Đầu năm nay, cùng với sự bùng nổ của xe điện và xu hướng sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, đại dịch Covid-19 khiến mức tiêu thụ dầu thô hàng ngày giảm 1/3 so với cùng kỳ năm ngoái. Các dự báo về nhu cầu tiêu thụ dầu trong dài hạn cũng vì thế mà bị điều chỉnh giảm. Một số quan chức của OPEC, tổ chức quyền lực nhất trong thế giới dầu mỏ, cũng phải băn khoăn về câu hỏi liệu sự đổ vỡ nghiêm trọng trong nhu cầu tiêu thụ dầu có phải là thay đổi vĩnh viễn hay không và làm sao để quản lý thị trường dầu một cách tốt nhất nếu kỷ nguyên dầu thô sắp kết thúc.
"Mọi người đang sống trong hiện thực mới và họ phải cố gắng để thích nghi với điều đó. Trong tâm trí của tất cả tay chơi lớn trên thị trường dầu mỏ có thể đều tồn tại suy nghĩ rằng nhu cầu tiêu thụ dầu sẽ không bao giờ phục hồi hoàn toàn", một nguồn tin thân cận với OPEC nói với Reuters.
Để hiểu rõ hơn vấn đề này, Reuters phỏng vấn 7 quan chức từng và đang làm việc trong OPEC cùng một số nguồn tin khác có liên quan. Họ cho biết việc giá dầu từng rơi xuống dưới 16 USD/thùng vì dịch Covid-19 đã khiến hội đồng OPEC và 13 nước thành viên phải đặt dấu hỏi cho những dự báo trước đó về triển vọng tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ dầu trong dài hạn.
12 năm trước, các nước thành viên OPEC từng kiếm bộn tiền khi giá dầu đạt đỉnh là trên 145 USD/thùng nhờ nhu cầu tăng vọt. Nhưng họ sẽ phải đối mặt với sự điều chỉnh đáng kể nếu nhu cầu tiêu thụ bắt đầu giảm liên tục. OPEC sẽ phải xoay xở để tăng cường hợp tác với các nhà sản xuất khác như Nga nhằm bù đắp cho tình trạng doanh thu giảm. Đồng thời, họ sẽ phải đảm bảo các mối quan hệ giữa các thành viên không bị xáo trộn bởi bất kỳ mâu thuẫn nào, từ đó mới có thể bảo vệ thị phần trong một ngành công nghiệp đang bị thu hẹp.
"Nhiệm vụ của OPEC sẽ khó khăn hơn trong thời gian tới vì nhu cầu giảm và các nước nằm ngoài OPEC đang tăng cường sản xuất", ông Hasan Qabazard, giám đốc nghiên cứu của OPEC nhiệm kỳ 2016 - 2013, nói. Ông hiện là cố vấn cho các quỹ đầu tư và ngân hàng đầu tư về chính sách của OPEC.
Theo một quan chức khác đang phụ trách nghiên cứu năng lượng tại bộ dầu mỏ của một thành viên lớn thuộc OPEC, cú sốc vừa qua trong nhu cầu dầu đã khiến hành vi của người tiêu dùng thay đổi vĩnh viễn. Thời gian này khó có thể diễn biến khác đi.
"Nhu cầu tiêu thụ dầu sẽ không trở lại mức như trước khi khủng hoảng xảy ra hoặc sẽ phải mất nhiều thời gian để điều đó thành hiện thực. Lo ngại chính hiện nay là liệu nhu cầu dầu có thể đạt đỉnh trong vài năm tới hay không khi mà tiến bộ khoa học công nghệ, đặc biệt là pin ôtô, đang phát triển nhanh chóng".
Năm 2019, thế giới tiêu thụ 99,7 triệu thùng dầu/ngày và OPEC từng dự đoán con số này sẽ đạt 101 triệu thùng/ngày trong năm nay.
Tuy nhiên, việc nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng lệnh phong tỏa để ngăn chặn Covid-19 khiến la liệt máy bay phải nằm đắp chiếu và đường phố gần như không một bóng người. Theo đó, OPEC hạ dự báo nhu cầu tiêu thụ dầu trong năm nay xuống 91 triệu thùng/ngày, và đến năm 2021, con số này vẫn dưới mức của năm 2019. Nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu năm 2019 - 2021. Ảnh: Reuters.
Bao giờ thị trường dầu đạt đỉnh
Các quốc gia sản xuất dầu, giới chuyên gia phân tích về năng lượng và cả doanh nghiệp dầu khí từ lâu vẫn cố gắng dự báo thời điểm thị trường dầu sẽ đạt đỉnh, cũng là thời điểm mà sau đó nhu cầu tiêu thụ bắt đầu giảm dần. Tuy nhiên, nhu cầu lại tăng đều đặn mỗi năm nếu không tính thời kỳ suy thoái kinh tế.
Tuy nhiên, OPEC vẫn phải hạ kỳ vọng. Năm 2007, hiệp hội dự báo nhu cầu tiêu thụ dầu của thế giới sẽ đạt 118 triệu thùng/ngày vào năm 2030. Cuối năm ngoái, con số này bị hạ xuống 108,3 triệu thùng/ngày. Một nguồn tin từ OPEC cho biết hiệp hội có thể tiếp tục hạ dự báo thêm một lần nữa.Dự báo nhu cầu tiêu thụ dầu dài hạn của OPEC. Ảnh: Reuters.
Ngoài OPEC, những dự báo về triển vọng tiêu thụ dầu thậm chí đa dạng hơn nữa. Các doanh nghiệp dầu khí hạ triển vọng giá dầu thô trong dài hạn dựa trên phán đoán về nhu cầu trong tương lai. Công ty cố vấn toàn cầu DNV GL cho rằng nhu cầu đã chạm đỉnh vào năm 2019.
Những thách thức với "vàng đen" của thế giới
Thị phần của dầu thô trên thị trường năng lượng toàn cầu có xu hướng giảm liên tục trong những thập kỷ gần đây, từ khoảng 40% vào năm 1994 xuống còn 33% trong năm 2019, dù khối lượng tiêu thụ tăng lên vì số lượng ôtô lưu thông nhiều hơn, du lịch hàng không phát triển...
Điều này có lẽ đang dần thay đổi do xe điện xuất hiện nhiều hơn trong khi ngành hàng không chật vật giữa đại dịch. Hiệp hội Vận tải hàng không Quốc tế dự báo du lịch hàng không sẽ không thể trở lại mức của năm 2019 ít nhất cho tới năm 2023.
"Một khi ngành hàng không phục hồi vào cuối năm 2023, nhu cầu tiêu thụ dầu sẽ trở lại mức bình thường nếu không bị cạnh tranh bởi các loại năng lượng khác", theo một quan chức khác tại OPEC phụ trách việc dự báo. Ông cho biết rất khó để đưa ra dự báo trong thời kỳ mà người dân có xu hướng sử dụng năng lượng tái tạo và các nhiên liệu khác nhiều hơn.

