Theo nguồn tin từ Vietnambiz.vn, sau 2 năm tăng giá ồ ạt, từ 25.000 – 30.000 đồng/kg lên 50.000 – 70.000 đồng/kg, đỉnh điểm có lúc tại vườn lên tới 110.000 đồng/kg, giá sầu giêng năm 2019 bắt đầu có dấu hiệu chững lại và đi xuống.
Những năm trước 2015, giá sầu riêng tại vườn chỉ dao động từ 25.000 - 30.000đ/kg. Giá bán lẻ sầu riêng tại Đà Lạt (Lâm Đồng) chỉ ở mức 50.000đ/kg. Với mức giá này bà con rất hồ hởi, phấn khởi vì được mùa, được giá. Từ năm 2016, Trung Quốc ồ ạt mua sầu riêng Việt Nam, nhiều người trồng lãi lớn. Tuy nhiên với giá hiện tại, 1 kg sầu riêng tại vườn chỉ 25.000đ thì người nông dân hòa vốn.
Theo thống kê, năm 2016, diện tích trồng sầu riêng ở Việt Nam khoảng 32,3 nghìn ha, sản lượng 336,9 nghìn tấn là thời điểm sầu riêng có giá nhất. Từ năm 2016, các hộ nông dân bắt đầu có xu hướng phá tiêu, cà phê để trồng sầu riêng.
Từ năm 2019, các vườn sầu riêng mới bắt đầu lác đác cho trái, chính vụ 2019 giá sầu riêng rớt xuống có thời điểm chỉ còn 29.000đ/kg tại vườn. Như tại Tiền Giang, năm 2015, diện tích trồng sầu riêng chỉ 2.000 ha, năm 2018, diện tích tăng lên 3.250 ha (tăng 65%).
Cho dù đã có những cảnh báo về việc thừa sản lượng nhưng so với các giống cây khác, sầu riêng vẫn là cây có giá trị kinh tế cao. Với tốc độ phát triển cây sầu riêng như hiện nay, không khó khi đảo qua các diễn đàn chia sẻ trồng sầu riêng, lượng cây giống vẫn được bán ra với số lượng lớn và giá không hề rẻ.
Các giống năng suất cao như Monthong, Mustaking được chào bán ồ ạt và có không ít người mua số lượng lớn.
Chủ vựa sầu riêng ở xã Lộc Thành, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng nhận định, sầu riêng đang được trồng ồ ạt, mọi người đồng loạt phá cà phê trồng bơ, sầu riêng, mít. Có thể 3 năm nữa giá sầu sẽ tụt thê thảm, lúc đấy chẳng ai nhúng thuốc sầu riêng nữa.
Với lợi ích kinh tế trước mắt, không ít hộ nông dân phá bỏ cây trồng kém hiệu quả để trồng sầu riêng mà chưa biết đến hậu quả sau này.
Việc can thiệp về quản lý nhà nước đã được Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cụ thể hóa bằng công văn về việc chỉ đạo sản xuất cây sầu riêng gửi Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh phía Nam.
Công văn nhằm hạn chế việc mở rộng vùng trồng sầu riêng ồ ạt, yêu cầu các Sở đánh giá khí hậu đảm bảo với cây sầu riêng; đảm bảo duy trì và quản lý chất lượng giống cây, liên kết hỗ trợ người nông dân đầu ra sản phẩm.
Tuy nhiên, với thói quen thích là trồng của người nông dân, liệu cây sầu riêng có rơi vào câu chuyện được giá thì trồng nhiều, mất giá thì giải cứu?
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Nguyễn Xuân Cường: Bức tranh ngành nông nghiệp Việt Nam trong 6 tháng đầu năm không được “sáng” như kỳ vọng.
Tại Hội nghị Tổng kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019 của ngành nông nghiệp, ông Nguyễn Văn Việt, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ NN&PTNT), trong 6 tháng đầu năm, xuất khẩu nông, lâm thủy sản sản đạt gần 19,8 tỉ USD, tăng 2,2% so với cùng kì năm ngoái. Qua đó đưa thặng dư toàn ngành đạt 4,2 tỉ USD và tăng 4,6% so với 6 tháng đầu năm 2018. Tuy nhiên, mức tăng trưởng xuất khẩu 6 tháng đầu năm nay chậm hơn hơn so với cùng kỳ năm ngoái là hơn 10%.
Trong 6 tháng đầu năm nay, xuất khẩu nhóm hàng nông sản chính đạt gần 9,3 tỉ USD, tăng 4,6% so với cùng kì năm ngoái. Các sản phẩm chăn nuôi ước đạt 320 triệu USD, tăng 4,6%.
Nửa đầu năm 2019 Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã mở cửa thị trường mới đối với nhiều sản phảm xuất khẩu như xoài vào Mỹ, Anh, Australia, măng cụt vào thị trường Trung Quốc…
Bên cạnh đó, Trung Quốc và Việt Nam đã kí kết Nghị định thư cho phép nhập khẩu sữa và sản phẩm sữa vào Trung Quốc.
Hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang chuẩn bị hồ sơ đề nghị xuất khẩu sang Mỹ đối với các sản phẩm trái cây như bưởi, bơ, sầu riêng và các sản phẩm trái cây khác.
Đối với thị trường Nhật Bản, Bộ cũng đang đề nghị xuất khẩu vải, nhãn, bưởi, chôm chôm, vú sữa…
Nguồn: VITIC Tổng hợp/Tin tức nông nghiệp, Vietnambiz.vn

Nguồn: Vinanet