xây dựng thương hiệu cho tôm Việt cần được các DN đặc biệt chú ý. Cạnh đó, các DN cần lấy chữ “tín” làm đầu. Các hợp đồng đã ký kết phải thực hiện cho đúng từ số lượng, cơ cấu, kích cỡ, độ ẩm, thời gian giao hàng, chất lượng bên trong đến mẫu mã bên ngoài... Ông Như Văn Cẩn nhận định, thời điểm này đã qua mùa tôm chính của Ấn Độ, nhu cầu thị trường, trong đó đáng chú ý là thị trường Trung Quốc rất cao. Cạnh đó, Việt Nam đang ký kết nhiều FTA và chuẩn bị đi vào thực thi, hàng rào thuế quan giảm mạnh. Đây là những yếu tố thuận lợi giúp XK tôm có thể phục hồi những tháng cuối năm. “Vấn đề quan trọng là chúng ta phải giảm giá thành và nâng cao chất lượng sản phẩm” - ông Cẩn nói.
Dự báo, XK tôm năm 2019 sẽ đạt 4,2 tỷ USD, đạt mục tiêu mà ngành thủy sản đã đề ra.
Nguồn: Congthuong.vn