Ông Trần Quốc Toản, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương đã chia sẻ như vậy với phóng viên Báo Công Thương về tình hình xuất khẩu gạo năm 2021.

Thưa ông, năm 2020 được coi là năm ”được mùa” cho xuất khẩu gạo khi giá trị hạt gạo xuất khẩu tăng cao. Theo ông, yếu tố nào đã giúp mang lại kết quả khả quan cho xuất khẩu gạo năm 2020?
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan thì năm 2020 gạo xuất khẩu 6,25 triệu tấn và mức giá xuất khẩu bình quân 499 USD/tấn, tăng khoảng 13,3% so với năm 2019. Mức giá gạo của Việt Nam tăng một phần do dịch bệnh ảnh hưởng đến nguồn cung của thế giới dẫn đến sự đứt gãy chuỗi cung ứng ở một số khu vực. Bên cạnh đó, một số nước sản xuất gạo bị ảnh hưởng bởi tình hình thiên tai, dịch bệnh. Sự thiếu hụt container trong các tháng cuối năm 2020 cũng ảnh hưởng đến giá gạo xuất khẩu nói chung.
Về yếu tố chủ quan, do ảnh hưởng chung của tình hình thế giới, Việt Nam cũng bị tác động, song cũng đã chủ động thích ứng với mọi tình hình. Trong đó nhiều doanh nghiệp của chúng ta đã sản xuất được các loại gạo lượng cao, đảm bảo được vấn đề về an toàn vệ sinh thực phẩm, kiểm dịch thực vật, truy xuất nguồn gốc sản phẩm.Bên cạnh đó, chúng ta đã có sự chuyển dịch cơ cấu chủng loại từ gạo có phẩm cấp thấp sang các loại gạo có chất lượng, giá trị gia tăng cao. Đến nay, gạo thơm của chúng ta đã chiếm đến trên 2,6% trong tổng xuất khẩu.
Bên cạnh đó, các yếu tố về nội lực, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo đã có sự thay đổi, thích ứng. Trong thời gian vừa qua, các doanh nghiệp đã có sự liên kết với nhau để tạo ra một chuỗi liên kết sản xuất các sản phẩm đạt chất lượng cao, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Bên cạnh đó, sự chủ động của bà con nông dân trong việc thích ứng với tình hình mới cũng như tiếp nhận công nghệ thông tin để áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã giúp sản xuất ra các sản phẩm theo tín hiệu của thị trường, đáp ứng được tiêu chuẩn khắt khe. Ngoài ra, một yếu tố nữa là sự vào cuộc kịp thời của Chính phủ, sự phối hợp với các bộ, ngành trong việc điều hành đã tác động và giúp giá trị xuất khẩu gạo tăng cao.
Với những thành tích đó, ông dự báo ra sao về tình hình xuất khẩu gạo năm 2021?
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong tháng 1 năm 2021 đạt 348 nghìn tấn, trị giá 192 triệu USD, giảm 12,4% về lượng và 0,6% về trị giá, đây là thời điểm cận tết nguyên đán 2021, các giao dịch mua bán trong và ngoài nước có phần chững lại như thông lệ mọi năm.Tuy nhiên giá xuất khẩu bình quân đạt khoảng 552 USD/tấn, tăng 13,5%, tương đương mức tăng 66 USD/tấn so với cùng kỳ năm 2020.
Đồng thời, theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, trong năm 2021, nhu cầu dự trữ và sử dụng gạo sẽ tăng 1% so với năm 2020.
Trong năm 2020 cũng như tháng đầu năm 2021 thì giá gạo không chỉ của Việt Nam mà của Thái Lan, Ấn Độ cũng đều có sự gia tăng cao và đây là ba nước xuất khẩu gạo cao nhất thế giới. Đối với gạo Việt Nam, tôi tin tưởng rằng trong thời gian tới, chúng ta có đủ sức cạnh tranh với gạo của các nước như Thái Lan, Ấn Độ trên thị trường thế giới. Bởi vì chúng ta đã có sự chủ động trong việc nâng cao chất lượng, giá trị hạt gạo, đáp ứng nhu cầu thị trường. Đồng thời, chúng ta đã xây dựng được thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường thế giới với nhiều thương hiệu gạo ngon hàng đầu thế giới như ST 24, ST25… Đồng thời, trong thời gian qua, các Hiệp hội, doanh nghiệp xuất khẩu gạo đã tích cực trong việc tìm kiếm thị trường cũng như thay đổi chủ động thay đổi các chủng loại gạo xuất khẩu để phù hợp hình cái nhu cầu nhập khẩu cũng như đáp ứng các yêu cầu khắt khe của thị trường.
