Giá dầu thô tăng mạnh kể từ đầu năm nay nhờ tác động từ thỏa thuận giảm sản lượng của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), tình hình chiến sự căng thẳng tại Libya và lệnh trừng phạt của Mỹ lên Iran, Venezuela.
Chốt phiên 18/4, dầu Brent, WTI lần lượt có giá 71,97 USD và 64 USD/thùng, tăng gần 30% và 40% do thị trường dầu thô đang bị thắt chặt. Nói cách khác, tình trạng dư thừa nguồn cung dần biến mất, cân bằng cung – cầu trở về mức cân bằng, thậm chí có nguy cơ thiếu hụt.
Điều gì khiến tình thế trên thị trường “quay ngoắt 180 độ” như vậy?
Bất ổn tại Libya
“Với tôi, rủi ro lớn hiện nay đối với thị trường dầu mỏ là tình hình bất ổn tại Libya. Hoạt động sản xuất dầu tại quốc gia này vẫn chưa bị gián đoạn nhưng tôi cho rằng đó chỉ là vấn đề thời gian. Lực lượng vũ trang tự xưng ở phía Đông rất quyết tâm chiếm lấy Tripoli. Khi điều này xảy ra, rủi ro nguồn cung bị gián đoạn là không thể tránh khỏi”, chuyên gia phân tích dầu Stephen Brennock tại công ty PVM Oil Associates, trả lời phỏng vấn CNBC.
Hai tuần trước, tướng Khalifa Haftar, người chỉ huy lực lượng tự xưng Quân đội Quốc gia Libya, đã ra lệnh tấn công vào thủ đô Tripoli, khu vực mà quân đội chính phủ đang đóng chiếm.
Lybia rơi vào tình trạng chia rẽ chính trị và bạo lực leo thang kể từ sau cuộc chính biến năm 2011 lật đổ chế độ của nhà độc tài Moamer Gadhafi. Lực lượng tự xưng trung thành với Tướng Haftar ủng hộ chính quyền miền Đông đối trọng lại với quân đội của chính phủ đương thời ở miền Tây được Liên hợp quốc hậu thuẫn.
Những mâu thuẫn tại Libya, một trong những nước sản xuất dầu chính của thế giới, khiến thị trường ngày càng lo sợ về rủi ro nguồn cung dầu thô sẽ bị thiếu hụt trầm trọng.
Lệnh trừng phạt của Mỹ với Iran, Venezuela
“Thị trường dầu thô đang rất được hỗ trợ, nguồn cung khá hạn hẹp và chúng tôi dự đoán rằn giá sẽ nằm trong ngưỡng 70 USD/thùng trong suốt quý II và III, tùy thuộc vào diễn biến địa chính trị trên thế giới. Thị trường đang và sẽ có rất nhiều biến số”, ông Edward Morse, trưởng phòng nghiên cứu hàng hóa tại Citi Group, cho biết.
Một trong những biến số đó là liệu chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump gia hạn quy định miễn trừng phạt đối với 8 khách hàng mua dầu của Iran hay không. Hạn chót để ông Trump ra quyết định là ngày 2/5. Về vấn đề này, ông Morse tin rằng Mỹ sẽ tập trung vào lệnh trừng phạt Venezuela nên có thể nhẹ tay với Iran.
Đồng tình với ông Morse, chuyên gia kinh tế học toàn cầu Cailin Birch của Economist Intelligence Unit cho rằng lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran là điều đáng lo ngại nhất và cũng là vấn đề quan trọng nhất đối với nguồn cung dầu hiện nay.
Tuy nhiên, theo ông Birch, trong bối cảnh chính sách ngoại giao của Mỹ lâu nay vẫn khó đoán định, có khả năng lớn chính quyền ông Trump sẽ gỡ bỏ quy định miễn trừng phạt đối với các khách hàng lớn của Iran mà nước này từng ban hành hồi tháng 11/2018.
Trong khi đó, Venezuela, nước có dự trữ dầu mỏ lớn nhất thế giới, vừa phải đối mặt với khủng hoảng kinh tế cũng vừa phải hứng chịu lệnh trừng phạt của Mỹ. Ngành dầu mỏ của quốc gia này gặp rắc rối lớn sau khi Mỹ công bố biện pháp cấm vận nhằm vào tập đoàn dầu khí quốc gia Venezuela, bao gồm đóng băng 7 tỷ USD tài sản của tập đoàn ở Mỹ và giới hạn các giao dịch của tập đoàn này.
Sự kiện “thiên nga đen”
Nhiều nhà quan sát thị trường dự đoán rằng Washington sẽ siết trừng phạt với Iran và Venezuela, dù nguồn cung dầu thô đang thiếu hụt. Vì vậy, bất kỳ sự giảm sút nào trong sản lượng dầu của Libya, Iran hay Venezuela cũng sẽ khiến thị trường bị thắt chặt quá mức và giá sẽ tăng “phi mã”, ông Brennock của PVM Oil Associates, nói.
“Đây có thể trở thành một sự kiện ‘thiên nga đen’ vì nó sẽ buộc OPEC và các đồng minh phải tái vận hành các giàn khoan dầu”. Cuối năm 2018, vì giá dầu lao dốc nên OPEC+ quyết định “hồi sinh” cam kết giảm 1,2 triệu thùng dầu/ngày đến hết tháng 6.
“Những gì chúng ta rút ra được từ diễn biến thị trường năm 2018 là OPEC có khả năng tăng sản lượng rất nhanh cũng như có thể giảm sản lượng rất mạnh. Nói cách khác, họ có độ linh hoạt rất lớn trong sản xuất dầu. Trung Quốc có thể kích thích kinh tế và cũng có thể giảm đòn bẩy. Tương tự, Mỹ có lúc giữ thái độ kiên quyết, rồi có lúc thể hiện tiếng nói ôn hòa”, trưởng phòng nghiên cứu hàng hóa Jeff Currie tại Goldman Sachs nhận định.
Theo ông Currie, việc các nhà hoạch định chính sách quyết định tiến bước hay lùi bước là phụ thuộc vào bảng cân đối ngân sách của mỗi quốc gia. Vì vậy, đây cũng chính là rủi ro thực sự đối với thị trường dầu thô hiện nay.
Nguồn: Người đồng hành