ASF và những hệ lụy
Trong hơn 1 năm qua, Dịch tả heo châu Phi đã càn quét qua khắp thế giới, và châu Á đã nhận những hậu quả cực kỳ nặng nề. Đàn heo sụt giảm dẫn đến sản lượng thức ăn cũng giảm nghiêm trọng. Tại Trung Quốc, quốc gia bị tàn phá nghiêm trọng nhất, sản lượng thức ăn chăn nuôi dành cho heo đã giảm đến 35%. Việt Nam cũng chứng kiến sự sụt giảm 21% tổng sản lượng, chỉ còn 8,7 triệu tấn, so với 11 triệu tấn trong năm 2018.
Sự sụt giảm của những nhà sản xuất thức ăn cho heo tại Châu Á Thái Bình Dương đã kéo tổng sản lượng thức ăn chăn nuôi toàn cầu sụt giảm 1% so với năm trước. Châu Á đã giảm 5,5% tổng sản lượng, và khu vực Trung Đông cũng suy giảm 5,8%. Trong khi đó, châu Phi lại tăng trưởng đáng kể với 7,5%. Các khu vực khác không có nhiều thay đổi.
Những sự tăng trưởng đáng kể
Với sự sụt giảm của ngành chăn nuôi heo, thế giới phải tìm kiếm nguồn protein khác thay thế. Lượng thức ăn chăn nuôi cho gà, bò và thủy sản đều có sự tăng trưởng. Đáng chú ý, Châu Á Thái Bình Dương đã sản xuất nhiều hơn năm 2018 đến 1,5 triệu tấn thức ăn thủy sản, với Trung Quốc, Việt Nam và Bangladesh dẫn đầu. Đây cũng là 3 nước bị thiệt hại nặng nề nhất từ ASF, và vì thế việc chuyển hướng sang Thủy sản là một nước đi phù hợp nhằm đáp ứng nhu cầu về thịt cá trên bàn ăn.
Tại châu Âu, sản lượng thức ăn thủy sản sụt giảm do nước Nga giảm việc canh tác thủy sản, thay vào đó là nhập khẩu.
Châu Á Thái Bình Dương vẫn là khu vực sản xuất thức ăn chăn nuôi cho gia cầm lớn, và trong cơn thiếu hụt thịt heo, ngành chăn nuôi gia cầm cũng bùng nổ mạnh mẽ. Sản lượng thức ăn dành cho cả gà đẻ lẫn gà thịt của Châu Á đã lớn hơn tổng các khu vực còn lại.
Những bước chuyển mình
Số liệu về sản lượng thức ăn chăn nuôi toàn cầu cũng nêu ra nhiều thay đổi đang tuôn chảy khắp năm châu. Tại châu Âu, những làn sóng về quyền lợi động vật và lo ngại về thay đổi môi trường đã thúc đẩy xu thế ăn chay, giảm nhu cầu thịt trong các bữa ăn, và qua đó gây ảnh hưởng không nhỏ lên ngành chăn nuôi. Trong khi đó, tại Nam Mỹ, những lo ngại về các thực phẩm biến đổi gien (GMOs) đã tạo nên phong trào minh bạch về nguồn gốc và quy trình sản xuất thức ăn.
Một vấn đề đáng quan tâm trong năm qua là cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, làm chao đảo nền kinh tế toàn cầu. Mỹ gần như đã mất hết các thỏa thuận thương mại về chăn nuôi đối với Trung Quốc, và dự báo sẽ cần vài năm để phục hồi. Trong khi đó, Trung Quốc đã mở cửa thị trường thịt cho các nước Nam Mỹ , qua đó thúc đẩy ngành chăn nuôi và thức ăn chăn nuôi tại đây phát triển mạnh.
Tại Malaysia, Bangladesh, Brunei, Indonesia và cả Singapore, ngành chăn nuôi đang gióng hồi chuông báo động về tình trạng nhiễm kim loại nặng trong thức ăn chăn nuôi và thải ra môi trường. Do đó, những nhà hoạch địch chăn nuôi của các nước này đang thúc đẩy việc sử dụng vi khoáng hữu cơ nhằm nâng cao chất lượng ngành chăn nuôi.
Sự can thiệp của chính phủ các nước
Trong năm qua, sự can thiệp của chính phủ các nước đang trở nên rõ rệt hơn. Tại Trung Quốc, chính phủ đang hướng đến việc chăn nuôi heo tập trung bằng việc hỗ trợ cho các tập đoàn lớn chăn nuôi heo kỹ thuật cao để phục vụ nhu cầu khổng lồ trong nước. Trong khi đó tại Hà Lan, Ba Lan và Hy Lạp, chính phủ lại đang tìm cách giảm tổng đàn chăn nuôi nhằm hạn chế các tác hại đến môi trường.
Tại Bắc Mỹ, Canada đã đưa ra loại thuế mới nhắm vào lượng carbon thải ra, điều này đã ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi của quốc gia này. Còn tại Mỹ, Bộ Nông Nghiệp cũng đã đưa ra những chính sách thắt chặt việc sử dụng kháng sinh, hướng đến một nền chăn nuôi sạch hơn.
Biến đổi khí hậu và công nghệ của tương lai
Nhiều nơi trên thế giới như Úc, Chile, Ireland, Hà Lan, Romania, Anh, Ma Rốc, Nam Phi, một phần nước Mỹ,… đang trải qua những đợt khô hạn hiếm thấy trong lịch sử. Có thể thấy những tác động của biến đổi khí hậu đang thật sự tác động lên mọi mặt của đời sống mà ngành chăn nuôi chính là tiền tuyến của cuộc chiến nhằm duy trì một hành tinh xanh.
Những xu thế áp dụng công nghệ vào chăn nuôi đang diễn ra khắp nơi. Việc ứng dụng điện toán đám mây nhằm theo dõi thông tin về vật nuôi đang diễn ra toàn thế giới. Tại Bắc Mỹ, máy bay không người lái (Drone) được đưa vào nhằm theo dõi việc chăn thả các đàn gia súc trên đồng cỏ, và các máy vắt sữa tự động được đưa vào sử dụng trong các trang trại bò sữa lớn nhằm tiết kiệm nhân công. Ở phía xa hơn, công nghệ đang được phát triển nhằm có thể theo dõi an toàn sinh học, giảm khí nhà kính. Và đầu năm 2020, câu chuyện ứng dụng Blockchain nhằm tăng giá trị của ngành nông nghiệp đang là đề tài được thảo luận trên toàn thế giới.

Nguồn: Hồ Khoa/Nhachannuoi.vn