Thông tin từ TTXVN, do chịu tác động của thị trường xuất khẩu, thời gian gần đây, giá ốc hương thương phẩm tại nhiều vùng nuôi trồng thủy sản của tỉnh Khánh Hòa đã xuống thấp kỷ lục, chỉ còn 135.000 đồng/kg.
Một số hộ chuyên nuôi ốc hương tại xã Cam Thịnh Đông (thành phố Cam Ranh) cho biết, từ khoảng 2 tháng trước, giá ốc hương liên tục giảm và hiện ở mức nói trên. Đây là một trong những đợt giá ốc giảm thấp kỷ lục trong nhiều năm qua và cũng chưa có dấu hiệu hồi phục. Với mức giá này, người nuôi phải đạt năng suất cao, bị hao hụt ít mới đảm bảo có lãi.
Nguyên nhân của tình trạng trên là do mặt hàng ốc hương hiện đang gặp khó khăn trong việc xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc theo đường tiểu ngạch.
Trước thực trạng này, nhiều hộ nuôi ốc phải chuyển sang nuôi cá, tôm thay thế. Ngoài giá ốc xuống thấp, người dân còn phải đối mặt với tình trạng ốc nuôi bị chết hàng loạt vì dịch bệnh.
Theo Chi cục Thuỷ sản tỉnh Khánh Hoà, toàn tỉnh hiện có trên 660 ha nuôi ốc hương thương phẩm với sản lượng 1.600 tấn (tính trong 9 tháng đầu năm 2019); trong đó, tập trung chủ yếu tại địa bàn thành phố Cam Ranh, huyện Vạn Ninh, thị xã Ninh Hòa.
Nuôi ốc hương thương phẩm trong những năm qua đã đem lại lợi nhuận khá tốt cho người dân địa phương, với giá bán bình quân 180.000 – 200.000 đồng/kg, người nuôi có thể thu về khoảng 1 tỷ đồng tiền lãi trên 3.000m2 diện tích đìa nuôi.
Dẫn nguồn tin từ Agromonitor, thị trường cá vảy: cá điêu hồng, cá lóc tăng nhẹ. Cụ thể, tại Đồng Tháp cá điêu hồng cỡ 700 – 800 gr/con tăng 1.500 đ/kg lên 33.500 đ/kg, cá lóc tăng 1.000 đ/kg lên 39 – 41.000 đ/kg; tại An Giang giá 34 – 46.000 đ/kg; tại Hậu Giang giá ổn định 33.000 đồng/kg, cá lóc tăng 1.000 đ/kg lên 40 – 41.000 đ/kg; tại Vĩnh Long giá ổn định 36.000 đồng/kg; Sóc Trăng cá lóc ổn định 37.000 đ/kg; Cần Thơ giá cá thát lát ổn định 56.000 đ/kg (ao nuôi).
Cá tra nguyên liệu, các công ty lớn tại Đồng Tháp vẫn giữ giá ổn định trong khung từ 19.200 – 19.700 đ/kg.
Theo nguồn tin Thanh Niên, sau khi giảm trong những tháng đầu năm, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Trung Quốc bắt đầu phục hồi trở lại.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết, từ tháng 5 đến tháng 8/2019, xuất khẩu tôm sang thị trường Trung Quốc đạt mức tăng trưởng hai con số. Cụ thể tháng 8/2019, con tôm Việt Nam xuất sang Trung Quốc tăng 30% và đạt 51,4 triệu USD. Tính chung 8 tháng năm 2019, Việt Nam đã xuất khẩu tôm sang thị trường này đạt 336,5 triệu USD, tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong những tháng đầu năm 2019, Trung Quốc siết chặt thương mại đường biên mậu và kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt khiến xuất khẩu tôm sang thị trường này bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, Trung Quốc tăng mạnh nhập khẩu tôm từ Ecuador và Ấn Độ cũng phần nào khiến số lượng tôm Việt Nam sang Trung Quốc những tháng đầu năm chưa thể tăng.
Tuy nhiên kể từ tháng 5/2019, nhu cầu nhập khẩu tôm từ Việt Nam của Trung Quốc cao hơn. Các doanh nghiệp trong nước cũng đã bắt kịp yêu cầu thị trường và có sự điều chỉnh tốt hơn. Vì vậy lượng tôm Việt Nam sang thị trường Trung Quốc đã đạt được các mức tăng trưởng dương.