Trên tinh thần đó, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục theo dõi thông tin thị trường trong nước cũng như quốc tế để kịp thời cung cấp đến các Hiệp hội, các doanh nghiệp xuất nhập để cùng phối hợp với các bộ, ngành có liên quan cũng như các địa phương trong công tác điều hành xuất khẩu gạo thời gian tới sao cho tốt nhất để đảm bảo được vấn đề an ninh quốc gia, vì lợi ích cho người trồng lúa.
Để tận dụng được hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) nhằm gia tăng lượng xuất khẩu gạo, sắp tới, Bộ Công Thương sẽ có những giải pháp gì, thưa ông?
Thời gian tới, để khai thác tối đa các lợi thế mà ta đã có được trong các các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, UKVFTA, VKFTA... nhằm nâng cao thị phần xuất khẩu gạo Việt Nam tại các thị trường này với mức giá cạnh tranh hơn, Bộ Công Thương mong muốn và kỳ vọng doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam tăng cường hơn nữa sự chủ động của mình trong việc tận dụng các cơ hội thị trường nêu trên.
Để làm được điều này, về phía Bộ Công Thương, với chức năng, nhiệm vụ được giao, Bộ Công Thương đã, đang và sẽ chủ trì, phối hợp cùng các Bộ, ngành, Hiệp hội Lương thực Việt Nam triển khai và hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện hiệu quả các FTA đã ký kết để tận dụng tối đa cơ hội thị trường như Hàn Quốc, EU, v.v..., đồng thời triển khai thực hiện các biện pháp, giải pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động xuất khẩu gạo (về cơ chế chính sách, tháo gỡ rào cản kỹ thuật và thương mại, nội luật hóa các cam kết quốc tế, thủ tục hải quan, logistics, tín dụng…). Nếu tận dụng tốt các cơ hội thị trường này, năm 2021 Việt Nam có thể xuất khẩu đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã được Quốc hội, Chính phủ phê duyệt.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương tiếp tục chủ động phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - là cơ quan được giao chủ trì về công tác sản xuất tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp liên quan đến tái cơ cấu ngành lúa gạo, nâng cao giá trị và chất lượng gạo Việt Nam, xây dựng và phát triển thương hiệu gạo Việt Nam,… nhằm tạo tiền đề cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo khai thác tốt thị trường.
Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cũng như người nông dân, cần phải lưu ý thực hiện các giải pháp như Chủ động tìm hiểu về các FTAs thông qua việc tham gia các chương trình phổ biến, hội nghị, hội thảo, khóa tập huấn do Bộ Công Thương và các đơn vị phối hợp tổ chức; chủ động nghiên cứu và thực hiện tốt văn bản hướng dẫn thực thi FTAs của Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan, đặc biệt là CPTPP, EVFTA, RCEP; tra cứu tài liệu, thông tin cập nhật về Hiệp định, cơ hội thị trường tại trang thông tin điện tử của Bộ Công Thương .
Chủ động chuẩn bị năng lực, nguồn hàng, nâng cao sức cạnh tranh thông qua việc xây dựng kế hoạch dài hạn, bài bản, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh thông qua ứng dụng khoa học và công nghệ nhằm gia tăng giá trị sản phẩm, học tập, áp dụng các mô hình thành công đã có để có sự chuẩn bị tốt nhất khi phải đối mặt với áp lực cạnh tranh ngay trên “sân nhà”.
Tự giác thực hiện nghiêm túc và tuân thủ chặt chẽ các quy định về truy xuất nguồn gốc; tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong khâu sản xuất, chế biến của mình để phục vụ xuất khẩu; đồng thời kiểm soát tốt vấn đề về kiểm dịch thực vật, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong toàn bộ chuỗi bảo quản, chế biến để có gạo hàng hóa chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của các nước nhập khẩu. Bên cạnh đó, phải nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm thông qua chất lượng và giá cả, đồng thời xây dựng và bảo vệ được thương hiệu để thúc đẩy xuất khẩu bền vững, duy trì và đa dạng hóa được thị trường.
Chủ động hợp tác, liên kết để nâng cao sức mạnh, tạo chuỗi cung ứng thông qua thúc đẩy liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và người nông dân, hộ sản xuất, từ đó hoàn thiện “chuỗi giá trị” gạo từ sản xuất, nuôi trồng, chế biến và phân phối tới người tiêu dùng nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm.
Đặc biệt, doanh nghiệp cần chuẩn bị các biện pháp đối phó với các vụ kiện về phòng vệ thương mại thông qua việc theo dõi tình hình thị trường, giá cả, các điều kiện trong giao thương, nâng cao năng lực.
Xin cảm ơn ông!
Phương Lan (thực hiện)

Nguồn: congthuong.vn