Còn hơn khoảng 1 tháng nữa, nhãn sẽ cho thu hoạch. Theo nguồn tin từ Báo Hải Dương, sản lượng nhãn của Tp Chí Linh (Hải Dương) năm nay ước giảm hơn 1.000 tấn so với năm trước chỉ đạt 700 tấn. Nguyên nhân do thời tiết không thuận lợi, tỷ lệ nhãn ra hoa chỉ đạt 30%.
Năm nay, nhiều diện dích nhãn của TP Chí Linh không ra hoa
TP Chí Linh có khoảng 750 ha nhãn tập trung ở các xã, phường phía bắc quốc lộ 18 là Hoàng Hoa Thám, Hoàng Tiến, Bắc An, Bến Tắm. Người dân chủ yếu trồng giống nhãn Hương Chi cho năng suất, chất lượng cao.
Đối với trái vải, theo Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương), Trung Quốc có diện tích trồng và sản lượng quả vải hàng năm lớn nhất thế giới. Vải được trồng nhiều ở các tỉnh vùng phía Nam sông Trường Giang như Quảng Đông, Quảng Tây, Phúc Kiến, Hải Nam và một số tỉnh khác với sản lượng ít hơn như Tứ Xuyên, Quý Châu và Vân Nam.

ky luc 10 nam vai thieu bac giang mat mua gia tang manh

Vụ thu hoạch vải tại Trung Quốc thường bắt đầu từ giữa tháng 02 đến cuối tháng 7 hàng năm, sớm và kéo dài hơn so với vụ thu hoạch vải của Việt Nam do điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu và giống vải phong phú hơn. Năm 2018, diện tích trồng vải của Trung Quốc khoảng 542.000 ha với sản lượng đạt khoảng 2,3 triệu tấn, mức cao kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây. Tuy nhiên, Trung Quốc hàng năm vẫn nhập khẩu quả vải tươi từ các thị trường khác, trong đó phần lớn là từ Việt Nam.
Do mùa đông 2018 ấm, khô và ít mưa, khả năng ra hoa của cây vải trong vụ mùa năm 2019 tại các địa phương có diện tích trồng và sản lượng lớn đạt tỉ lệ thấp, dẫn đến sản lượng quả vải tại nội địa Trung Quốc giảm (sản lượng vải tại Quảng Đông – địa phương chiếm khoảng 50% tổng sản lượng vải Trung Quốc giảm khoảng 40% so với năm 2018).
Theo số liệu ghi nhận được từ Kho dữ liệu giá cả nông sản, Bộ Thương mại Trung Quốc gần đây, giá vải bán buôn (ngày 27/5/2019) tại các chợ đầu mối một số địa phương của Trung Quốc dao động từ 12 Nhân dân tệ (NDT)/kg đến 31 NDT/kg. Trong đó, giá vải tại Chiết Giang vào khoảng 12 NDT/kg; Quảng Đông, Giang Tô và Bắc Kinh lần lượt là 17 NDT/kg, 20 NDT/kg và 25 NDT/kg; tỉnh An Huy ghi nhận mức giá cao nhất trong ngày, đạt 31 NDT/kg (01 NDT hiện tương đương với khoảng 3.380 VNĐ).
Thông lệ các năm trước, thời điểm cuối vụ (từ giữa tháng 6 đến cuối tháng 7), giá vải nội địa thị trường Trung Quốc thường sẽ giảm so với các thời điểm trước đó do quả vải cuối vụ có chất lượng không bằng. Tuy nhiên, với diễn biến giá cả và sản lượng thực tế năm 2019, giá quả vải bình quân tại thị trường nội địa Trung Quốc năm nay dự kiến sẽ cao hơn năm 2018.
Đây chính là một trong những nguyên nhân khiến các thương nhân Trung Quốc tìm đến các vùng vải của Bắc Giang, Hải Dương để thu mua, đẩy giá vải đầu mùa lên mức khá cao.
Hiện đã vào chính vụ thu hoạch mận hậu, nhưng giá vẫn luôn duy trì ổn định ở mức 30.000 – 35.000 đồng/kg, với mức giá này năm nay giá mận cao hơn so với năm ngoái.

