Tại miền Bắc xuất hiện xu hướng giảm nhẹ
Giá lợn hơi tại miền Bắc đã dần bước vào trạng thái ổn định, một vài nơi có tình trạng giảm giá nhẹ sau chuỗi tăng dài liên tiếp.
Hiện tại, giá lợn hơi tại Phú Thọ, Hoà Bình, Ứng Hoà, Bắc Giang, Hoài Đức, Hưng Yên, Hà Nam, Nam Định, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Ninh Bình, Lào Cai dao động trong khoảng 47.000 - 49.000 đ/kg; tại Hải Dương, Thái Bình giá lợn còn đạt tới 50.000 đ/kg; còn lại một vài nơi giá thấp hơn, nhưng so với hai khu vực còn lại vẫn tốt hơn, đạt 44.000 - 46.000 đ/kg. Giá lợn giống tại khu vực phía bắc vẫn đang dao động trong khoảng 1,4 - 1,6 triệu đồng/con loại 7 - 8 kg/con.
Tại miền Trung, Tây Nguyên ít biến động
Trong tuần, dù có biến động tại một vài địa phương, nhưng xu hướng chính của giá lợn hơi trong khu vực vẫn ổn định. Với tác động từ đà tăng của giá lợn khu vực miền Bắc, giá lợn hơi tại khu vực Bắc Trung Bộ cũng lên được tới 47.000 đ/kg, nới rộng chênh lệch về giá so với các tỉnh Nam Trung Bộ; cụ thể, giá lợn tại Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh 45.000 - 47.000 đ/kg; Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế 40.000 - 41.000 đ/kg; các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hoà cũng ở mức 40.000 đ/kg; trong khi những địa phương còn lại có giá thấp, khoảng 34.000 - 36.000 đ/kg.
Tại miền Nam dứt đà tăng vào cuối tuần
Sau khi duy trì đà tăng trong những ngày đầu tuần, giá lợn hơi tại khu vực đã ổn định trở lại vào những ngày cuối tuần, cũng là những ngày cuối tháng. Giá lợn hơi tại Đồng Nai, Bình Dương, Bến Tre, Đồng Tháp, Trà Vinh có mức 42.000 - 43.000 đ/kg; Tây Ninh, Long An, Cần Thơ, An Giang, Tiền Giang, Hậu Giang, Vũng Tàu dao động quanh mức 39.000 đ/kg; các địa phương còn lại Bạc Liêu, Kiên Giang, Sóc Trăng... lợn hơi được thu mua ở mức 36.000 - 38.000 đ/kg.
Tại thủ phủ nuôi lợn Đồng Nai, giá thịt lợn trong tuần vừa qua (từ ngày 26 đến 30/8) tại các chợ hạng 1 và hạng 2 trên địa bàn tỉnh như chợ Biên Hòa, chợ Long Khánh, chợ Long Thành, chợ Phương Lâm (huyện Tân Phú)… ở các mức như sau: thịt lợn nạc từ 60.000 - 90.000 đ/kg, thịt lợn ba rọi khoảng 65.000 - 95.000 đ/kg.
Trung Quốc bắt đầu can thiệp để hạ giá thịt lợn
Bắc Kinh đã triển khai kế hoạch hỗ trợ người chăn nuôi và người tiêu dùng trong nỗ lực ngăn chặn giá thịt lợn tăng cao và thiếu hụt nguồn cung dưới ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi (ASF). Động thái cũng gắn với nỗ lực lớn hơn nhằm ổn định tâm lí thị trường và giúp người tiêu dùng, những người sẽ bị tác động từ sự thay đổi về giá và thu nhập trong bối cảnh chiến tranh thương mại với Mỹ leo thang.
Khoảng 29 tỉnh đã triển khai các biện pháp, và chi hơn 2 tỉ nhân dân tệ (tương đương 281 triệu USD) để hỗ trợ tiêu dùng kể từ tháng 4, khi giá bắt đầu tăng khi dịch ASF càn quét trên khắp quốc gia châu Á. Tuy nhiên, những trợ cấp này không được áp dụng cho tất cả khu vực của Trung Quốc, và tại nhiều vùng mức hỗ trợ vẫn tương đối thấp.
