Tại Ấn Độ, giá giảm khá mạnh trong tuần này sau khi đạt kỷ lục cao ở tuần trước. Lý do bởi đồng rupee yếu đi và nhu cầu từ thị trường quốc tế cũng chậm lại, trong bối cảnh thiếu vắng những hợp đồng mới không chỉ với gạo Ấn Độ mà cả những nước xuất khẩu chủ chốt khác ở châu Á.
Gạo đồ 5% tấm giá giảm 15 USD/tấn xuống 432 – 436 USD/tấn, sau khi tuần qua có lúc lên mức cao kỷ lục kể từ tháng 9/2011.
“Thái Lan đã giảm mạnh giá bán trong những ngày gần đây. Khách hàng đang nhận định người bán sẽ còn hạ giá thêm nữa”, Reuters dẫn lời một nhà xuất khẩu ở Kakinada thuộc bang Andhra Pradesh (miền Nam Ấn Độ).
Các nhà xuất khẩu Ấn Độ cũng có thể hạ giá bán vài USD vào lúc này bởi đồng rupee giảm giá trở lại.
Rupee đã giảm hơn 1% trong tháng 2 này, giúp tăng sức cạnh tranh cho gạo Ấn trên thị trường thế giới.
Xuất khẩu gạo non-basmati của Ấn Độ giai đoạn tháng 4-12/2017 đã tăng 39,5% so với cùng kỳ năm trước, lên 6,34 triệu tấn do Bangladesh và Benin mua tích cực.
Gạo 5% tấm của Thái Lan giá giảm xuống 420-430 USD/tấn, FOB Bangkok, từ mức 443- 446 USD/tấn một tuần trước đây. Vụ thu hoạch mới ở nước này dự kiến sẽ bắt đầu từ cuối tháng 2. Thị trường Thái Lan cũng đang thiếu vắng đơn đặt hàng từ nước ngoài.
“Chúng tôi theo dõi rất sát tình hình của Indonesia. Có thể họ sẽ chào mua thêm và khi đó giá sẽ tăng trở lại”, Reuters dẫn lời một thương gia Thái Lan cho biết. Chính Indonesia là yếu tố thúc đẩy giá gạo Thái Lan tăng trong mấy tuần trước.
Cơ quan thu mua lương thực Indonesia (Bulog) ngày 7/2 thông báo sẽ ký hợp đồng với 5 công ty để mua tổng cộng 281.000 tấn gạo.
Cơ quan hậu cần quốc gia Indonesia Bulog trong thông báo ngày 7/2 cho biết đã ký hợp đồng với 6 công ty để nhập khẩu 281.000 tấn gạo. Bulog sẽ nhập khẩu 141.000 tấn gạo từ Việt Nam; 120.000 tấn gạo từ Thái Lan và 20.000 tấn gạo từ Ấn Độ.
Chính phủ Indonesia hồi tháng 1 đã phê duyệt nhập khẩu 500.000 tấn gạo để cải thiện nguồn cung gạo nội địa và hạ nhiệt gia gạo. Bulog đã đàm phán với 8 công ty để cung ứng 346.000 tấn ngũ cốc, dự kiến cập cảng Indonesia trước 28/2, sau đợt đấu thầu quốc tế vào tháng 1/2018. Tuy nhiên, một số nhà cung cấp từ Pakistan đã bị loại ra khỏi các đàm phán giá, theo thông tin từ tổng thư ký Bulog Siti Kuwati, nguyên nhân là do “vấn đề thời gian”.
Ngoài Indonesia, các thương gia Thái cũng theo dõi sát nhu cầu của Philippines. Tuy nhiên, mới đây Philippines đã phát đi thông báo sẽ chưa cần nhập khẩu gạo khẩn cấp mặc dù dự trữ trong kho của Chính phủ giảm xuống mức thấp nhất hơn 2 thập kỷ.
Bên cạnh đó, Bangladesh cũng đã thông báo từ bỏ kế hoạch nhập khẩu gạo từ Thái Lan.
Theo lãnh đạo cơ quan thu mua ngũ cốc Bangladesh, nước này sẽ từ bỏ kế hoạch nhập khẩu 150.000 tấn gạo Thái Lan đã được chốt mức giá 465 USD/tấn vào tháng 10/2017.
