Theo thông tin mới nhất từ Tổng cục Hải quan, hết 15/7/2018, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng rau qua chỉ đạt 2,13 tỷ USD, tăng 15,3% so với cùng kỳ 2017.
Tốc độ tăng trưởng này rõ ràng thua xa so với vài năm gần đây. Đơn cử như năm 2017 là 42,4%; năm 2016 là 33,6%; năm 2015 là 23,4%; năm 2014 là 38,7%.
Tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu rau quả đột ngột chậm lại có nhiều lý do, nhưng có điều không thể không nhận ra sự liên hệ với kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này từ Thái Lan.
Thông tin mới nhất theo thị trường nhập khẩu của Tổng cục Hải quan cho thấy, hết tháng 6, kim ngạch nhập khẩu rau quả từ Thái Lan chỉ đạt 333,3 triệu USD, giảm gần 30 triệu USD so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, những năm gần đây, thời điểm nào kim ngạch nhập khẩu rau quả từ Thái Lan tăng mạnh, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam cũng tăng cao. Như năm 2017 vừa qua, kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này từ Thái Lan tăng tới 107%; năm 2016 là 98% hay năm 2014 tăng 53,2%.
Nhưng năm 2015 kim ngạch nhập khẩu rau quả từ Thái Lan chỉ tăng 18,6%, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của nước ta cũng chỉ tăng 23,4%.
Được biết, 3 loại trái cây gồm măng cụt, sầu riêng, nhãn được nhập khẩu từ Thái Lan sau đó gần như 100% được doanh nghiệp xuất đi Trung Quốc.
Theo lãnh đạo Phòng Thống kê hải quan (Cục CNTT và Thống kê hải quan, Tổng cục Hải quan) do doanh nghiệp mở tờ khai nhập khẩu kinh doanh và xuất khẩu kinh doanh độc lập nên cơ quan Hải quan vẫn đưa vào thống kê về kim ngạch, trường hợp doanh nghiệp kinh doanh tạm nhập tái xuất cơ quan Hải quan không đưa vào thống kê kim ngạch xuất nhập khẩu.
Không phủ nhận nỗ lực của ngành rau quả trong việc tìm thị trường xuất khẩu, nhưng rõ ràng ở những thời điểm kim ngạch xuất khẩu tăng cao đột biến luôn là sự có mặt của rau quả xuất xứ Thái Lan.
Nguồn: Baohaiquan.vn