Xuất khẩu
Trong tháng 7, xuất khẩu cà phê thế giới giảm 11% xuống 10,61 triệu bao so với cùng kì năm 2019, trong đó xuất khẩu cà phê arabica giảm 7,6% xuống 6,65 triệu bao và xuất khẩu robusta giảm 16,1% xuống 3,96 triệu bao.
Xuất khẩu cà phê arabica tại Colombia giảm 1,4% xuống 1,21 triệu bao và tại Brazil giảm 0,1% xuống 3,2 triệu bao. Trong khi đó, xuất khẩu arabica của các quốc gia khác ghi nhận mức giảm lớn nhất trong tháng 7, giảm 19% xuống 2,24 triệu bao.
Trong 5 nhà xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới trong tháng 7, các lô hàng của Colombia, Ethiopia và Indonesia đều tăng trong khi các lô hàng của Brazil và Việt Nam giảm.
Xuất khẩu cà phê toàn cầu trong 10 tháng đầu năm 2019 - 2020 đạt 106,59 triệu bao, thấp hơn 5,3% so với cùng kì niên vụ 2018 - 2019. Cụ thể, xuất khẩu cà phê robusta giảm 2% xuống 40,9 triệu bao so với cùng kì.
Xuất khẩu cà phê arabica của Colombia giảm 6,6% xuống 11,74 triệu bao, của Brazil giảm 5,8% xuống 32,54 triệu bao và của các quốc gia khác giảm 9,7% xuống 21,41 triệu bao trong 10 tháng đầu năm.
Sản lượng

Nguồn: ICO

Sản lượng cà phê thế giới ước tính đạt 169,34 triệu bao trong niên vụ 2019 - 2020, thấp hơn 2,2% so với niên vụ trước. Dự báo sản lượng cà phê arabica giảm 5% xuống 95,99 triệu bao trong khi sản lượng robusta tăng 1,9% lên 73,36 triệu bao.
Sản lượng cà phê dự kiến sẽ giảm ở tất cả các khu vực ngoại trừ châu Á & châu Đại Dương với sản xuất ước tính tăng 2,2% lên 50,92 triệu bao. Châu Phi ước tính thu hoạch 18,83 triệu bao cà phê, giảm 0,2% so với niên vụ 2018 - 2019. Sản lượng ở Trung Mỹ & Mexico dự báo giảm 4,6% xuống 20,73 triệu bao và ở Nam Mỹ giảm 4,6% xuống 78,87 triệu bao.
Châu Á & châu Đại Dương
Việt Nam là nhà sản xuất cà phê lớn nhất tại khu vực châu Á & châu Đại Dương với sản lượng năm 2019 - 2020 ước tính tăng 0,7% lên 31,5 triệu bao. Điều này là nhờ việc thu hoạch cà phê tại Việt Nam đã kết thúc trước khi đại dịch toàn cầu bùng phát, đồng thời những giống cây mới đem lại năng suất cao hơn và giá cả của những loại cây trồng như hạt tiêu kém cạnh tranh.
Sản lượng cà phê của Indonesia ước tính tăng 16,5% lên 11,2 triệu bao do thời tiết thuận lợi và giá cả robusta ổn định.
Sản lượng của hai nhà sản xuất lớn nhất tiếp theo tại khu vực là Ấn Độ và Papua New Guinea dự kiến giảm lần lượt 2,5% và 19,2% xuống 5,85 triệu bao và 752.000 bao.
Tổng xuất khẩu cà phê của khu vực trong 10 tháng đầu năm đạt 34,1 triệu bao, thấp hơn 4,2% so với cùng kì niên vụ 2018/19 do sự cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường quốc tế.

