Từ khi xuất hiện ở Trung Quốc vào tháng 8/2018 đến nay, dịch tả lợn Châu Phi đã khiến hơn 1 triệu con lợn tại thị trường này bị tiêu hủy, làm thay đổi toàn cảnh thương mại thịt toàn cầu.
Trung Quốc là nhà sản xuất thịt lợn lớn nhất thế giới, và thịt lợn là nguồn cung cấp protein chủ chốt của người dân nước này. Rabobank dự đoán sản lượng thịt lợn Trung Quốc sẽ giảm khoảng 30% trong năm 2019 (mức sụt giảm đó tương đương tổng cung thịt lợn hàng năm của Châu Âu), xuống chỉ 38 triệu tấn, so với 54 triệu tấn của năm 2018.
Trong khi đó, Bộ Nông nghiệp Mỹ dự đoán con số khiêm tốn hơn khi có rằng sản lượng thịt lợn Trung Quốc năm 2019 sẽ giảm 10%, tuy nhiên con số đó cũng tương đương 5,5 triệu tấn, tức là bằng hơn một nửa tổng thương mại thịt lợn toàn cầu hàng năm.
Thiếu thịt lợn, người tiêu dùng Trung Quốc sẽ phải chuyển sang các loại thịt khác như gia cầm, thịt bò, cá….Và các nguồn cung cấp thịt trên toàn cầu có thể sẽ chuyển hướng nhắm đến thị trường Trung Quốc để giải quyết tình trạng thiếu protein của nước này.
Do Trung Quốc sẽ phải mất ít nhất 3 năm để khôi phục ngành chăn nuôi lợn (nếu không có rủi ro nào khác). Như vậy, "Giá tất cả các thực phẩm cung cấp protein sẽ đều tăng lên. Chúng tôi dự đoán Trung Quốc sẽ phải nhập khẩu nhiều thịt lợn hơn, do đó nguồn cung ở những nước khác sẽ trở nên khan hiếm hơn, và giá sẽ tăng lên, không riêng với thịt lợn mà cả các loại thịt cá khác", chuyên gia Christine McCracken của Rabobank cho biết.
Trên thực tế, đã có một số dấu hiệu cho thấy nhu cầu thực phẩm ở Trung Quốc đang thay đổi để đối phó với cuộc khủng hoảng thịt lợn. Đó là nhu cầu thức ăn nuôi gia cầm và nuôi cá đã tăng trong năm 2018, báo hiệu sản lượng những thực phẩm này đang tăng lên, gần như chắc chắn là để thỏa mãn nhu cầu gia tăng. Trái lại, thức ăn nuôi lợn đã giảm khoảng 1%.
Bộ Nông nghiệp Trung Quốc tháng 3/2019 thông báo số lượng lợn nuôi trong tháng 2/2019 đã giảm 16,6% so với cùng kỳ năm ngoái, và lượng lợn nái giảm hơn 19%. Ở một số khu vực sản xuất chủ chốt như Sơn Đông, số lượng lợn nái tháng 2/2019 đã giảm 41% so với 7 tháng trước đó.
Theo Rabobank, sản lượng giảm đồng nghĩa Trung Quốc sẽ phải tăng nhập khẩu thịt lợn thêm 1,5 triệu tấn lên 4 triệu tấn trong năm nay, tức là toàn bộ nguồn cung có thể xuất khẩu trên toàn cầu. Và dù Trung Quốc có tăng nhập cả các loại thịt và cá khác thì sẽ vẫn thiếu hụt khoảng 10 triệu tấn. Các nước xuất khẩu dù có cố gắng gia tăng sản lượng cũng khó có thể đáp ứng nhu cầu tăng nhiều như vậy.
Còn theo USDA, Trung Quốc sẽ phải tăng nhập khẩu thịt lợn thêm 41% trong năm 2019, lên 2,2 triệu tấn.
Giá thịt lợn tại Trung Quốc tháng 3/2019 cũng đã tăng 37% so với cùng kỳ năm ngoái đẩy lạm phát tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 10/2018, nhập khẩu thịt lợn vào nước này cũng tăng mạnh đẩy giá lợn hơi ở những nước xuất khẩu tăng lên. Giá lợn tại Mỹ đã tăng 50%, mặc dù số lợn nái tăng 2%. Lý do bởi dự báo mức giảm sản lượng lợn của Trung Quốc năm 2019 sẽ nhiều hơn cả tổng sản lượng lợn của Mỹ. Sau Mỹ sẽ đến giá lợn Châu Âu cũng sẽ tăng.
Vậy nhưng không chỉ ở Trung Quốc, dịch tả lợn đang lanh nhanh sang các nước Đông Nam Á. Sau Việt Nam, Campuchia cũng đã thông báo có dịch bệnh này. Do đó, thị trường thịt toàn cầu sẽ càng chịu thêm áp lực thiếu cung và giá tăng.
Nguồn: Vân Chi/ CafeF/ Trí thức trẻ/Rabobank, USDA