Dẫn nguồn tin từ Dân Việt, tại Hội thảo Các giải pháp phát triển thanh long bền vững tổ chức tại Bình Thuận ngày 2/10 vừa qua, các chuyên gia và ngành nông nghiệp đã chỉ ra hàng loạt vấn đề thiếu bền vững trong canh tác thanh long ở Bình Thuận hiện nay.
Theo đó, nếu như năm 2008 toàn tỉnh Bình Thuận mới chỉ có hơn 10.000 ha thanh long thì 10 năm sau diện tích này tăng lên gần 29.000 ha. Đến tháng 6/2019, diện tích thanh long toàn tỉnh là 29.418 ha.
Các nghiên cứu khoa học trước đây cho biết, thanh long là cây ít bị sâu bệnh phá hại. Nhưng thực tế những năm gần đây, khi Bình Thuận hình thành vùng sản xuất tập trung, diện tích tăng nhanh thì thanh long cũng bị nhiều loại sâu bệnh hại tấn công.
Những tháng cuối năm 2018, do xuất hiện những cơn mưa trái mùa nên trong 2 tháng 9 và 10, bệnh đốm nâu phát sinh gây hại trên các vườn thanh long với diện tích tăng đột biến. Tháng 9/2019, nhiều diện tích thanh long lại bị ốc sên tấn công khiến người trồng thất thu.
Riêng bệnh đốm trắng trên cành và quả vẫn chưa có thuốc đặc trị. Mặt khác do diện tích tăng nhanh, nhất là trên đất lúa có độ ẩm cao là điều kiện thuận lợi cho đốm nâu gia tăng và bùng phát.
Theo Sở NNPTNT Bình Thuận, hệ thống phân phối thanh long còn nhiều bất cập, chủ yếu là tiêu thụ theo kênh truyền thống qua nhiều tầng nấc trung gian; nông dân tự sản xuất và tự tìm đầu mối tiêu thụ sản phẩm.
Phương thức giao dịch giữa người trồng và người cung cấp đầu vào và các nhà thu mua đều thực hiện thỏa thuận bằng miệng, không qua hợp đồng và quan hệ mua bán không bền vững.
Bên cạnh đó, năng lực cạnh tranh của thanh long Bình Thuận còn hạn chế. Người sản xuất bị chi phối bởi thương lái trong việc quyết định giá cả và tiêu thụ sản phẩm. Đây là một trong những tồn tại lớn nhất, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của thanh long Bình Thuận.
Toàn tỉnh Bình Thuận hiện có 30 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, thu mua, chế biến thanh long tuy nhiên quy mô hầu hết đều nhỏ lẻ. Ngoại trừ hợp tác xã Thanh Bình có quy mô 300 thành viên, các hợp tác xã còn lại bình quân chỉ có 12 thành viên. Hầu hết các hợp tác xã thanh long chỉ tập trung ở khâu sản xuất, chưa đủ tiềm lực thu mua và xuất khẩu.
Theo Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phát triển cây thanh long Bình Thuận, Nguyễn Đức Trí, hiệu quả kinh tế trong sản xuất thanh long vượt trội so với một số sản phẩm nông nghiệp khác đã góp phần làm giàu cho người dân, tạo ra nhiều công ăn việc làm và các dịch vụ kèm theo.
Tuy nhiên, công tác quản lý quy hoạch thanh long hiện còn nhiều hạn chế, người dân phát triển cây thanh long một cách tự phát. Sản xuất thanh long chưa bền vững, diện tích đạt chuẩn VietGAP mới hơn 30% so diện tích toàn tỉnh. Công nghệ đóng gói, bảo quản còn đơn giản làm giảm khả năng cạnh tranh của sản phẩm.
Việc xuất khẩu thanh long chủ yếu mua bán qua trung gian chứ ít có doanh nghiệp của tỉnh xuất khẩu trực tiếp. Các doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu chính ngạch thanh long có năng lực mua bán quốc tế còn hạn chế. Ngay cả vai trò của Hiệp hội thanh long là rất quan trọng nhưng vẫn chưa phát huy tốt sức mạnh từ các hội viên.
Theo Sở NNPTNT tỉnh, việc nâng cao chất lượng thanh long theo hướng đảm bảo an toàn thực phẩm là yếu tố then chốt để cây thanh long phát triển ổn định, lâu dài. Đẩy mạnh các mô hình liên kết, hợp tác sản xuất thanh long theo chuỗi giá trị để nâng cao sức cạnh tranh và hạn chế rủi ro trên thị trường.
Cùng với việc xúc tiến thương mại, phát huy chỉ dẫn địa lý Bình Thuận với sản phẩm thanh long, tỉnh khuyến khích phát triển công nghiệp chế biến các loại sản phẩm hàng hóa từ trái thanh long nhằm giảm áp lực khâu tiêu thụ lên trái tươi.
Nguồn: VITIC