Ảm đạm giá tôm, cá tra
Theo thông tin mới nhất từ Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT): Trong 10 tháng đầu năm, tổng sản lượng thủy sản ước tính đạt gần 6,7 triệu tấn, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước. Giá trị xuất khẩu thủy sản ước đạt 7,06 tỷ USD, giảm 2,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tôm xuất khẩu đạt 2,76 tỷ USD; cá tra xuất khẩu đạt 1,66 tỷ USD.
Suốt từ đầu năm đến nay, điểm dễ nhận thấy trong xuất khẩu thủy sản là giá cả các mặt hàng chủ lực như tôm, cá tra không mấy khả quan. Phát biểu tại buổi gặp gỡ trao đổi thông tin với báo chí về ngành thủy sản sáng nay 4/11, ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) đánh giá: Những tháng đầu năm, giá tôm và cá tra đều ghi nhận sụt giảm.
Với tôm, Việt Nam được mùa, các nước xuất khẩu tôm khác cũng được mùa nên giá giảm. Tuy nhiên, từ nửa cuối năm nay, đặc biệt từ tháng 9 trở lại đây, giá tôm đã tăng trở lại. Trong ĐBSCL phân ra 5 loại tôm từ số 1 đến số 5. Các loại tôm khác nhau thì chất lượng khác nhau và giá khác nhau. Tôm nuôi theo công nghệ sạch, khép kín hoàn toàn, kiểm soát được toàn bộ quá trình nuôi, truy xuất được nguồn gốc... vẫn bán giá rất cao.
Với cá tra, năm 2017, 2018, giá cá tra tăng lên 27.000-28.000 đồng/kg, thậm chí giá lên tới trên 30.000 đồng/kg dẫn tới diện tích nuôi tăng nóng. Đó là lý do khiến giá cá tra dịp đầu năm nay giảm mạnh.
Theo ông Luân, thực tế, ngay cả thời điểm giá cá tra bị giảm xuống thấp, hộ nào nằm trong chuỗi liên kết, bán vẫn lãi 1.500-2.000 đồng/kg. Năm trước, có hộ ở thời điểm giá cá tra tăng đã tự phá hợp đồng với doanh nghiệp, bán cá ra ngoài. Khi năm nay giá cá xuống, hộ nuôi cá muốn quay lại bán cho doanh nghiệp, có doanh nghiệp chấp thuận và có doanh nghiệp không.
"Trong tái cơ cấu ngành đã chỉ đạo rất rõ tổ chức liên kết, gắn kết từ con giống, sản xuất đến chế biến, tiêu thụ. Chỗ này chỗ kia người dân không tham gia vào liên kết, không bán được mới có tình trạng bán giá dưới giá thành", ông Trần Đình Luân phân tích.
Hiện nay, giá tôm nguyên liệu loại 1 (cỡ 100 con) tại ĐBSCL giá khoảng 95.000 đồng/kg; Miền trung và phía Bắc khoảng 100.000 đồng/kg.
Với cá tra, giá nguyên liệu hiện dao động ở mức khoảng 20.000 - 22.000 đồng/kg. Với các hộ tham gia chuỗi liên kết thì giá cá cao hơn, đảm bảo có lãi 1.000 -2.000 đồng/kg. Dự kiến, nguồn cung cấp cá nguyên liệu vẫn còn nhiều, đủ đáp ứng cho nhu cầu chế biến, xuất khẩu.
Xuất khẩu đạt 9 tỷ USD
Tổng cục Thủy sản dự báo sản lượng tôm và các tra năm nay đạt và vượt kế hoạch đề ra, đảm bảo cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy chế biến, xuất khẩu (cá tra hiện còn khoảng 500.000 tấn; tôm sú ước khoảng hơn 100 nghìn tấn; tôm thẻ chân trắng ước khoảng trên 180 nghìn tấn). Tuy nhiên, giá tôm, cá tra xuất khẩu sẽ khó tăng lên trong thời gian tới.
Về xuất khẩu thủy sản nói chung trong cả năm, dự kiến tổng kim ngạch sẽ đạt 9 tỷ USD. Con số này đã giảm 1 tỷ USD so với kế hoạch đặt ra từ đầu năm.
Ông Trần Đình Luân đánh giá, kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm nay sụt giảm là bởi nhu cầu thị trường giảm, đặc biệt là giá cá tra và tôm đều giảm. Với tôm, có thị trường giảm giá tới 1 USD/kg. Lượng xuất khẩu vẫn tốt nhưng giá giảm khiến tổng giá trị giảm xuống.
Xung quanh câu chuyện xuất khẩu thủy sản, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến bày tỏ quan điểm: Tình hình kinh thế thế giới suy giảm dẫn tới nhu cầu tiêu thụ giảm. Bên cạnh đó, thị trường Trung Quốc với 1,4 tỷ dân cũng đưa ra những điều kiện về truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm.
Cơ quan chức năng đã hướng dẫn người dân nhiều nhưng chuyển biến còn hạn chế. Tuy nhiên, dịp cuối năm nay, người dân, doanh nghiệp đã bắt kịp với những đổi thay từ thị trường, tin rằng năm 2020 vấn đề vướng mắc khi xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ được giải quyết nhanh chóng...
Nguồn: Baohaiquan.vn