Trong bối cảnh giá gạo trung bình trên thị trường Indonesia đã vượt 50% so với mức giá trần quy định, Bộ Thương mại nước này đã tiến hành nhiều biện pháp quyết liệt để ngăn chặn tình trạng này. Bên cạnh việc tích cực kiểm tra, giám sát thị trường, Bộ đã cử 150 nhân viên của Cơ quan Hậu cần Quốc gia (Bulog) tới các điểm phân phối gạo để phân phối gạo chất lượng trung bình cho nhân dân. Gạo cũng được chuyển tới cung cấp cho một số khu vực, nhất là 2.250 chợ truyền thống, nơi giá gạo tăng mạnh nhất.
Ngăn chặn tình trạng đầu cơ tích trữ
Bộ trưởng Thương mại Indonesia, Enggartiasto Lukita, đã kêu gọi các nhà cung cấp, nhà phân phối và thương nhân không tích trữ gạo trong bối cảnh giá trong nước tăng cao.
Theo Quy định số 20 năm 2017 của Bộ Thương mại về Đăng ký, kinh doanh và phân phối hàng hóa cơ bản, nhà phân phối và thương gia phải thông báo với Chính phủ về toàn bộ hoạt động kinh doanh, quyền sở hữu và dự trữ hàng hóa.
“Nếu họ không báo cáo (thông tin) thì trong trường hợp chúng tôi phát hiện thấy có khối lượng gạo chưa được báo cáo dù ở bất cứ đâu, chúng tôi sẽ coi số gạo đó là bất hợp pháp, và các cơ quan thực thi pháp luật sẽ thực hiện những công việc cần thiết”, Bộ trưởng Lukita nhấn mạnh tại một cuộc họp báo với các nhà phân phối bán lẻ và các Hiệp hội thương mại về việc bình ổn giá gạo và nguồn cung thị trường cuối tuần vừa qua.
Theo ông Lukita, các nhà kinh doanh gạo buộc phải bán gạo của Bulog. Nếu ai không muốn bán gạo đó thì chứng tỏ người đó muốn kiếm lời bằng cách thao túng giá. Quy định này nhằm tránh những thương gia lợi dụng tình hình hiện tại để trục lợi.
Nhập khẩu gấp 500.000 tấn gạo
Về nguồn cung, trong khi chờ đợi vụ thu hoạch mới (tháng 2- tháng 3), Chính phủ sẽ nhập khẩu 500.000 tấn gạo, dự kiến sẽ nhận vào cuối tháng Giêng. “Chúng tôi không muốn mạo hiểm vì thiếu nguồn cung, do vậy chúng tôi sẽ nhập khẩu để giải quyết tình trạng thiếu hụt lúc này”, Bộ trưởng Thương mại Lukita cho biết.
Ban đầu, Indonesia chỉ định công ty PT Perusahaan Perdagangan Indonesia tiến hành mua gạo. Tuy nhiên, theo thông tin mới nhất công bố ngày 15/1 thì trách nhiệm nhập khẩu đã được chuyển sang cho Bulog theo quy định trong Quy chế của Tổng thống số 48/2016, và gạo sẽ mua của Thái Lan, Việt Nam và Pakistan. Bộ trưởng Thương mại Enggartiasto Lukita tiết lộ rằng gạo nhập khẩu sẽ được sử dụng làm dự trữ lương thực, và Bộ sẽ tăng tốc quá trình quản lý nhập khẩu.
Bộ trưởng Bộ Kinh tế, ông Darmin Nasution, yêu cầu Bulog tiến hành nhập khẩu gạo càng nhanh càng tốt. Gạo nhập khẩu phải cập cảng Indonesia toàn bộ muộn nhất là giữa tháng 2.
Chính phủ Indonesia có lẽ lo lắng việc giá những mặt hàng chiến lược tăng cao có thể ảnh hưởng tới các cuộc bầu cử của nước này.
Theo thông tin từ Chính phủ Indonesia, Bulog có 875.000 tấn gạo dự trữ tính tới 15/1/2018. Lượng gạo Bulog đã phân phối ra thị trường tính tới 12/1/2018 là 84.000 tấn.