Hiện nay diện tích mận hậu ở tỉnh Sơn La đạt trên 4.000 ha, trong đó 2.823 ha cho sản phẩm, năng suất đạt gần 10 tấn/ha, sản lượng trên 28.000 tấn. Cây mận được người dân trồng chủ yếu ở các huyện Mộc Châu, Vân Hồ, Yên Châu, Thuận Châu, TP.Sơn La và đây cũng là những địa bàn có cây mận sinh trưởng tốt, cho chất lượng quả ngọt, giòn nhất.
Để nâng cao giá trị, uy tín của sản phẩm mận Sơn La trên thị trường, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân phát triển sản xuất, chế biến, kinh doanh, nâng cao thu nhập, làm giàu cho người trồng mận, Sở Khoa học và Công nghệ Sơn La đang làm hồ sơ bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận “Mận Sơn La” cho các dòng sản phẩm về mận.
Tại Bình Thuận, giá thanh long ở mức cao nhất kể từ đầu năm đến nay. Theo nguồn tin từ Sở NN – PTNT bình Thuận, hiện giá thanh long trên địa bàn tỉnh dao động từ 27.000 – 30.000 đồng/kg (tùy loại) cao nhất từ đầu năm đến nay và gấp đôi so với thời điểm năm ngoái. Nguyên nhân giá thanh long tăng mạnh là do nguồn cung khan hiếm, lượng thu mua không đủ để cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu.

Kết quả hình ảnh cho thanh long bình thuận

PGĐ phụ trách Trung tâm nghiên cứu phát triển cây thanh long Bình Thuận cho biết, thời điểm này thanh long đang ở pha cuối (vụ thanh long nghịch) nên hầu hết bà con đã dừng chong đèn. Còn đối với diện tích thanh long vào hàng mùa (vụ chính) sớm thì đang ra bông hoặc trái còn xanh, cho nên chưa thu hoạch được.
Với mức giá 30.000 đồng/kg sau khi trừ chi phí, nông dân trồng thanh long có lãi trên 50%.
Được biết, Bình Thuận là thủ phủ cây thanh long của cả nước, với diện tích hiện trên 30.000 ha, trong đó gần 9.000 ha thanh long đạt chứng nhận VietGAP và từ 1.500-2.000 ha thanh long đã và đang làm tiêu chuẩn GlobalGAP.
Xuất khẩu rau quả của Việt Nam để chinh phục được những thị trường khó tính là bài toán khó. Đối với thị trường Mỹ, mở cửa thị trường này đã khó, giữ được thị trường còn khó hơn khi xoài Việt giá cao phải cạnh tranh khốc liệt với xoài các nước tại Mỹ.