Nguồn: ICO

Châu Phi
Sản lượng của hai quốc gia sản xuất cà phê lớn nhất châu Phi, Ethiopia và Uganda, dự kiến tăng. Vụ thu hoạch của Ethiopia ước tính tăng 2,1% lên 7,7 triệu bao do thời tiết thuận lợi và dịch vụ khuyến nông được cải thiện.
Sản lượng của Uganda ước tính đạt 4,9 triệu bao, cao hơn 4,2% so với năm ngoái và ghi nhận năm tăng thứ hai liên tiếp. Thời tiết thuận lợi và lứa cây đến độ trưởng thành đã nâng cao sản lượng ở Uganda.
Tuy nhiên, sản lượng từ Côte d'Ivoire dự báo giảm 10,2% xuống 2,2 triệu bao và từ Tanzania giảm 23,4% xuống 900.000 bao.
Tổng xuất khẩu từ khu vực này ước tính tăng 5,1% lên 11,65 triệu bao trong 10 tháng đầu năm.
Trung Mỹ và Mexico
Sản lượng cà phê dự kiến sẽ giảm tại 4/5 nhà sản xuất cà phê lớn nhất khu vực Trung Mỹ và Mexico.
Vụ thu hoạch của Honduras ước tính giảm 7,2% xuống 6,8 triệu bao, ghi nhận năm thứ hai giảm liên tiếp do giá thấp và nguồn cung lao động hạn chế không khuyến khích người nông dân thu hoạch cà phê.
Sản lượng tại Mexico ước tính giảm 5,8% xuống 4,1 triệu bao, tại Guatemala giảm 1,2% xuống 3,96 triệu bao và tại Nicaragua giảm 3,7% xuống 2,7 triệu bao. Tuy nhiên, thu hoạch của Costa Rica được ước tính tăng 5,1% lên 1,5 triệu bao nhờ thời tiết thuận lợi và lượng mưa lớn.
Xuất khẩu của khu vực đạt 14,2 triệu bao trong 10 tháng đầu năm 2019 - 2020, thấp hơn 9,3% so với năm 2018 - 2019.
Nam Mỹ
Sản lượng từ Brazil, nhà sản xuất cà phê lớn nhất Nam Mỹ và thế giới, giảm 10,9% xuống 58 triệu bao trong niên vụ 2019 - 2020 kết thúc vào tháng 3/2020. Sản lượng cà phê arabica giảm 17,4% xuống 37,12 triệu bao do không phải năm sản xuất chính của chu kì sản xuất hai năm một lần nhưng sản lượng robusta tăng 3,4% lên 20,88 triệu bao.
Vụ thu hoạch năm 2020 - 2021 của Brazil dự kiến sẽ không bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch COVID-19 với sản lượng dự đoán sẽ ở mức tương đương với các vụ mùa trước đó.
Sản lượng của Colombia dự kiến tăng 1,7% lên 14,1 triệu bao trong năm 2019 - 2020. Tổng xuất khẩu từ khu vực này ước tính giảm 7,2% xuống 46,65 triệu bao trong 10 tháng đầu năm do sản lượng giảm cũng như sự chậm trễ trong vận chuyển.
Tiêu thụ
Tiêu thụ cà phê toàn cầu ước tính tăng 0,3% lên 168,39 triệu bao trong năm 2019 - 2020. Sau khi chỉ tăng 5% lên 167,84 triệu bao trong niên vụ 2018/19, nhu cầu cà phê có xu hướng tăng mạnh trong nửa đầu năm nay.
Nhu cầu tăng vọt khi đại dịch toàn cầu bùng phát và lượng tiêu thụ tại nhà đã giúp hạn chế sự sụt giảm trong nhu cầu.
Tuy nhiên nửa cuối năm 2019 - 2020 ngành cà phê phải đối mặt với áp lực liên tục từ suy thoái kinh tế toàn cầu và sự phục hồi hạn chế của thị trường xuất khẩu, do đó cán cân cung cầu ước tính thặng dư 952.000 bao.

Nguồn: Linh Giang / Theo Kinh tế & Tiêu dùng