Giá thịt lợn tiếp tục tăng, đã liên tục lập kỉ lục mới trong những tuần gần đây, đã buộc nội các Trung Quốc phải hành động. Theo dữ liệu từ bộ nông nghiệp Trung Quốc, giá thịt lợn bán lẻ hôm 24/8/2019 đã tăng 26% so với đầu tháng lên 30,79 nhân dân tệ/kg.
Để phản ứng lại với sự gia tăng, nội các Trung Quốc quyết định thông qua cơ chế hỗ trợ giá thịt lợn, cho phép các nhà chức trách địa phương nâng mức hỗ trợ phù hợp với sự gia tăng của lạm phát tiêu dùng.
Hôm 29/8/2019, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết sẽ đưa số thịt lợn, thịt bò và thịt cừu đông lạnh từ kho dự trữ quốc gia để tăng nguồn cung thịt trên thị trường.
Theo báo cáo từ hãng thông tấn quốc gia, Bắc Kinh đã giải phóng 9.600 tấn thịt lợn dự trữ trong tháng 1. Bắc Kinh cũng cho biết sẽ làm nhiều hơn để tăng nguồn cung, bằng cách thực hiện các bước hiệu quả hơn để ngăn chặn sự lây lan của dịch ASF và loại bỏ những hạn chế tại địa phương đối với hoạt động nuôi lợn và vận chuyển.
Trong đó gồm các biện pháp để thúc đẩy sản xuất lớn và loại bỏ hạn chế về qui mô trang trại, tăng dự trữ nguồn cung, cho phép trang trại xâu dựng lại và đẩy nhanh việc thanh toán các khoản trợ cấp đền bù. Các chuyên gia phân tích nói chung cho rằng giá thịt lợn tăng cao là do sản lượng nội địa giảm dưới tác động của dịch ASF, được phát hiện lần đầu vào tháng 8/2018.
Hạn chế vận chuyển và tiêu huỷ hàng loạt đã được triển khai tại những vùng bị nhiễm dịch khi virus ASF lan khắp Trung Quốc và xâm nhiễm sang cả các quốc gia láng giềng, với hơn triệu con lợn bị tiêu giết kể từ khi bệnh dịch bắt đầu bùng phát.
Trung Quốc là nhà sản xuất và tiêu thụ thịt lợn lớn nhất thế giới.
Năm 2017, quốc gia châu Á đã tiêu thụ 54 triệu tấn thịt lợn, khoảng một nửa lượng tiêu thụ của thế giới, và nhập khẩu khoảng 1,2 triệu tấn để đáp ứng nhu cầu thịt nội địa.
Sản lượng thịt lợn trong nước đã giảm 5,5% so với năm ngoái xuống 24,7 triệu tấn trong 6 tháng đầu năm, trong khi nhập khẩu tăng 26,3% lên 818.703 tấn.
Xu hướng này có thể duy trì sau khi dự trữ lợn nội địa đã giảm gần 1/3 so với năm ngoái vào tháng 7, theo dữ liệu bộ nông nghiệp.
Sự bùng phát của dịch ASF đã thúc đẩy lạm phát với chỉ số giá tiêu dùng lên cao nhất trong 17 tháng ở 2,7% trong tháng 7, gần mức mục tiêu kiểm soát hàng năm là 3%.
Theo South China Morning Post, giá thịt lợn đóng vai trò quan trọng trong việc tính chỉ số giá tiêu dùng, đóng góp 0,59% của mức gia tăng vào tháng trước.
Julian Evans-Pritchard, nhà kinh tế học cấp cao tại Capital Economics, cảnh báo lạm phát sẽ gây sức ép lớn lên nền kinh tế Trung Quốc trong nửa cuối năm nay.
Nguồn: VITIC tổng hơp

Nguồn: Vinanet