Một thương lái đi buôn rơm 2 năm nay ở Gia Lai cho biết, rơm khô năm nay khan hiếm, các thương lái đi thu mua nhiều nên giá đẩy lên cao, không có rơm mà mua. Theo thương lái này, rơm thu mua ở các hộ gia đình ở tỉnh Bình Định, họ sẽ làm thành các cuộn rơm và mình thu mua. Những cuộn rơm này đều làm từ máy, người dân không thể cuộn thủ công được. Mỗi cuộn nặng khoảng 13 kg.
Trong đó, rơm lại được chia làm 2 loại với mức giá khác nhau. Những gia đình sử dụng máy cắt, máy gặt thì rơm nát hơn, giá chỉ khoảng 200.000 đồng/sào, còn loại được cắt tay thì rơm nguyên cọng, nhìn đẹp hơn và giá lên đến 450.000-500.000 đồng/sào.
Đó là giá thu mua tại ruộng, còn khi bán ra đến tay người sử dụng sẽ tính theo cuộn. Mỗi cuộn sẽ được bán với mức giá dao động từ 27.000-30.000 đồng. Trong khi đó, mùa vụ trước chỉ bán được khoảng 20.000-25.000 đồng/cuộn.
Thương lái này chia sẻ, buôn rơm này không sợ lỗ vì mặt hàng này không hỏng như các sản phẩm khác. Và nhu cầu mua rơm nhiều, cứ đến thu mua tại ruộng rồi thuê xe vận chuyển cho khách hàng luôn. Lần nào thu mua nhiều, sẽ chở về kho và dự trữ, tránh để rơm dính nước là được. Rơm này chủ yếu bán cho các hộ gia đình nuôi bò, trồng thanh long, nấm… Mỗi vụ, bán được đến cả nghìn cuộn rơm khô, chủ yếu khách quen đặt hàng. Khách quen đặt một lần từ vài chục đến vài trăm cuộn rơm khô một lúc, có những gia đình cần sử dụng nhiều việc còn mua một lúc tới 250 cuộn. Khách thường đều tự tìm đến và đặt mua, không phải mất công đi quảng cáo hay rao bán ở đâu cả.
Theo nhận định của một thương lái ở Đăk Lăk, rơm này bán rất chạy. Với những cuộn rơm khô, các hộ gia đình nuôi bò sẽ rất ưa chuộng. Còn loại rơm đã bị dính nước, những người trồng nấm, cafe, hạt tiêu… lại muốn mua để đem về cải tạo độ phì nhiêu của đất. Và giá cả của rơm dính nước cũng rẻ hơn khoảng vài nghìn đồng/kg. Giá rơm khô năm nay cao, mỗi cuộn bán từ 25.000 - 30.000 đồng. Để thu mua rơm này, phải trang bị một chiếc máy để cuộn rơm thành từng bó. Sẽ đi mua tại ruộng hoặc các gia đình có rơm ở nhà, sau đó sử dụng máy để cuộn chúng thành từng bó rồi vận chuyển bằng xe về kho.
Ở khu vực phía Nam, các gia đình trồng lúa có thể thu nhập thêm từ việc bán rơm. Trong khi đó, các cánh đồng phía Bắc rơm được chất thành đống, không ai lấy. Người dân phải đem phơi khô, đem đốt ngay tại ruộng.
Theo một số người dân trồng lúa ở Tiên Lữ (Hưng Yên), trước kia, người dân còn chăn nuôi trâu bò nhiều, sử dụng đun bếp thì rơm còn được đem về phơi, dùng dần. Mấy năm trở lại đây, trâu bò nuôi ít hơn mà mọi nhà đều sử dụng bếp gas, rơm chẳng ai lấy. Vì vậy, họ phải mất công ra ruộng phơi và đốt đi.
Nguồn: VITIC