Giá ngô được giao dịch trên sàn Chicago tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 6/2013, do lo ngại về nguồn cung toàn cầu thúc đẩy thị trường.
Giá lúa mì tăng 2,4% lên mức cao nhất trong bảy năm, trong khi đậu tương đạt mức cao nhất trong tám năm.
Một nhà kinh doanh ngũ cốc có trụ sở tại Singapore cho biết, ngô đang đứng trước những lo lắng về nguồn cung cũng như nhu cầu mạnh mẽ.
Trên sàn giao dịch Chicago giá hợp đồng ngô ngày 26/04 tăng 1,5% lên 6,42-1/4 USD/bushel, trước đó đạt mức cao nhất tháng 6/2013 là 6,49 USD/bushel.
Tình trạng khô hạn ở Brazil và đợt lạnh giá ở Mỹ làm gia tăng lo ngại về nguồn cung ở hai nước xuất khẩu ngô lớn nhất thế giới, trong khi dự trữ từ vụ thu hoạch năm 2020 đang giảm dần và nhu cầu từ Trung Quốc ngày càng tăng.
Tình trạng của cây lúa mì và lúa mạch của Pháp xấu đi một chút trong tuần thứ hai cho thấy tác động vừa phải so với các đợt khô lạnh gần đây.
Ước tính 85% lúa mì mềm của Pháp trong tuần ở trạng thái tốt hoặc xuất sắc tính đến ngày 19/4, giảm từ 86% của tuần trước và 87% của hai tuần trước đó.
Trong khi đó, các quan chức ở Argentina, nhà cung cấp ngô số 3 thế giới và xuất khẩu thức ăn chăn nuôi từ bột đậu tương hàng đầu, đang xem xét việc tăng thuế xuất khẩu ngũ cốc.
Đậu tương tăng 0,6% ở mức 15,24-3/4 USD/bushel, sau khi tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 6/2013 đạt 15,40 USD/bushel, trong khi lúa mì đạt 7,32 USD/bushel, cao nhất kể từ tháng 5/2014.
Các nhà đầu cơ lớn đã cắt giảm vị thế mua ròng của họ đối với ngô trong tuần tính đến ngày 20/4.
Một số nhà phân tích cho biết, tỷ lệ “winterkill” đối với ngũ cốc tại Nga đang cao hơn so với năm ngoái. Winter kill là hiện tượng cây lúa mỳ bị băng giá phá hoại, khi không được tuyết bao phủ đầy đủ. Cụ thể, các số liệu ước tính cho thấy, tỷ lệ “winterkill” đang ở trong khoảng 9 – 13% trên cả nước, so với mức 7% cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, với việc mở rộng diện tích gieo trồng, thiệt hại do băng giá gây ra không quá nghiêm trọng.
Thời tiết tại các khu vực gieo trồng chính của Argentina ở bang Cordoba và Buenos Aires trong ngày hôm nay trở nên khô hạn trở lại tiếp tục gây áp lực lên chất lượng mùa vụ tại các khu vực này. Nhiệt độ giảm xuống thấp hơn trung bình từ 1 – 3 độ C giúp hạn chế những tác động tiêu cực của thời tiết khô hạn.
Trong khi đó, miền trung của Brazil tiếp tục nhận được lượng mưa nhỏ đến vừa nhưng miền nam nước này trở nên khô ráo trở lại, gây sức ép lên diện tích ngô vụ 2 trong khu vực này. Ngược lại, mưa tại Mato Grosso lại rất dồi dào với lượng mưa cao hơn so với trung bình lên tới 40 mm. Nhiệt độ tại Brazil cũng xuống thấp.
Tại Mỹ, vùng đồng bằng phía Nam tiếp tục khô ráo bất thường, gây ảnh hưởng tới mùa vụ lúa mỳ trong khu vực. Khu vực biển Đen vẫn tiếp tục nhận được lượng mưa dồi dào nhưng một số khu vực tại Nga đang đối mặt với tình trạng băng giá, gây ảnh hưởng tới lúa mỳ tại đây.
Theo Rosstat, trong niên vụ 2020/21, Nga đã thu hoạch 63.2 triệu tấn lúa mỳ vụ đông và 22.7 triệu tấn lúa mỳ vụ xuân. Bộ Nông nghiệp Nga cho biết, dự kiến diện tích gieo trồng lúa mỳ vụ đông niên vụ 2021/22 sẽ đạt 19.3 triệu ha, cao hơn 0.6% so với niên vụ 2020/21.

Nguồn: VITIC/Reuters