Lý do bởi Thái Lan “cần quá nhiều thời gian để hoàn tất đơn hàng. Chúng tôi không thể chờ đợi và quyết định sẽ tiếp cận các nguồn cung gạo khác, trong đó có Ấn Độ, với mức giá rẻ hơn, tổng giám đốc Tổng cục Thực phẩm Bangladesh, ông Badrul Hasan cho biết.
Vốn là nước sản xuất gạo lớn thứ 4 thế giới, Bangladesh nổi lên trở thành nước nhập khẩu gạo lớn trong năm 2017 sau khi lũ lụt gây thiệt hại nghiêm trọng cho sản xuất lúa gạo và đẩy giá gạo nội địa tại nước này tăng cao kỷ lục.
Tại Việt Nam giá cũng giảm, trong bối cảnh giao dịch chậm lại vì sắp đến Tết cổ truyền.
Gạo 5% tấm của Việt Nam giá giảm xuống 420-425 USD/tấn, FOB Sài Gòn, từ mức 440-450 USD/tấn tuần trước.
Các thương gia Việt Nam cũng nhận định giá gạo có thể giảm thêm nữa vào cuối tháng 2 và đầu tháng 3 vì đó là lúc thu hoạch lúa Đông Xuân. – Reuters
Một số thông tin liên quan
Hàn Quốc: Tiêu thụ gạo năm 2017 giảm xuống mức thấp mới
Số liệu từ Chính phủ Hàn Quốc cho thấy, tiêu thụ gạo trung bình người tại thị trường này năm 2017 đã xuống mức thấp mới trong bối cảnh người tiêu dùng thay đổi khẩu vị và thói quen ăn uống.
Tiêu thụ gạo trung bình người đã giảm xuống 61,8 kg trong năm 2017, thấp hơn 0,2% so với 61,9 kg của năm trước đó.
Gạo là thực phẩm chính ở Hàn Quốc, nhưng tiêu dùng giảm dần từ đầu những năm 1980 (khi đó mức tiêu thụ trung bình người là 130 kg). So với năm 1970, khi tiêu thụ đạt 136,4 kg, mức hiện tại đã giảm một nửa.
Người Hàn Quốc ngày nay ngoài cơm còn ăn nhiều món khác làm từ lúa mì, lúa mạch, đậu đỗ và ngô.
Pakistan: Xuất khẩu gạo tăng mạnh 29%
Xuất khẩu gạo Pakistan đã tăng mạnh vào cuối tháng 12/2017, đưa tổng khối lượng xuất khẩu trong 6 tháng cuối năm 2017 (tháng 1 – tháng 12) cao hơn nhiều với cùng kỳ năm trước.
Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu gạo Pakistan, Rafique Suleman, trong năm 2017 nước này đã xuất khẩu 1,9 triệu tấn gạo, trị giá 881 triệu USD, so với 1,64 triệu tấn và 682 triệu USD năm 2016 (tăng lần lượt 29% và 15%).
Với đà xuất khẩu tăng mạnh từ cuối năm 2017 và mới đây Pakistan vừa trúng thầu cung cấp 65.000 tấn cho Indonesia, ông Suleman hy vọng xuất khẩu năm 2018 sẽ đạt trên 4 triệu tấn, và sẽ thu được 2 tỷ USD.
Trong giai đoạn tháng 6-12/2017, Kenya là khách hàng mua nhiều gạo Pakistan nhất, với 240.000 tấn (85 triệu USD).
Ông Suleman tỏ ra lo ngai về việc xuất khẩu sang Trung Quốc – thị trường lớn thứ 2 –bị sụt giảm, chỉ đạt 174.000 tấn trong 6 tháng vừa qua (56,8 triệu USD).
Ông cho biết thêm rằng, Iran và Saudi Arabia cũng là những khách hàng lớn của Pakistan, chủ yếu mua loại Basmati.
Ông cho biết nhu cầu gạo đang tăng trên thị trường quốc tế và gạo Pakistan rẻ hơn so với nhiều xuất xứ khác nên cạnh tranh khá tốt.

Nguồn: Vinanet