Thống kê của Bộ NN&PTNT cho thấy, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 6 tháng ước đạt 18,81 tỷ USD, giảm 3,4% so với cùng kỳ năm 2019. Thặng dư thương mại 4,5 tỷ USD, tăng 339 triệu USD so với cùng kỳ năm trước.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, trong 6 tháng đã có 9 dự án chế biến sản phẩm nông, lâm, thủy sản với tổng mức đầu tư trên 10.000 tỷ đồng được khởi công, khánh thành, đi vào hoạt động; cả nước có 58,2% số xã và 127 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới...
Những tháng qua, tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản có dấu hiệu chững lại. Nguyên nhân chủ yếu do giá xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản chủ lực bị giảm; kim ngạch xuất khẩu sang thị trường lớn giảm, điển hình là thị trường Trung Quốc.
Theo Thứ trưởng thường trực Hà Công Tuấn, nếu tình hình diễn biến thị trường tiến triển tốt, vẫn như thời điểm nửa cuối tháng 6 đến nay thì dự báo ngành nông nghiệp có thể đạt được kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 41 tỷ USD cả năm.
"Ngược lại, nếu xảy ra tình trạng dịch Covid-19 bùng phát trở lại nghiêm trọng, các thị trường đóng cửa thì rất khó đoán định”, Thứ trưởng Tuấn nhận định.
Để kịp thời tận dụng cơ hội của thị trường EU nhằm thực thi hiệu quả Hiệp định EVFTA, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ủy ban nhân dân TP Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị “Hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu nông, lâm, thủy sản vào thị trường EU, thực thi hiệu quả Hiệp định EVFTA” tại TP Hồ Chí Minh vào ngày 30/6.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, trong thời gian qua, vai trò và kết quả của hội nhập kinh tế quốc tế đã được thể hiện toàn diện trong các lĩnh vực đời sống kinh tế, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn. Việt Nam là nước đang phát triển đầu tiên ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương có hiệp định thương mại tự do với EU. Điều này vừa khẳng định vai trò vừa nâng cao vị thế địa - chính trị quan trọng của Việt Nam trong khu vực, cũng như trên trường quốc tế.
Với Hiệp định EVFTA, sau khi được ký kết và có hiệu lực, nông, lâm, thủy sản xuất khẩu của Việt Nam sẽ có thể tiếp cận được một thị trường đầy tiềm năng với dân số hơn 500 triệu người và GDP đạt 15.000 tỷ USD. Nhập khẩu các mặt hàng nông nghiệp hiện đang chiếm khoảng 8,4% trong tổng nhập khẩu của EU, ta vẫn còn dư địa tăng trưởng xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản để phục vụ nhu cầu tiêu thụ rất lớn của thị trường này.
Trong khu vực ASEAN, Việt Nam là nước xuất khẩu hàng hóa lớn nhất sang EU và sẽ nhận được nhiều lợi ích từ Hiệp định EVFTA so với các Hiệp định thương mại khác đã tham gia. EU và Việt Nam là 2 thị trường bổ sung và hỗ trợ lẫn nhau, do vậy, lợi ích này đặc biệt có ý nghĩa khi EU liên tục là một trong hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của ta hiện nay.
Cũng theo các đại diện của Vụ Chính sách thương mại đa biên, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), Hiệp định EVFTA có mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho Việt Nam trong số các FTA đã được ký kết (99% dòng thuế nhập khẩu giữa hai bên được xóa bỏ trong vòng 7 - 10 năm), đặc biệt đối với một số mặt hàng nông sản mà ta có thế mạnh sản xuất và xuất khẩu như gạo, thủy sản, cà phê, rau quả, ca cao, dầu cọ... Việc ký kết và thực thi Hiệp định EVFTA không chỉ mang đến cơ hội về tăng trưởng xuất khẩu mà còn giúp cho ngành nông nghiệp nước ta đẩy mạnh công tác tái cơ cấu hướng sâu vào vấn đề nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, quy cách đóng gói… góp phần đưa hàng hóa nông, lâm, thủy sản của Việt Nam tham gia sâu hơn vào các chuỗi cung ứng toàn cầu.
Để kịp thời tận dụng cơ hội của thị trường EU nhằm thực thi hiệu quả Hiệp định EVFTA, Hội nghị do Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ủy ban nhân dân TP tổ chức nhằm “Hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu nông, lâm, thủy sản vào thị trường EU, thực thi hiệu quả Hiệp định EVFTA”, cụ thể, hướng tới 3 mục tiêu:
Phổ biến về một số nội dung của Hiệp định EVFTA liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp (thuế quan, kiểm dịch động thực vật, quản lý an toàn thực phẩm..v.v...) tới các địa phương, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp chế biến xuất khẩu và các cơ quan truyền thông báo chí để nắm bắt và có kế hoạch xuất khẩu phù hợp, đáp ứng đúng yêu cầu của thị trường EU.
Đề xuất cụ thể các giải pháp, biện pháp cũng như cách thức tiếp cận thị trường EU đối với từng ngành hàng trong nhóm nông, lâm, thủy sản nhằm đảm bảo thực thi hiệu quả Hiệp định EVFTA, khai thác được tối đa các ưu đãi từ Hiệp định (thuế quan, quy tắc xuất xứ..v.v..) và tận dụng được lợi thế sẵn có của ngành nông nghiệp nước ta.
Bàn cơ chế phối hợp giữa các đơn vị, cơ quan và tổ chức liên quan (Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, truyền thông báo chí) để đảm bảo công tác thông tin, truyền thông cũng như phát triển xuất khẩu sang thị trường EU một cách bền vững, phù hợp với năng lực cạnh tranh của từng ngành hàng nông, lâm, thủy sản trong bối cảnh hiện nay.
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương, bên cạnh những cơ hội, tiềm năng từ Hiệp định EVFTA như đã nêu trên, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam sang thị trường EU trong thời gian tới sẽ bước vào “sân chơi” lớn, cũng phải chấp nhận đương đầu với các khó khăn, thách thức mới.
Trong thời gian tới, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đề nghị các cơ quan liên quan cũng như các địa phương cùng phối hợp tiếp tục phổ biến về cơ chế, chính sách của Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ, ngành liên quan đến xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang thị trường EU, kịp thời có hướng dẫn, giải đáp về các quy định, tiêu chuẩn về chất lượng và an toàn sản phẩm của EU để các địa phương, các hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp xuất khẩu nông, lâm, thủy sản có kế hoạch kinh doanh phù hợp, đáp ứng đúng yêu cầu của thị trường, qua đó nâng cao hiệu quả xuất khẩu trong thời gian tới.
Cũng trong khuôn khổ Hội nghị, tại phiên Tọa đàm, Bộ trưởng Bộ Công Thương và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã giải đáp những vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách tạo điều kiện xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang thị trường EU thời gian tới.

Nguồn: VITIC