An ninh lương thực của châu Á đang đối mặt mối đe dọa từ một loại sâu bướm được gọi là sâu xanh mùa thu (fall armyworm, tạm gọi tắt là FAW), loại sâu bệnh trước đây chỉ tồn tại ở châu Mỹ và mới xuất hiện ở châu Phi đầu năm 2016. 
Đến đầu năm 2018, theo các chuyên gia, loài sâu bướm gây hại này đã phá hoại nhiều cánh đồng bắp, lúa miến và cây kê ở nhiều nước châu Phi thời gian qua. Gần như toàn bộ khu vực châu Phi Hạ Sahara trở thành nạn nhân của sâu bướm này. Tổ chức Nông Lương Liên Hiệp Quốc (FAO) cho biết FAW có thể gây hại đến khoảng 80 loại cây trồng, trong đó có cả mía, đậu nành, củ cải...
Tại châu Á, FAW xuất hiện đầu tiên tại Ấn Độ vào năm ngoái và đang lan đến Thái Lan, Trung Quốc. Diễn biến này khiến bà Uraporn Nounart, chuyên gia về sâu bệnh tại Bộ Nông nghiệp Thái Lan, không khỏi lo lắng. "Chúng tôi chưa từng đối mặt loài này trước đó. Chúng chỉ mới bị phát hiện ở đây vào cuối năm ngoái và đầu năm nay. Đây là vấn đề nghiêm trọng" - bà Uraporn nói với hãng tin AP trong chuyến đi gần đây đến tỉnh Kanchanaburi - nơi FAW đang xuất hiện tại không ít cánh đồng. Trong chuyến đi này, bà Uraporn và nhóm khoa học gia trẻ tuổi của mình thu thập FAW và trứng để giám sát. "Chúng tôi chưa từng nhìn thấy sâu bệnh nào như thế trước đây" - một nông dân tên Sanae than thở. 
Sự xâm nhập của loài sâu bệnh này đe dọa đến thu nhập của nông dân, không chỉ ở Thái Lan mà còn ở nhiều nơi khác. Việc sử dụng thuốc trừ sâu vừa tốn kém, độc hại nhưng không phải lúc nào cũng hiệu quả. FAO dự định tổ chức một hội nghị ở Bangkok trong tuần này để giúp chia sẻ thông tin và chiến lược đối phó FAW - một nhiệm vụ được xem là khẩn cấp lúc này. 
Theo FAO, châu Á hiện có 200 triệu ha bắp và lúa được trồng mỗi năm. Đáng chú ý, bắp đang là cây lương thực và là nguồn thức ăn quan trọng cho gia súc, gia cầm. Châu lục này hiện cũng có đến 80% đất nông nghiệp được nông dân canh tác nhỏ. Bà Kundhavi Kadiresan, trợ lý tổng giám đốc FAO, cảnh báo không thể phớt lờ mối đe dọa từ FAW vì nó có thể đe dọa đến hàng triệu nông dân quy mô nhỏ đang dựa vào cây trồng của mình để có lương thực và thu nhập tại châu Á. Đáng chú ý, theo Reuters, miền Nam Trung Quốc và Đông Nam Á là những khu vực có nguy cơ bị FAW "tấn công" cao nhất do khí hậu tại đó. 
Đó là lý do bà Marjon Fredrix, chuyên gia của FAO, nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc thực thi những biện pháp khống chế một khi FAW "xâm lược" một quốc gia nào đó. Dù vậy, bà Fredrix cũng cảnh báo về nguy cơ FAW tiếp tục lan rộng sang những nơi khác bởi sâu bướm trưởng thành của nó có thể bay hơn 100 km/đêm hoặc xa hơn nếu có gió.
Kịch bản tốt nhất, theo bà Fredrix, là nông dân tìm thấy FAW khi còn non để có thể kiểm soát chúng hiệu quả. FAO đã phát triển một ứng dụng hướng dẫn những điều cơ bản về phương thức phát hiện và xử lý FAW. "Nông dân cần phát triển những kỹ năng để ứng phó với FAW trong lâu dài" - bà Fredrix nhận định. Tại châu Phi, FAO đang hỗ trợ hơn 30 dự án đối phó FAW. Một số chuyên gia FAO nhận định những gì cơ quan này đang làm ở châu Phi có thể được áp dụng tại châu Á, như giúp các nông dân và chính phủ giảm sát tốt hơn FAW và giảm bớt thiệt hại do chúng gây ra.

Nguồn: Hoàng Phương/Người lao động