Được biết, hồ sơ mở cửa thị trường Mỹ cho quả xoài tươi được Việt Nam nộp từ năm 2004 (cùng với chôm chôm, nhãn, vải, vú sữa, đã được mở cửa), đến ngày 18/4/2019, chúng ta mới có lô xoài đầu tiên với khối lượng 8 tấn xoài xuất khẩu chính thức sang Mỹ. Đến nay, đã có khoảng 130 tấn xoài các loại xuất khẩu thành công sang Mỹ từ 5 tỉnh, thành: Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ, Tiền Giang, Vĩnh Long.
Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu II (Cục Bảo vệ thực vật), cho biết có 12 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu xoài sang Mỹ. Tất cả lô hàng xuất tuân thủ tốt quy định của Mỹ, chưa có lô nào bị phát hiện vi phạm. Chỉ có một số rất ít bị hư hỏng do doanh nghiệp chưa có kinh nghiệm, đưa xoài cát Hòa Lộc quá chín nên không để được lâu.
Đáng chú ý, trong số khoảng 130 tấn xoài đã xuất, lượng hàng của Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Xuất nhập khẩu Vina T&T (TP HCM) chiếm gần 80 tấn. Tổng giám đốc của Cty này cho biết, ngoài vận chuyển bằng hàng không, Công ty có 2 lô hàng đi bằng đường biển. Lô đầu tiên sau 23 ngày trên biển đã được đưa đến các chợ, siêu thị tại Mỹ với chất lượng tốt là tín hiệu thành công trong công tác bảo quản. Đây là lô xoài tượng da xanh (còn gọi là xoài ba màu), người tiêu dùng mua về có thể ăn tươi, làm gỏi hoặc chờ trái chín để ăn. Công ty xác định xoài tượng da xanh là mặt hàng chủ lực sau khi đã xuất khẩu thử nghiệm 4 loại sang Mỹ gồm: cát Hòa Lộc, cát chu, tượng da xanh và xoài keo. Trong đó, xoài cát chu không có khả năng cạnh tranh do tương tự xoài Mexico giá rẻ; xoài cát Hòa Lộc giá cao thuộc nhóm đặc sản vẫn bán được nhưng số lượng ít; xoài keo bán được cho khách Mỹ gốc châu Á với số lượng vừa phải.
Theo Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, đánh giá Mỹ là thị trường quan trọng của trái cây Việt Nam. Năm 2018, Mỹ chỉ xếp sau Trung Quốc và cao hơn Nhật Bản, Hàn Quốc. Việc mở cửa thị trường đòi hỏi đầu tư nhiều thời gian và công sức nên nếu không đáp ứng các yêu cầu nhập khẩu thì nguy cơ đánh mất thị trường sẽ rất cao. Phó Cục trưởng cũng cho biết thêm, cục Bảo vệ thực vật khuyến cáo các doanh nghiệp tuân thủ quy định để giữ thị trường và uy tín cho trái cây Việt. Hiện bưởi, bơ tươi đang được đàm phán tiếp tục vào thị trường Mỹ".
Trên thị trường thế giới, tại Trung Quốc giá táo tăng khi tồn kho sụt giảm. Giá táo gần đây tăng trên khắp các thị trường Trung Quốc. Giá tăng khá mạnh phá vỡ những kỷ lục lịch sử. Mức độ tăng phụ thuộc vào loại táo, diện tích trồng và hương vị. Số liệu cho thấy giá táo từ các kho ở khu vực sản xuất liên tục tăng kể từ lễ hội mùa xuân Trung Quốc.
Ông Yang Jun, nhà phân tích dữ liệu tại Zhuochuang Information, giải thích rằng giá táo Trung Quốc đã đạt đến đỉnh cao lịch sử sau tháng 4/2019. Diện tích dành cho sản xuất táo tại Trung Quốc là rất lớn. Táo là một trong những loại trái cây quan trọng nhất ở Trung Quốc. Giá táo đã tương đối ổn định trong những năm gần đây, nhưng năm nay đã phá vỡ tất cả các kỷ lục của những năm trước.
Yang Jun cũng chỉ ra rằng tình trạng tương tự đã xảy ra vào năm 2014. Lý do chính khiến giá tăng nhanh là sản lượng hạn chế trong năm trước, dẫn đến lượng táo trong kho ít hơn.
Cùng với trái táo, giá chuối tại quốc gia này cũng sẽ vẫn duy trì ở mức cao trong tuần. Giá chuối Trung Quốc tại một số khu vực sản xuất đã trải qua những biến động đáng kể trong tuần qua. Giá tăng nhanh vào đầu tuần, đặc biệt là ở Hải Nam, Trạm Giang ở Quảng Đông và Xishuangbanna ở Vân Nam. Giá chuối chất lượng hàng đầu dao động từ 4 CNY(0,58 USD)/kg đến trên 5 CNY (0,72 USD)/kg. Giá giữ ở mức cao trong vài ngày sau đó giảm do áp lực thị trường tăng lên. Giá giảm mạnh nhất ở Hải Nam, nhưng Quảng Đông, Vân Nam và Lào nhanh chóng theo sau. Mặc dù khu vực sản xuất và thị trường tiêu thụ ở xa nhau nhưng liên hệ rất chặt chẽ với nhau. Giá chuối trong khu vực sản xuất tăng quá cao, thì thị trường cũng tăng giá theo và ngược lại. Do đó, việc tăng giá quá nhanh dễ dàng kéo theo sự sụt giảm nhanh chóng cho đến khi giá ổn định. Các khu vực sản xuất chuối ở phía tây nam Trung Quốc đang gần cuối mùa sản xuất. Nguồn cung từ Quảng Tây vẫn chưa vào thị trường với khối lượng lớn. Lượng cung tổng thể từ Hải Nam và Quảng Đông bị hạn chế. Do đó, giá chuối dự kiến sẽ duy trì ở mức tương đối cao.
Nguồn: VITIC tổng hợp/Nông thôn Việt Nam, Báo Hải Dương

Nguồn: Vinanet