Tới tháng 7/2019, mỗi kg cá bán ra, người nuôi lỗ từ 5.000 - 7.000 đồng/kg tùy loại. Giá xuống thấp, lại không bán được, cá tra đang dính phải "khủng hoảng kép" nghiêm trọng.
"Khủng hoảng kép"
Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, trái ngược với năm 2018, xuất khẩu cá tra có chiều hướng giảm mạnh từ tháng 5/2019, với mức giảm gần 1% và đạt gần 790 triệu USD. Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu cá tra 6 tháng đầu năm ước giảm 0,7% và đạt 995 triệu USD.
Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng Thư ký VASEP cho biết, nửa cuối năm 2018 giá cá tra tăng cao khiến nhiều hộ nuôi thả cá tra phấn khởi mở rộng diện tích ao, nhiều nhà đã đầu tư thêm diện tích mới. Hơn nữa, sang năm 2019 dù giá cá tra có dấu hiệu "giảm nhiệt", nhưng đến hết quý 1/2019, nông dân và doanh nghiệp vẫn thu lãi lớn từ nuôi và xuất khẩu cá tra.
Tuy nhiên, từ cuối quý 1/2019 giá cá tra bắt đầu giảm mạnh và từ đầu tháng 7/2019 đến nay, giá cá tra thương phẩm và cá giống ở mức thấp nhất trong 10 năm gần đây và nguồn cung đang tăng cao vượt cầu. Hơn nữa, Trung Quốc xiết chặt hàng rào kỹ thuật; số lượng cá tra xuất khẩu sang Mỹ cũng giảm sút mạnh khiến lượng cá bị “đóng băng” không thể xuất khẩu, khiến lượng cá tồn đọng ngày càng tăng.
Cung vượt cầu?
Ông Huỳnh Thanh Sơn - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, cho biết, diện tích nuôi cá tra thịt của huyện khoảng 380ha, trong khi diện tích cá giống cũng rơi vào khoảng 350ha. "Hiện nay, giá cá tra thịt và cá tra giống liên tục giảm, người nông dân lỗ khoảng 7000 - 9000 đồng/kg mà chưa biết có giải pháp nào tháo gỡ bởi lệ thuộc vào thị trường, nhất là khi Trung Quốc dừng việc thu mua càng khiến tình hình khó khăn hơn", ông Sơn nói.
Tại An Giang, ông Nguyễn Sĩ Lâm - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng cho hay, thống kê tại An Giang, giá cá tra nguyên liệu trong tháng 7 đã giảm 2.000 - 3.500 đồng/kg so với cuối tháng 4, còn 21.000 - 23.000 đồng/kg, tùy loại.
An Giang, Đồng Tháp là 2 địa phương mạnh nhất về nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu cá tra. Theo UBND tỉnh An Giang, diện tích nuôi cá tra trên địa bàn tỉnh hàng năm dao động khoảng 1.300 - 1.400ha, sản lượng từ 380.000 - 400.000 tấn.
Trước diễn biến bất lợi từ thị trường, nhiều chuyên gia kinh tế nông nghiệp cho rằng, lý do khiến giá cá tra liên tục giảm sâu là do năm 2018, xuất khẩu cá tra đạt kim ngạch kỉ lục 2,3 tỷ USD, có thời điểm người nuôi lãi tới khoảng 10.000 đồng/kg nên nhiều hộ đã đổ xô nuôi cá tra, dẫn đến nguồn cung năm nay tăng cao hơn so với năm ngoái.
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, giá cá tra nguyên liệu giảm chủ yếu do nhiều doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu chuyển sang tập trung vào công tác thu hoạch, chế biến cá tra do doanh nghiệp tự nuôi và hạn chế thu mua cá tra nguyên liệu trong dân, nhất là lúc này các doanh nghiệp chưa ký được nhiều đơn hàng xuất khẩu.
Do ảnh hưởng bởi giá cá tra nguyên liệu giảm nên nhu cầu giống thả nuôi trong dân không nhiều, hệ lụy là giá cá giống cũng giảm mạnh. Cụ thể, loại 30 con/kg đang dao động quanh mức 20.000 - 25.000 đồng/kg, trong khi cuối năm 2018, đầu năm 2019 giá cá tra giống được đẩy lên tới 70.000 đồng/kg.
Có gỡ được "khủng hoảng kép"?
Trước hàng loạt những khó khăn như vậy, phía Tổng cục Thủy sản và VASEP đã có cuộc họp vào đầu tháng 7/2019 để tìm các giải pháp tháo gỡ cho cá tra, trong đó việc tìm kiếm các thị trường mới, mở rộng thị trường xuất khẩu là một trong những giải pháp chính.
Theo đại diện VASEP, việc xuất khẩu cá tra vẫn có cơ hội lớn, nhất là sang thị trường 10 nước tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mà Việt Nam là thành viên. Theo đó, cá tra, basa sẽ là các mặt hàng thủy sản được hưởng thuế suất bằng 0% kể từ năm thứ 3 sau khi CPTPP có hiệu lực (Hiệp định này có hiệu lực với Việt Nam từ ngày 14/1/2019).
Trong năm 2018, giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường 10 nước CPTPP đạt 328,3 triệu USD, tăng 17,3% so với năm trước. Các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra cũng có thể lạc quan tin tưởng rằng sẽ có nhiều cơ hội tại một số thị trường truyền thống hoặc tiềm năng với cá tra như: Mexico, Nhật Bản hay Chile.
Hiện nay, Mexico là thị trường xuất khẩu cá tra, basa lớn thứ 5 của Việt Nam (sau Hongkong (Trung Quốc), EU, Mỹ và ASEAN). Theo đó, 4 tháng đầu năm 2019, giá trị xuất khẩu cá da trơn sang thị trường này đạt 40,8 triệu USD, tăng 31,5% so với cùng kỳ năm 2018. Đây cũng là thị trường xuất khẩu cá tra lớn nhất tại khu vực Mỹ Latinh và trong 10 nước CPTPP.
Ngoài ra, việc đẩy mạnh cá tra xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản cũng đã thu được nhiều kết quả tích cực, trong năm 2018, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang Nhật Bản tăng 37,6% so với năm 2017, và 4 tháng đầu năm nay, con số này cũng đã đạt 8,58 triệu USD, tăng 38,6% so với cùng kỳ năm 2018.
Về lâu dài, theo ông Trần Đình Luân - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, không chỉ cá tra mà nhiều mặt hàng thủy sản khác của nước ta cần quan tâm đẩy mạnh 2 khâu chính: con giống và mở rộng thị trường xuất khẩu, tránh bị lệ thuộc vào bất kỳ thị trường nào khi có biến động để đảm bảo cung cầu.
Nguồn: plo.vn