Trên thế giới, giá cao su trên sàn Tokyo tiếp tục giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 2 tuần trong phiên cuối tháng giữa bối cảnh nhà đầu tư lo ngại Indonesia và Malaysia có thể tăng xuất khẩu sau một thời gian kiềm chế.
Kết thúc phiên, cao su kỳ hạn tháng 1/2020 trên sàn TOCOM giảm 0,9 JPY tương đương 0,5% xuống 177 JPY (1,63 USD)/kg, trong phiên có lúc chỉ 174,5 JPY, thấp nhất kể từ 16/7/2019.
Giá cao su trên sàn Singapore cũng giảm trong phiên vừa qua. Cụ thể, hợp đồng kỳ hạn tháng 8/2019 giảm 1,1% xuống 133,2 US cent/kg – thấp gần nhất kể từ 15/2/2019.
Đi ngược xu hướng này, giá cao su trên sàn Thượng Hải tăng trong phiên vừa qua, theo đó hợp đồng kỳ hạn tháng 9/2019 tăng 85 CNY lên 10.740 CNY/tấn.
Theo thỏa thuận bởi Hội đồng Cao su Quốc tế Ba bên (ITRC), Indonesia và Malaysia hạn chế xuất khẩu từ ngày 1/4/2019 kéo dài 4 tháng và kết thúc vào 31/7/2019. Thái Lan – nước xuất khẩu cao su hàng đầu thế giới cắt giảm xuất khẩu từ ngày 20/5/2019.
ITRC bao gồm Thái Lan, Indonesia và Malaysia sẽ họp tại Bangkok, Thái Lan vào tháng 8/2019 để xem xét giá, cung và cầu cao su toàn cầu, Bộ Kinh tế Indonesia cho biết.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ cắt giảm lãi suất trong ngày thứ tư (31/7/2019), song người đứng đầu ngân hàng trung ương Mỹ cho biết động thái này có thể không phải là khởi đầu của một chiến dịch dài để củng cố nền kinh tế trước những rủi ro bao gồm cả sự yếu kém toàn cầu.
Các nhà đàm phán Mỹ và Trung Quốc đã kết thúc vòng đàm phán thương mại ngắn với ít dấu hiệu tiến triển và đồng ý gặp lại vào tháng 9/2019, kéo dài cuộc chiến thương mại giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Thị trường nội địa, giá cao su nguyên liệu biến động nhẹ trong tháng cùng với xu hướng của thị trường thế giới.
Tại thủ phủ cao su Bình Phước, giá mủ nước ngày 17/7 tăng lên 265 đồng/độ, so với 260 đồng/độ vào đầu tháng. Giá mủ tại Đồng Nai không thay đổi ở mức 12.000 đồng/kg.
Về hoạt động xuất-nhập khẩu, trong tháng 7 và 7 tháng đầu năm tiếp tục khởi sắc ở cả hai lĩnh vực xuất và nhập.
Cụ thể, theo số liệu thống kê sơ bộ từ TCHQ, xuất khẩu cao su tháng 7/2019 của Việt Nam đạt 167,6 nghìn tấn, trị giá 234 triệu USD, tăng 36,5% về lượng và tăng 34,2% về trị giá so với tháng 6/2019 (trước đó tháng 6/2019 tăng 58,4% về lượng và 56,1% về trị giá). Giá xuất bình quân trong tháng 1396,53 USD/tấn, giảm 1,7% so với tháng 6/2019, nhưng so với tháng 7/2018 tăng 5,6%.
Nâng lượng cao su xuất khẩu 7 tháng đầu năm 2019 lên 781,7 nghìn tấn, trị giá trên 1 tỷ USD, tăng 10,7% về lượng và 6,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018. Giá xuất bình quân 1426,87 USD/tấn, giảm 3,5%.
Hiện Trung Quốc sử dụng khoảng 70% cao su tự nhiên cho ngành công nghiệp sản xuất lốp xe. Việc Mỹ áp thuế lên lốp xe nói riêng và các sản phẩm làm từ cao su nói chung của Trung Quốc khiến nhập khẩu cao su của nước này có xu hướng giảm. Theo Tổng cục Hải quan Trung Quốc, trong 4 tháng đầu năm 2019, Trung Quốc đã nhập gần 4,9 tỷ USD, giảm 7,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cũng theo số liệu thống kê sơ bộ từ TCHQ, 7 tháng đầu năm 2019 xuất khẩu cao su của Việt Nam sang Trung Quốc tăng cả lượng và trị giá, tuy nhiên giá xuất bình quân giảm 3,25% xuống còn 1358,18 USD/tấn, đạt 498,54 nghìn tấn, trị giá 677,11 triệu USD, tăng 9,62% về lượng và 6,05% trị giá so với cùng kỳ. Riêng tháng 7/2019, xuất khẩu cao su sang thị trường này tăng 63,31% về lượng và 60,58% trị giá tương ứng với 111,6 nghìn tấn, trị giá 153,50 triệu USD, tuy nhiên giá xuất bình quân giảm 1,67% so với tháng 6/2019 đạt 1374,92 USD/tấn; nếu so sánh với tháng 7/2018 thì cũng tăng 21,99% về lượng và tăng 29,45% trị giá, giá xuất bình quân tăng 6,12%. Đây cũng là thị trường chiếm thị phần lớn trên 63% tổng lượng nhóm hàng xuất khẩu.
Trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ – Trung ngày càng leo thang, để tránh phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, Bộ Công Thương khuyến nghị doanh nghiệp cần đa dạng hoá mặt hàng cũng như mở rộng thị trường xuất khẩu, trong đó lưu ý tới thị trường Ấn Độ, nơi có ngành sản xuất lốp xe đang phát triển nhanh. Theo số liệu từ TCHQ Việt Nam, 7 tháng đầu năm 2019 Ấn Độ là thị trường xuất khẩu lớn chỉ đứng thứ hai sau Trung Quốc, đạt 66,47 nghìn tấn, trị giá 95,38 triệu USD, tăng 76,44% về lượng và 65,47% về trị giá, giá xuất bình quân giảm 6,22% chỉ có 1434,79 USD/tấn. Riêng tháng 7/2019 cũng đã xuất sang Ấn Độ 14,2 nghìn tấn, trị giá 21,35 triệu USD, tăng 2,55% về lượng và tăng 2,46% trị giá so với tháng 6/2019, giá nhập bình quân 1495,14 USD/tấn, giảm 0,09%; nếu so với tháng 7/2018 thì tăng gấp hơn hai lần cả lượng và trị giá, giá xuất bình quân tăng 3,01%.
Kế đến là thị trường Malaysia đạt 25,2 nghìn tấn, trị giá trên 34 triệu USD giảm 13,95% về lượng và giảm 13,51% trị giá so với cùng kỳ, giá xuất bình quân tăng 0,51% đạt 1349,33 USD/tấn; Hàn Quốc là thị trường đứng thứ ba đạt 24,8 nghìn tấn, trị giá 36,36 triệu USD, tăng 39,86% về lượng và 32,09% trị giá so với cùng kỳ, giá xuất bình quân giảm 5,55% chỉ với 1461,62 USD/tấn.
Ngoài những thị trường kể trên, Việt Nam còn xuất sang các thị trường khác nữa như Mỹ, Pháp, Singapore….
Đặc biệt, thời gian này Singapore tăng mạnh nhập khẩu cao su từ Việt Nam tuy chỉ có 111 tấn, trị giá 164,9 nghìn USD, nhưng so với cùng kỳ tăng gấp 2,8 lần về lượng (tức tăng 177,5%) và gấp 2,6 lần trị giá (tức tăng 162,03%), tuy nhiên giá xuất bình quân giảm 5,57% so với cùng kỳ năm trước với 1486,12 USD/tấn. Bên cạnh đó, xuất khẩu sang thị trường Séc cũng tưng mạnh, gấp 2,1 lần về lượng (tức tăng 113,91%) và tăng 78,14% trị giá với 646 tấn, 870,9 nghìn USD.
Ở chiều ngược lại, thị trường Đức và Tây Ban Nha lại giảm mạnh nhập khẩu cao su từ Việt Nam, đều giảm trên 20% giảm lần lượt 25,25% và 23,66%.
Cơ cấu thị trường xuất khẩu cao su 7 tháng đầu năm 2019

Về nhập khẩu, trong tháng 7/2019 cả nước đã nhập 59,9 nghìn tấn cao su, trị giá 102,6 triệu USD, tăng 23% về lượng và 21,6% về trị giá so với tháng 6/2019, nâng lượng cao su nhập khẩu 7 tháng đầu năm 2019 lên 372,9 nghìn tấn, trị giá 648,16 triệu USD, tăng 11,4% về lượng và tăng 5,8% về trị giá so với 7 tháng đầu năm 2018.
Việt Nam nhập khẩu cao su chủ yếu từ các nước Đông Nam Á, chiếm 41,29% đạt 154 nghìn tấn, trị giá 217,68 triệu USD trong 7 tháng đầu năm nay, tăng 36,35% về lượng và tăng 24,33% trị giá so với cùng kỳ năm 2018, giá nhập bình quân 1413,35 USD/tấn, giảm 8,81%.
Trong số những thị trường cung cấp cao su cho Việt Nam thì Hàn Quốc có lượng nhập nhiều nhất, kế đến là Lào, Cawmpuchia, Nhật Bản, Thái Lan, Đài Loan (TQ), Trung Quốc đại lục…
Triển vọng thương mại song phương giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết. Nếu căng thẳng gia tăng, kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng chậm lại, làm giảm giá dầu đồng thời kéo giảm nhu cầu cao su.
Tuy nhiên, hiện tại, xuất khẩu cao su của Việt Nam chưa bị ảnh hưởng nhiều bởi sự leo thang của xung đột thương mại Mỹ – Trung, giá cao su nguyên liệu và xuất khẩu vẫn duy trì đà phục hồi do nguồn cung tại các nước sản xuất lớn bị hạn chế.
Nguồn: VITIC tổng hợp

Nguồn: Vinanet