Gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam hiện ở mức 350 – 355 USD/tấn, so với 350 USD/tấn cách đây một tuần.
“Nguồn cung hiện còn rất thấp trong khi nhu cầu vững, nhất là từ Châu Phi và Cuba”, Reuters dẫn lời một thương gia ở TP HCM cho biết.
Thị trường Việt Nam có thể sẽ còn sôi động hơn nữa bởi Philippines có thể sẽ sớm xem xét nới lỏng những hạn chế nhập khẩu gạo. Philippines chiếm tới 36% tổng khối lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam.
Tháng 9/2019, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã chạm mức thấp nhất gần 12 năm, là 325 USD/tấn.
Tại nước xuất khẩu hàng đầu thế giới là Ấn Độ, giá gạo 5% tấm tăng lên 368 – 372 USD/tấn, từ mức 365 – 370 USD/tấn cách đây một tuần.
Đồng rupee đã tăng lên mức cao nhất trong vòng hơn 1 tuần, làm giảm lợi nhuận của các nhà xuất khẩu.
Tuy nhiên, Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Ấn Độ, ông B. V. Krishna Rao cho biết: “Nhu cầu từ các nước Châu Phi vẫn yếu”.
Xuất khẩu gạo Ấn Độ trong tháng 8/2019 giảm 29% so với cùng kỳ năm trước, xuống 644.249 tấn do nhu cầu yếu, nhất là nhu cầu từ Châu Phi đối với gạo non – basmati, cộng thêm một số yếu tố khác.
Tại nước láng giềng Bangladesh, Chính phủ đang nỗ lực tìm cách xuất khẩu gạo nhưng trong khi giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ chỉ khoảng 370 – 390 USD/tấn thì gạo Bangladesh chào bán ít nhất là 500 USD/tấn.
Giá gạo xuất khẩu của Thái Lan tuần này cũng tăng, với loại 5% tấm đạt 396 – 410 USD/tấn, so với 395-400 USD/tấn cách đây một tuần. Lý do bởi đồng baht tiếp tục mạnh lên, trong khi nhu cầu vẫn yếu.

Nguồn: VITIC/Reuters