Giá gạo xuất khẩu bình quân đạt 463,5 USD/tấn, tăng 5,8% so với cùng kì năm 2019. Gạo trắng (43,1%) và gạo jasmine, gạo thơm (33,8%) được ưa thích nhất. Tại thị trường trong nước, đầu tháng 3, giá lúa, gạo khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tăng, nhưng cuối tháng 3 giảm khi có thông tin dừng thông quan xuất khẩu gạo.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá sẽ tăng trở lại do tâm lí tích trữ lương thực trong dịch bệnh trên toàn cầu leo thang. Bên cạnh đó, hạn mặn và nguồn nước tưới tiêu cũng là những yếu tố khác chi phối thị trường.
Mới đây, Bộ Công Thương đã kiến nghị Thủ tướng cho phép tiếp tục xuất khẩu gạo nhưng kiểm soát theo từng tháng. Trước mắt, tháng 4 và tháng 5 sẽ xuất khoảng 800.000 tấn. Các tờ khai hải quan thực hiện trước 0h ngày 24/3 (trước khi ngưng xuất khẩu gạo) vẫn được thực hiện.
Liên quan đến nội dung trên, Văn phòng Chính phủ đã có thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về việc xuất khẩu gạo trong bối cảnh dịch bệnh và hạn hán, xâm nhập mặn. Thủ tướng nêu rõ bảo đảm an ninh lương thực là vấn đề chiến lược, trọng đại liên quan đến đời sống nhân dân, an ninh, quốc phòng.
Hiện nay, tình hình dịch bệnh COVID-19 và thời tiết, biến đổi khí hậu đang diễn ra hết sức phức tạp, khó lường; dự báo ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp và nguồn cung lúa gạo trong nước; một số quốc gia và vùng lãnh thổ đã phong tỏa và tăng cường dự trữ lương thực...
Do đó, việc xuất khẩu gạo trong bối cảnh hiện nay cần xem xét kĩ lưỡng, thận trọng; trước hết phải bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, đồng thời giảm thiểu việc gián đoạn chuỗi sản xuất lúa gạo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho người nông dân và các tổ chức kinh doanh có liên quan.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan liên quan đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp trên các vùng miền, đặc biệt ở những nơi có tiềm năng, lợi thế, bảo đảm đủ nhu cầu lương thực trong nước và một phần phù hợp cho xuất khẩu.
Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra, xử lí nghiêm các trường hợp đầu cơ găm hàng, gây khan hiếm giả tạo nhằm thao túng giá đối với mặt hàng gạo.
Thủ tướng giao Bộ Công Thương lấy ý kiến các Bộ Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan liên quan về việc xuất khẩu gạo trong bối cảnh hiện nay; yêu cầu các Bộ Nông nghiệp và Phát triên nông thôn, Tài chính và các cơ quan liên quan có ý kiến chính thức bằng văn bản gửi Bộ Công Thương trước ngày 5/4.
Về thị trường gạo quốc tế, đầu tuần, Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã yêu cầu dừng xuất khẩu gạo trắng và thóc từ 11h59 tối ngày 5/4, với lí do đảm bảo nguồn cung trong nước trong khi dịch COVID-19 đang tiếp tục lan rộng tại quốc gia Đông Nam Á.
Theo Thủ tướng, quyết định tạm ngừng xuất khẩu thóc và gạo trắng sẽ đảm bảo lượng dự trữ tốt hơn. Ông nhấn mạnh việc đình chỉ xuất khẩu sẽ chỉ áp dụng đối với gạo trắng và thóc, vốn đang có nhu cầu cao trên thị trường nội địa. Gạo thơm, với nhu cầu trong nước thấp hơn, sẽ được xuất khẩu như bình thường.
Về thời hạn dừng xuất khẩu, ông Hun Sen cho hay Campuchia sẽ cho phép các thương nhân và những công ty đã mua thóc và sẵn sàng xuất khẩu sang Thái Lan, Việt Nam hoàn thành hợp đồng.
Ngoài ra, ông cũng đề nghị Bộ Kinh tế và Tài chính Campuchia xem xét khả năng giải ngân tiền cho các nhà xay xát để mua thóc từ những người trước đây đã bán cho hương nhân ở các quốc gia láng giềng.
"Hãy để các nhà máy xay xát gạo mua thóc từ những người đang thu hoạch và cần bán, và mua toàn bộ thóc để duy trì mức giá tốt, và tránh giá giảm khi không có thương nhân từ Thái Lan và Việt Nam", ông Hun Sen cho biết.

Nguồn: Vietnambiz.vn