Thị phần của dầu trong nhu cầu tiêu thụ năng lượng toàn cầu. Ảnh: Reuters.

OPEC vì thế gặp càng nhiều thách thức. Hầu hết thành viên trong hiệp hội đều phụ thuộc lớn vào dầu thô. Dù đã phục hồi lên hơn 40 USD/thùng, giá dầu hiện vẫn thấp hơn nhiều mức mà hầu hết chính phủ các nước thành viên cần để cân bằng ngân sách của họ, kể cả Arab Saudi.
Với sản lượng dầu chiếm khoảng 1/3 nguồn cung thế giới, OPEC không còn lạ lẫm gì với các cuộc khủng hoảng. Tổ chức này từng phải giải quyết cú sốc nguồn cung trong thời gian diễn ra các cuộc xung đột Vùng Vịnh vào những năm 1980, 1990 và 2000. Họ cũng từng tìm ra cách để đối phó khi các nước sản xuất ngoài OPEC, như Mỹ, đua nhau sản xuất dầu trong thập kỷ trước.
Gần đây nhất, khi đại dịch Covid-19 kéo giảm nhu cầu, OPEC và Nga cùng các đồng minh khác, còn gọi là OPEC+, đồng ý giảm sản lượng kỷ lục 9,7 triệu thùng/ngày, tương đương 10% nguồn cung toàn cầu. Thỏa thuận này có hiệu lực tới cuối tháng 7.
Tuy nhiên, những gì sắp diễn ra tới đây hứa hẹn là một bài kiểm tra mới đối với lòng can đảm của OPEC. Thay vì đối phó với những cú sốc một lần, OPEC giờ phải học cách sống chung với sự suy giảm trong dài hạn.
"Xu hướng này sẽ gây áp lực lên mối quan hệ hợp tác giữa các thành viên OPEC cũng như giữa hiệp hội và Nga, vì ai cũng cố gắng duy trì thị phần của mình", Chakib Kheli, người từng là bộ trưởng dầu mỏ của Algeria trong suốt 10 năm và từng là chủ tịch OPEC hai lần, nói.
OPEC cũng có thể phải đối mặt với một số thách thức ngắn hạn như cả Iran và Venezuela đều bị Mỹ trừng phạt và Libya bị tàn phá vì các cuộc xung đột nội bộ. Một số thách thức đến từ bên ngoài như OPEC vừa phải cố gắng ngăn dầu đá phiến của Mỹ chiếm thị phần vừa phải tìm cách giảm sản lượng để hỗ trợ giá.
"Nhiều thách thức đang ở phía trước và chúng ta phải chấp nhận", một đại biểu của OPEC cho hay. Theo người này, cách OPEC giải quyết những cuộc khủng hoảng trong quá khứ đều chứng tỏ rằng hiệp hội có khả năng đối phó với thách thức lần này. Trong khi đó, cựu giám đốc nghiên cứu của OPEC, Qabazard, cho rằng OPEC có thể cần thêm chút thời gian để điều chỉnh trước khi nhu cầu đạt đỉnh. Tuy nhiên, theo ông, hạn chót để OPEC thích nghi với tình hình hiện nay đang đến gần.
"Tôi nghĩ nhu cầu tiêu thụ sẽ không thể cao hơn 110 triệu thùng/ngày đến năm 2040. Đây là sự phá hủy vĩnh viễn đối với nhu cầu dầu", ông nói để ám chỉ rằng đại dịch Covid-19 đã thay đổi thói quen của người tiêu dùng. 

Nguồn: Thanh Long / Người đồng hành