Theo báo cáo của Ban chỉ đạo, sau 2 tháng triển khai kế hoạch hỗ trợ tiêu thụ heo (từ đầu tháng 5/2017), tổng lượng heo đã tiêu thụ được khoảng hơn 700 ngàn con. Tổng đàn heo trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã giảm từ 1,8 triệu con (vào đầu tháng 5/2017) xuống còn khoảng 1,57 triệu con cuối tháng 6/2017.
Các địa phương trong tỉnh đã mở 34 điểm bán thịt heo bình ổn giá gồm: Biên Hòa 7 điểm, Long Khánh 1 điểm, Long Thành 10 điểm, Nhơn Trạch 3 điểm, Vĩnh Cửu 1 điểm, Trảng Bom 2 điểm, Xuân Lộc 6 điểm, Cẩm Mỹ 2 điểm, Thống Nhất 2 điểm và Công ty CP mở 3 điểm tại Biên Hòa, giúp giá thịt heo tại các chợ, siêu thị giảm tương ứng với các điểm bình ổn giá, lượng heo tiêu thụ tại các điểm bình quân khoảng 25-30 con/ngày.
TP.HCM là thị trường tiêu thụ chủ yếu của Đồng Nai, chiếm 50% sản lượng tiêu thụ của tỉnh, trung bình tiêu thụ khoảng trên 100.000 con/tháng. Theo thống nhất của lãnh đạo tỉnh Đồng Nai và TP.HCM, bắt đầu từ ngày 1/9/2017, tất cả heo của Đồng Nai xuất vào TP.HCM đều phải đeo vòng truy xuất nguồn gốc theo Đề án truy xuất nguồn gốc thịt heo của Sở Công Thương TP.HCM.
Để lượng heo của Đồng Nai tiếp tục được tiêu thụ tại TP.HCM, trong tháng 6 vừa qua, Sở Công Thương, Sở NN&PTNT đã phối hợp với Sở Công Thương TP.HCM mở 4 lớp tập huấn truy xuất nguồn gốc thịt heo cho các đối tượng hộ chăn nuôi, tổ hợp tác, chủ trang trại, cơ sở giết mổ và cán bộ quản lý của 11 huyện, thị xã và TP. Biên Hòa.
Dự báo trong thời gian tới, giá heo hơi có thể sẽ tăng nhẹ do lượng heo còn lại chủ yếu là của các trang trại, được nuôi theo quy trình và heo đã được đeo vòng để truy xuất nguồn gốc.
Nguồn: Lê Nam/Báo Công Thương điện tử