Tại Đà Lạt, những ngày qua do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài khiến diện tích rau màu trên địa bàn hư hại đáng kể. Cũng vì thế mà rau xanh trở thành mặt hàng đắt đỏ.
Tại các khu vực chuyên canh rau chủ lực của Đà Lạt như Phước Thành, Đa Thiện, Thánh Mẫu (Phường 7 và Phường 8), giá các loại rau xanh như xà lách, bó xôi, cải thảo,… tăng gấp đôi so với 1 tháng trước đó.
Một tiểu thương tại chợ Đà Lạt cho biết, một số loại rau ăn như: xà lách cô rôn,xà lách xoong, lô lô xanh có giá từ 25.000 - 40.000 đồng/kg tăng 12.000 đồng so với tháng trước, súp lơ xanh có giá 25.000 đồng/bông tăng 10.000 đồng, bó xôicó giá 25.000 - 30.000 đồng/bó tăng 10.000 đồng,…
Cũng theo các tiểu thương ở đây, nguyên nhân giá tăng do thời gian qua do mưa lớn kéo dài nhiều đợt khiến cho diện tích rau, củ bị hư hại, dập nát. Mặc dù không bị nặng, nhưng đầu mối cung cấp rau cho TP Đà Lạt chủ yếu là các vùng chuyên canh rau chủ lực trên địa bàn TP giảm mạnh về sản lượng và trở nên khan hiếm. Không chỉ tăng giá mạnh, nhiều loại rau cũng không có để bán, tiểu thương nhiều lúc cũng phải tranh mua mới có hàng nhập về.
Theo thống kê, toàn tỉnh Lâm Đồng hiện có 65.000 ha rau các loại, sản lượng 2,273 triệu tấn/năm, phân bốchủ yếu ở các vùng như TP Đà Lạt, huyện Đơn Dương,…
Trên thị trường nấm, hiện nay nấm Trung Quốc chiếm lĩnh thị trường. Mỗi năm, Việt Nam nhập khẩu (NK) một lượng rất lớn nấm các loại, trong đó chủ yếu từ Trung Quốc. Những loại nấm NK từ Trung Quốc, có giá chỉ bằng 50 - 70% so với cùng chủng loại SX tại Việt Nam, có thời gian bảo quản được công bố có thể kéo dài từ 30 - 45 ngày, lâu gấp 3 - 6 lần so với sản phẩm cùng chủng loại có cùng điều kiện bảo quản được SX trong nước.
Theo tổng hợp không chính thức của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nấm (Viện Di truyền Nông nghiệp), hiện nay tại Việt Nam có khoảng 15 - 16 loại nấm ăn thông dụng trên thị trường.
Trong đó, có thể tạm chia thành 2 nhóm: Một là nhóm các loại nấm được SX phổ biến tại Việt Nam như nấm rơm, nấm sò, nấm hương, mộc nhĩ... Đây là những loài nấm có thể SX trong điều kiện thời tiết tự nhiên, được nhiều cơ sở, hộ gia đình SX phổ biến trên khắp cả nước với sản lượng hàng năm khoảng 250 nghìn tấn.
Nhóm nấm thứ hai là nhóm các loại nấm không thể (hoặc rất khó) SX trong điều kiện tự nhiên tại Việt Nam như nấm đùi gà, nấm kim châm, nấm đông cô, nấm thủy tiên (hay còn gọi là nấm ngọc châm, linh chi nâu, linh chi trắng), nấm bạch tuyết (hay gọi là nấm hải sản), nấm mỡ, nấm tuyết... Đây là những loại nấm phải SX công nghiệp trong nhà lạnh, với điều kiện nhiệt độ phải luôn dao động từ 6 - 8 độ C, kèm theo dây chuyền công nghệ nuôi phải chủ động điều tiết các điều kiện về độ ẩm, ánh sáng, chế độ chăm sóc...
Những năm gần đây, tại Việt Nam cũng đã và đang xuất hiện một số đơn vị, DN đầu tư dây chuyền công nghệ SX nấm trong nhà lạnh với quy mô công nghiệp. Tuy nhiên, số lượng cả nước mới chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Cụ thể ở phía Bắc, hiện chỉ có 2 Cty lớn chuyên SX nấm kim châm và đùi gà tại Hà Nội và Quảng Ninh có sản lượng đáng kể, cùng một số cơ sở SX nấm đùi gà có sản lượng rất nhỏ. Ngoài ra, tại một số nơi tại Tây Nguyên như Lâm Đồng, Đăk Nông thời gian gần đây cũng chỉ có vài Cty mới thành lập để SX nấm lạnh công nghiệp như nấm mỡ, nấm thủy tiên, kim châm... tuy nhiên sản lượng/ngày gần như không đáng kể.
Theo ước tính, tổng sản lượng các loại nấm công nghiệp, SX trong nhà lạnh công nghiệp tại Việt Nam hiện nay ước chỉ khoảng 15 - 20 tấn/ngày, chiếm chưa tới 20% tổng lượng tiêu thụ của dòng nấm lạnh, SX công nghiệp hiện nay trên thị trường.
Chính vì vậy, các loại nấm thông dụng trên thị trường bán lẻ hiện nay như nấm đùi gà, kim châm, linh chi, bạch tuyết, đông cô, nấm mỡ... chủ yếu vẫn là hàng NK, trong đó áp đảo vẫn là NK từ Trung Quốc.
Theo báo cáo của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho thấy, giá trị nhập khẩu rau quả tháng 5 của Việt Nam đạt 228 triệu USD, đưa tổng giá trị mặt hàng này sau 5 tháng đầu năm lên 878 triệu USD, tăng 46% so với cùng kỳ năm 2018.
Trong đó, mặt hàng rau ước đạt 198 triệu USD, tăng 46,8% so với cùng kỳ 2018 và mặt hàng quả đạt 655 triệu USD, tăng 48,7% so với cùng kỳ năm 2018.
Thái Lan vẫn dẫn đầu thị trường nhập khẩu rau quả của Việt Nam khi chiếm 45,11% thị phần, tiếp đến là Trung Quốc, Mỹ, Australia.
Ở chiều ngược lại, giá trị xuất khẩu rau quả 5 tháng đầu năm 2019 ước đạt 1,83 tỷ USD, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm 2018.
Trung Quốc vẫn dẫn đầu về thị trường nhập khẩu rau quả của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2019 với 74,26% thị phần. Tiếp đến là Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản.
Nguồn: VITIC tổng hợp/Tin tức Nông nghiệp, Vietnambiz

Nguồn: Vinanet