Tuy nhiên, chính Bulog – đơn vị được chỉ định nhập khẩu – cũng băn khoăn về kế hoạch này. Mặc dù trước đây Bulog đã từng đề xuất cho nhập khẩu gạo, nhưng trong quyết định nhập lần này là loại chất lượng cao. Điều này mâu thuẫn với nhu cầu thực tế là “đa số nhân dân Indonesia sử dụng gạo chất lượng trung bình”.
Giám đốc Bulog, ông Djarot Kusumayakti bày tỏ: “Tôi tin rằng sẽ có sự điều chỉnh vì chính sách chưa được thực hiện”.
Về vấn đề này, Bộ Thương mại đảm bảo rằng gạo nhập khẩu là gạo cao cấp như gạo thơm và Japonica, nhưng sẽ được bán bằng với giá các loại gạo trung bình, hoặc trong khoảng 9.450 rupiah (71 US cent) đến 10.250 Rupiah/kg, và thêm rằng gạo phẩm cấp trung bình đã tăng giá mạnh nhất.
Bộ Nông nghiệp bất bình
Bộ trưởng Nông nghiệp Amran Sulaiman cho biết, một trong những thành tựu mà Chính phủ Indonesia có thể tự hào là nước này đã không phải nhập khẩu gạo trong suốt 2 năm vừa qua. Ngoài ra, nước này cũng không phải nhập khẩu hành và ngô (trước đây phải chi 12.000 tỷ rupiah mỗi năm để nhập khẩu 3,6 triệu tấn ngô). Không những thế, Indonesia dự định sẽ trở thành nước xuất khẩu ngô, và gần đây cũng đã xuất khẩu hành sang 6 thị trường quốc tế.
Bộ Nông nghiệp Indonesia không đồng tình với kế hoạch nhập khẩu gạo lần này, và cho rằng nguồn cung gạo dù giảm vẫn đáp ứng đủ nhu cầu trong nước cho tới vụ thu hoạch tới (vào đầu tháng 2).
Tại phiên họp của Bộ Nông nghiệp ngày 15/1, Bộ trưởng Sulaiman bày tỏ sự thất vọng về kế hoạch nhập khẩu gạo của Chính phủ khi sắp vào vụ thu hoạch chính. Theo ông, kế hoạch này trái với Nghị định của Tổng thống là cấm nhập khẩu gạo một tháng trước và hai tháng sau khi thu hoạch. Ngoài ra, quyết định nhập khẩu gạo thông thường phải được quyết định trong cuộc họp của các Bộ trưởng kinh tế.
Chính phủ cam kết gạo nhập khẩu sẽ không ảnh hưởng tới sản xuất
Bộ trưởng Bộ Kinh tế Darmin Nasution cho biết, nông dân không phải lo ngại về việc gạo nhập khẩu sẽ ảnh hưởng tới thu nhập của họ, Bulog sẽ tiến hành mua lúa gạo của nông dân khi vào mùa thu hoạch. Kế hoạch nhập khẩu gạo tới giữa tháng 2 là hoàn tất. Nếu đến lúc đó giá vẫn không giảm thì “chúng tôi sẽ tiếp tục cho đến cuối tháng 2”. Tuy nhiên, trong trường hợp giá bắt đầu giảm thì việc nhập khẩu sẽ dừng vào giữa tháng 2.
Bộ Thương mại Indonesia khẳng định việc nhập khẩu sẽ không vi phạm các quy định hiện hành.
Cần tăng năng suất để nâng sản lượng gạo hơn nữa
Nông dân Indonesia được các chuyên gia tư vấn trồng những giống lúa mới cho năng suất cao như Inpari 30 để tăng hơn nữa năng suất lúa.
Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển thuộc Bộ Nông nghiệp, Muhammad Syakir, cho biết 80% nông dân Indonesia vẫn sử dụng những giống lúa cũ kém hiệu quả, và khẳng định giống Inpari 30 ưu việt hơn nhiều so với các giống lúa hiện nay, bởi một ha trồng lúa này cho tới 10 tấn lúa, trong khi những giống cũ như Ciherang chỉ có thể cho tấn. Ngoài ra, Inpari 30 còn chịu được ngập lũ 2 tuần, đồng thời cũng chịu được khô hạn.
Bên cạnh đó, còn có một giống khác là Inpari 33 có khả năng kháng bệnh rất tốt. Ông yêu cầu năm 2019 tất cả nông dân sử dụng các giống lúa mới.

Nguồn: Vinanet