Giá ca cao, nguyên liệu chính để sản xuất sô-cô-la, đang tăng vọt trên thị trường thế giới do tình trạng thiếu hụt nguồn cung toàn cầu. Điều này khiến nông dân ở các nước Mỹ Latinh đang ráo riết trồng mới các cây cacao.
Các số liệu trong ngành cho thấy, nông dân tại các thị trường cung cấp ca cao chính của khu vực như Ecuador, Brazil, Peru và Colombia đang tích cực mua hạt giống và mở rộng diện tích đất trồng ca cao. Hiệp hội các nhà xuất khẩu ca cao Ecuador cho biết, tổng diện tích trồng ca cao của nước này dự kiến vượt qua 600.000 ha trong năm nay, tăng so với mức tương ứng 500.000 ha của năm ngoái.
Ông Paul Hutchinson, Giám đốc Chiến lược Thương mại tại Olam Food Ingredients, một trong những nhà cung cấp hàng hóa lớn nhất thế giới, cho biết: "Không chỉ riêng Ecuador. Chúng tôi cũng thấy sự gia tăng đáng kể ở Peru, Colombia và Brazil".
Giá ca cao kỳ hạn trên sàn giao dịch New York đã vượt qua mức đỉnh trước đó để đạt mức kỷ lục mới là 12.191 USD/tấn vào tuần trước, tăng so với mức dưới 3.000 USD/tấn của một năm trước đó. Ông Nicko Debenham, cựu Giám đốc Phát triển Bền vững tại Barry Callebaut, nhà sản xuất sô-cô-la lớn nhất thế giới, đặt câu hỏi: "Nếu bạn là một nông dân và nhìn thấy những mức giá này, bạn sẽ làm gì? Chắc chắn bạn sẽ không trồng khoai lang đâu".
Giá ca cao tăng vọt là do cây trồng bệnh và thời tiết xấu làm giảm năng suất ở Tây Phi, khiến sản lượng giảm mạnh trong khi nhu cầu về sôcôla ngày càng tăng ở các thị trường mới nổi và người tiêu dùng ở các nước phát triển mua nhiều sản phẩm cao cấp hơn.
Các nhà sản xuất sô-cô-la đang chuyển chi phí tăng vọt của ca cao sang cho người tiêu dùng bằng cách tăng giá, giảm kích thước sản phẩm, hoặc thay đổi công thức sản xuất.
Ghana và Ivory Coast (Bờ Biển Ngà), hai nhà sản xuất ca cao hàng đầu thế giới, cung cấp 2/3 sản lượng ca cao trên toàn cầu, nhưng chính phủ cả hai quốc gia này đều định giá bán cho nông dân để bảo vệ họ khỏi biến động của thị trường. Điều này có nghĩa là người trồng không được hưởng lợi trực tiếp từ việc giá ca cao kỳ hạn tăng vọt, làm giảm động lực đầu tư vào các đồn điền để tăng năng suất.
Trong khi đó, những nhà sản xuất ở các thị trường tự do ở khu vực Mỹ Latinh đang thu lợi nhuận. Nông dân tại đây đang dần từ bỏ các loại cây trồng khác như chuối và dầu cọ để trồng ca cao. Paul Hutchinson, Giám đốc Chiến lược Thương mại tại Olam Food Ingredients, chỉ ra sự khác biệt giữa các nhà sản xuất ca cao nhỏ lẻ ở Ghana và Bờ Biển Ngà với các hoạt động trồng ca cao quy mô công nghiệp ở Mỹ Latinh.
Những người nông dân nhỏ lẻ ở Ghana và Bờ Biển Ngà hạn chế sử dụng phân bón hoặc thuốc trừ sâu và có những cây ca cao già cỗi, kém năng suất và dễ bị dịch bệnh và thời tiết xấu tấn công hơn. Trong khi đó, ở Mỹ Latinh, trồng ca cao là một hoạt động công nghiệp. Các đồn điền quy mô lớn sử dụng hạt giống lai kháng bệnh, hệ thống tưới tiêu tiên tiến và nhiều thuốc trừ sâu. Do đó, năng suất ca cao ở Mỹ Latinh đang ở một cấp độ hoàn toàn khác.