Tại Thái Lan, gạo 5% tấm giá tăng lên 432-435 USD/tấn, FOB Bangkok, từ mức 408-410 USD/tấn một tuần trước đây.
“Trung Quốc và Indonesia mua gạo của chúng tôi”, Reuters dẫn lời một thương gia ở Bangkok cho biết, đồng thời thêm rằng hợp đồng với Indonesia dưới hình thức B2B, còn Trung Quốc mua theo hợp đồng chính phủ, và thêm rằng “Trung Quốc đã mua với giá cao hơn, vậy nên các nhà máy cho rằng nếu Trung Quốc có thể mua với mức giá hiện tại thì giá gạo có thể sẽ tăng thêm nữa”.
Baht hiện giao dịch ở mức gần cao nhất 4 năm so với USD. Đồng baht mạnh lên khiến giá gạo tính theo USD tăng theo.
Thái Lan có kế hoạch bán 2 triệu tấn gạo dự trữ còn lại trong tháng tới hoặc tháng 5, theo thông tin từ Bộ Thương mại nước này. Nước này nhằm mục tiêu xuất khẩu 9,5 triệu tấn trong năm nay, so với mức kỷ lục 11,63 triệu tấn trong năm 2017.
Tại Ấn Độ, gạo đồ 5% tấm giá vững ở mức 422 – 426 USD/tấn như cách đây một tuần trong bối cảnh nguồn cung hạn hẹp.
“Khách hàng châu Phi vẫn mua khá tích cực, nhưng nhu cầu từ châu Á thì yếu. Từ tháng tới sẽ có lúa mới từ vụ Đông”, Reuters dẫn lời một thương gia ở Pune cho biết.
Xuất khẩu gạo non-basmati của Ấn Độ giai đoạn tháng 4/2017- tháng 1/2018 tăng 34% so với cùng kỳ năm trước nhờ xuất mạnh sang Bangladesh, Benin và Sri Lanka.
Tuy nhiên, nhập khẩu của Bangladesh dự báo sẽ giảm trong những tháng tới, giám đốc cơ quan ngũ cốc quốc gia Bangladesh, Badrul Hasan cho biết.
“Dự trữ gạo của chúng tôi đã đạt mức tương đối, và chúng tôi cũng bắt đầu bán gạo với giá trợ cấp để hạ nhiệt thị trường trong nước”. Gạo dự trữ trong kho của Chính phủ hiện đạt gần 1,1 triệu tấn, sau giai đoạn nhập khẩu cấp tập, theo thông tin từ Bộ Lương thực Bangladesh.
Tại Việt Nam, gạo 5% tấm giá giảm xuống 410-415 USD/tấn, từ mức 418-425 USD/tấn một tuần trước đây, khi vào giai đoạn thu hoạch cao điểm lúa Đông Xuân.
Nông dân ở ĐBSCL đã thu hoạch khoảng 30% lúa, và giá có thể giảm hơn nữa trong vài tuần tới theo tiến độ thu hoạch.

Một số thông tin liên quan

Thái Lan sắp bán nốt số gạo dự trữ

Chính phủ Thái Lan đang tìm thời điểm tổ chức đợt đấu giá gạo cũ tồn kho kém chất lượng sau khi bán toàn bộ lượng gạo chất lượng (làm thực phẩm) trong năm 2017 để loại bỏ toàn bộ yếu tố tồn kho có thể gây giảm trước khi thu hoạch vụ mới.

Adul Chotinisakorn, lãnh đạo cơ quan ngoại thương Thái Lan, cho biết cơ quan này đang lên chương trình tổ chức các cuộc đấu giá bắt đầu vào tháng 4 hoặc tháng 5 tới để bán toàn bộ tồn kho gạo cũ không còn dùng làm thực phẩm được, ước khoảng 2,04 triệu tấn. Trong số gạo đó, chỉ có khoảng 40.000 tấn còn có thể dùng làm lương thực cho người, 1,5 triệu tấn phù hợp để sản xuất thức ăn chăn nuôi và 500.000 tấn dùng sản xuất nhiên liệu sinh học.

Ông Adul cho rằng xuất khẩu gạo năm 2018 vẫn có triển vọng tích cực do nhu cầu quốc tế cao, đặc biệt là từ Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Nhật Bản và Philippines. Philippines đã lên kế hoạch đấu thầu nhập khẩu 250.000 tấn gạo vào cuối tháng 3, và nhiều nhà xuất khẩu Thái Lan đang rất quan tâm tới thương vụ này.

Theo Bộ Thương mại Thái Lan, tính đến ngày 12/3, nước này đã xuất khẩu 2 triệu tấn gạo, trị giá 999 triệu USD, tăng 4,17% về lượng và 22,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Năm 2017, Thái Lan xuất khẩu 11,6 triệu tấn gạo, tăng 17,4% về lượng, mang về 174,5 tỷ Baht, tăng 12,8% về giá trị. Top 5 thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Thái Lan là Benin, Trung Quốc, Nam Phi, Cameroon và Mỹ. Chính phủ Thái Lan dự báo xuất khẩu gạo năm 2018 của ước này sẽ đạt 9,5 triệu tấn. Bộ Thương mại cho biết từ đầu năm tới nay Thái Lan đã nhận được đơn đặt mua gạo từ Trung Quốc, Indonesia, Malaysia và Nhật Bản, và họ sẽ giao 100.000 tấn gạo cho Trung Quốc theo hợp đồng liên chính phủ vào tháng này hoặc tháng tới.

Bộ Nông nghiệp Thái Lan dự báo sản lượng lúa năm 2018 sẽ đạt 32,05 triệu tấn, giảm 1,17% so với năm 2017, do nông dân tại một số khu vực chuyển sang trồng các loại cây khác như mía đường và dầu cọ. Năm 2018, sản lượng gạo Thái Lan dự báo ở mức 19,2 triệu tấn, giảm 5,88% so với mức sản lượng gạo 20,4 triệu tấn trong năm 2017.

Xuất khẩu gạo Myanmar dự kiến tăng lên 4 triệu tấn trong 2 năm tới

Tại Diễn đàn Liên đoàn ngành gạo Myanmar năm 2018, Liên đoàn Gạo Myanmar (MRF) kỳ vọng xuất khẩu gạo nước này sẽ đạt 4 triệu tấn vào tài khóa 2021, thu về 1,5 tỷ USD.

Trong 11 tháng đầu tài khóa này (tháng 4/2017 - tháng 2/2018), xuất khẩu gạo của Myanmar đạt khoảng 3 triệu tấn, trị giá 900 triệu USD, mức cao nhất trong 70 năm qua, theo Bộ Thương mại Myanmar.

Xuất khẩu gạo của Myanmar trong tài khóa 2019 được dự báo tương đương mức xuất khẩu của năm 2017/18, nhưng giá dự báo sẽ đạt trên 1 tỷ USD nhờ chất lượng cải thiện. Do các biện pháp canh tác tốt hơn, xuất khẩu gạo năm 2019/20 dự báo đạt khoảng 3,5 triệu tấn, trị giá khoảng 1,2 tỷ USD.

Myanmar sản xuất 13 – 14 triệu tấn gạo hàng năm; trong đó khoảng 10 triệu tấn gạo dành cho tiêu thụ nội địa Xuất khẩu gạo Myanmar chủ yếu sang các thị trường Trung Quốc, Bangladesh, Sri Lanka, Tây Phi và một số nước châu Âu. 

Nguồn: VITIC/Reuters

Nguồn: Vinanet