Số liệu từ Hải quan Trung Quốc, tháng 8/2019, nước này nhập khẩu 63.000 tấn tôm nước ấm đông lạnh, trị giá 372 triệu USD. Tổng cộng 8 tháng năm 2019, Trung Quốc đã nhập 378.000 tấn tôm nước ấm đông lạnh với trị giá 2,29 tỉ USD, tăng 234% về khối lượng và 185% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Việc gia tăng nhập tôm của Trung Quốc 8 tháng năm 2019 do các nhà mua hàng từ nước này tăng cường số lượng để chế biến, phục vụ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu dịp Tết Nguyên đán.
Hiện Ecuador là nguồn cung tôm nước ấm đông lạnh lớn nhất, chiếm khoảng 50% tổng nhập khẩu tôm loại này vào Trung Quốc. Đứng thứ hai là Ấn Độ, chiếm 25% và Saudi Arabia là nguồn cung tôm nước ấm đông lạnh lớn thứ ba, chiếm 7%. Lượng nhập khẩu tôm vào Trung Quốc từ Ecuador và Ấn Độ trong 8 tháng đầu năm nay tăng từ 200 - 300% so với cùng kỳ năm ngoái.
Vasep dự báo, con tôm Việt Nam sang Trung Quốc từ nay đến cuối năm dự kiến vẫn duy trì đà tăng trưởng dương. Các doanh nghiệp cần chủ động cập nhật các yêu cầu, quy định mới của Trung Quốc và có sự điều chỉnh phù hợp để duy trì kim ngạch sang thị trường này.
Dẫn nguồn tin từ Báo đầu tư, Tổng cục Hải quan Trung Quốc vừa có thông báo công bố 665 doanh nghiệp thủy sản của Việt Nam đủ điều kiện xuất khẩu thủy sản sang thị trường này.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP), Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã đăng thông tin thông báo, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Nafiqad) đã rà soát, gửi lại danh sách 665 doanh nghiệp thuỷ sản Việt Nam đủ điều kiện xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Theo đó, Nafiqad đã đề nghị bỏ 15 doanh nghiệp khỏi danh sách 680 doanh nghiệp trước đó đủ điều kiện xuất khẩu sang Trung Quốc, do các doanh nghiệp hiện đã giải thể.
Việc Trung Quốc siết chặt thương mại biên mậu và kiểm soát chất lượng khiến xuất khẩu thủy sản sang thị trường này trong những tháng đầu năm 2019 bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, từ tháng 6/2019 đã tăng trở lại do thị trường Trung Quốc đã bắt kịp yêu cầu và có sự điều chỉnh tốt hơn khi nhu cầu tăng. Dự báo, xuất khẩu sẽ tiếp tục tăng mạnh lên trong nửa cuối năm và đạt mức 1,2 tỷ USD.
Theo thỏa thuận của cơ quan quản lý hai nước, thủy sản xuất nhập khẩu giữa hai nước cần phải đáp ứng 2 điều kiện, gồm: Sản phẩm thủy sản phải được sản xuất tại cơ sở có tên trong danh sách được phép xuất khẩu do Nafiqad công nhận; từng lô hàng thủy sản khi xuất khẩu phải kèm theo Chứng thư an toàn thực phẩm do Nafiqad cấp.
Hàng quý, Nafiqad và Tổng cục Hải quan Trung Quốc sẽ cập nhật và thông báo định kỳ cho nhau để xem xét và công nhận danh sách các cơ sở sản xuất chế biến thủy sản xuất khẩu. Hải quan Trung Quốc sẽ cập nhật danh sách lên website của họ để Hải quan cửa khẩu căn cứ vào đó cho thông quan.
Ngoài ra, Hải quan Trung Quốc còn yêu cầu thủy hải sản xuất khẩu của Việt Nam phải nằm trong danh mục 120 loài đã được đánh giá và cho phép nhập khẩu vào Trung Quốc.
Bên cạnh đó, thủy sản nhập khẩu vào Trung Quốc phải có chứng nhận kiểm dịch, giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O), bao bì đóng gói phải có tiếng Trung và tiếng Anh, phù hợp với tiêu chuẩn đóng gói của Trung Quốc...
Nguồn: VITIC