Theo thông tin mà Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) vừa phát đi: Tổng giá trị xuất khẩu lâm sản 11 tháng năm 2019 ước đạt 10,24 tỷ USD, tăng 20,5% so với cùng kỳ 2018. Trong đó, gỗ và sản phẩm gỗ đạt 9,64 tỷ USD; lâm sản ngoài gỗ đạt 600 triệu USD.
Xuất siêu lâm sản trong 11 tháng qua đạt 7,949 tỷ USD. Ước cả năm giá trị xuất khẩu lâm sản đạt 11 tỷ USD.
Từ đầu năm đến nay, lâm sản Việt Nam được xuất khẩu sang trên 140 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các thị trường xuất khẩu lâm sản chính của Việt Nam gồm: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU và Hàn Quốc. Tổng giá trị xuất khẩu sang các thị trường này ước đạt 8,9 tỷ USD, chiếm khoảng 87% tổng giá trị xuất khẩu lâm sản.
Xung quanh câu chuyện chế biến, xuất khẩu gỗ của Việt Nam, ông Nguyễn Quốc Trị, Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp đánh giá: Việc tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã mang lại nhiều cơ hội cho ngành chế biến, xuất khẩu gỗ. Ngoài ra, việc phát triển diện tích rừng có chứng chỉ cũng góp phần nâng cao uy tín của sản phẩm gỗ Việt.
Đến nay, Tổng cục Lâm nghiệp đã hoàn thành hồ sơ hợp tác với Chương trình chứng thực chứng nhận tiêu chuẩn rừng (PEFC), xây dựng hệ thống tài liệu để vận hành hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia.
Hiện, tổng diện tích rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững đạt 249.163ha trên địa bàn 22 tỉnh. Trong đó, từ đầu năm 2019 đến nay, đã cấp 22.924 ha trên địa bàn 9 tỉnh gồm: Hà Giang, Yên Bái, Tuyên Quang, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Huế, Quảng Trị, Quảng Nam, Bình Định.
“Tuyên Quang là tỉnh có diện tích cấp chứng chỉ rừng lớn nhất, trên 6.000ha. Nguồn nguyên liệu rừng trồng đã đáp ứng khoảng 75% nhu cầu nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến gỗ. Đây sẽ là nền tảng để chúng ta phát triển ngành chế biến, xuất khẩu gỗ minh bạch và bền vững trong tương lai”, ông Trị nhấn mạnh.
Nguồn: https://thoibaokinhdoanh.vn/thi-truong/xuat-khau-lam-san-tang-truong-hon-20-1063325.html