Từ đầu năm ngoái, giá cá trong nước đã có xu hướng tích cực và tiếp diễn tới cuối năm. Bên cạnh đó, diện tích nuôi trồng cá tra khu vực đồng bằng sông Cửu Long tăng 3,1% trong năm 2017, lên mức 6.078 ha và tổng sản lượng là 1.252 triệu tấn, tăng 5,4% so với năm 2016.
VASEP cho biết, có một số thay đổi trong những thị trường xuất khẩu chính. Các đơn hàng cá tra sang Mỹ giảm 10% do ảnh hưởng của chương trình xiết chặt kiểm soát với hàng cá da trơn nhập khẩu từ Việt Nam do nước này áp dụng.
Trong khi đó, thị trường châu Âu vẫn còn chút bất ổn do các thông tin sai lệch về ngành sản xuất cá tra Việt Nam.
Năm qua, Trung Quốc vượt Mỹ để trở thành thị trường chính nhập khẩu cá tra của Việt Nam với kim ngạch đạt 420 triệu USD, tăng 37% so với năm trước.
Giá cá tra cuối năm 2017 vẫn duy trì ở mức cao khiến người nuôi trồng được lợi lớn, nguyên nhân chính là do các doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu cuối năm.
Đầu năm 2018, xuất khẩu cá tra vẫn duy trì nhịp độ tốt, dự báo giá cá sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao và nhu cầu từ thị trường Trung Quốc sẽ tăng lên. Tuy nhiên, doanh nghiệp xuất khẩu cũng cần biết rằng, sở dĩ thị trường Trung Quốc tăng nhập khẩu từ Việt Nam là do mặt hàng cá tra đã được chấp nhận, đã đạt tiêu chuẩn chất lượng tại các thị trường Mỹ và châu Âu, nếu để mất 2 thị trường này đồng nghĩa với việc đánh mất xác nhận về giá trị chất lượng của cá tra Việt Nam và sẽ mất uy tín với không chỉ hai nước trên, với thị trường Trung Quốc và các thị trường mới nổi khác.
Nguồn: Vietnamexport.com