*Triển vọng trong ngắn hạn

Theo phân tích của Công ty chứng khoán Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương (VCBS), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực từ 1/8/2020 đã mở ra cơ hội xuất khẩu đường chất lượng cao sang EU. Theo đó, hạn ngạch thuế quan với mức 10.000 tấn đường trắng và 10.000 tấn sản phẩm chứa trên 80% đường, và thuế suất 339 EUR/tấn đối với đường thô và 419 EUR/tấn đối với đường luyện sẽ giảm dần theo lộ trình.

Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), sản lượng đường nhập khẩu của EU trong niên vụ 2020/2021 ước đạt 3,0 triệu tấn (tăng 43%, mức tăng cao so với dự báo cũ là 2,1 triệu tấn), những doanh nghiệp được hưởng lợi đảm bảo được các yêu cầu cao về chất lượng, truy xuất nguồn gốc.
Triển vọng khác cho ngành đường là Việt Nam đã có những bước đầu tiên trong việc phòng vệ thương mại đối với sản phẩm đường. Ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương) đã khẳng định, ngành sản xuất trong nước đã cung cấp các thông tin, bằng chứng cho thấy sản phẩm đường mía nhập khẩu từ Thái Lan đang bị bán phá giá vào Việt Nam và Chính phủ Thái Lan đã và đang duy trì một số chính sách trợ cấp cho hoạt động trồng mía của người nông dân và ngành sản xuất mía đường.
Trên cơ sở hồ sơ yêu cầu của các doanh nghiệp đại diện cho ngành, tháng 9 năm 2020, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 2466/QĐ-BCT về việc tiến hành điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá và chống trợ cấp đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan.
Trước đó, tháng 6 năm 2020, Bộ Công Thương cũng đã ban hành Quyết định số 1715/QĐ-BCT về việc tiến hành điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm đường lỏng chiết xuất từ tinh bột ngô (còn gọi là HFCS) có xuất xứ từ Trung Quốc và Hàn Quốc.
Hiện tại, cả hai vụ việc đều đang trong quá trình điều tra và Cục sẽ tiến hành điều tra theo đúng quy định của Luật Quản lý ngoại thương và các văn bản pháp luật liên quan.
Các chuyên gia VCBS đánh giá cao khả năng Bộ Công Thương sẽ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại trước sức ép trợ cấp từ đường Thái Lan nhập khẩu và cho rằng đây là cơ hội tốt cho ngành đường.
Các chuyên gia VCBS cũng cho rằng, sản lượng sụt giảm ở các thị trường lân cận là cơ hội cho đường Việt Nam trong niên vụ tới. Tình hình hạn hán tại Thái Lan tiếp tục cản trở xuất khẩu đường của nước này. Ngoài ra, cạnh tranh nội địa giảm khi một số nhà máy đã phải đóng cửa, là cơ hội cho các đơn vị đang hoạt động.
*Nhiều thách thức về bài toán cạnh tranh
Theo các chuyên gia VCBS, trong dài hạn ngành mía đường vẫn còn nhiều thách thức về bài toán cạnh tranh, năng suất mía kém cạnh tranh hơn Thái Lan khiến chi phí sản xuất cao hơn. Việc kiểm soát lỏng lẻo đối với đường nhập khẩu giá rẻ qua biên giới làm sai lệch cung cầu thị trường và giá đường.
Ngành đường đối mặt với nhiều thách thức về bài toán cạnh tranh. Ảnh minh họa: Lê Đức Hoảnh - TTXVN
Ông Phạm Tiến Nam, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cũng cho rằng, ngành mía đường phải đối diện với nhiều thách thức lớn trong bối cảnh các hiệp định thương mại tự do có hiệu lực như Hiệp định thương mại hàng hoá ASEAN (ATIGA).
Ông Phạm Tiến Nam chỉ ra rằng, các hiệp định thương mại tự do đã tạo điều kiện cho đường giá rẻ từ nước ngoài tràn vào thị trường, tạo sức ép lớn cho nông dân trồng mía, khiến doanh nghiệp mía đường đối diện nhiều áp lực. Người tiêu dùng có xu hướng ưa tiêu thụ đường nhập khẩu do giá thành rẻ hơn tương đối.
Do đó, sau thời gian phát triển nóng, diện tích trồng mía đang có xu hướng thu hẹp. Số hộ nông dân và hợp tác xã trồng mía ngày càng giảm; tỷ lệ nông dân trồng mía nhỏ lẻ, manh mún chiếm đa số và chưa áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất; khiến cho lợi thế cạnh tranh ngày càng suy yếu. Giá trị lợi nhuận từ cây mía không đủ đảm bảo mức sống cộng với tình trạng đầu ra bấp bênh đã khiến ngày càng nhiều vùng bỏ cây mía, chuyển sang các giống cây trồng khác mang lại lợi ích kinh tế cao hơn.
Ngoài ra, các chuyên gia VCBS lo ngại việc Thái Lan và Trung Quốc có thể phục hồi sản lượng kể từ niên vụ 2021-2022 sẽ gây sức ép giảm lên giá đường. Tuy nhiên, sự cạnh tranh mạnh mẽ thúc đẩy các doanh nghiệp tăng cường năng lực cạnh tranh. Bằng cách nâng cấp công nghệ sản xuất là điều cần thiết đối với các doanh nghiệp sản xuất đường tại Việt Nam. Xây dựng mối quan hệ bền vững với các đối tác phân phối hoặc nông dân là một kế hoạch chiến lược của các doanh nghiệp.
Đặc biệt, khi người tiêu dùng có mức độ trung thành thấp đối với các sản phẩm như đường và chất tạo ngọt, sự hỗ trợ của nhà phân phối là rất quan trọng đối với các công ty để giữ sản phẩm của họ có sẵn và tiếp cận người tiêu dùng mục tiêu. Trong khi đó, hợp tác chặt chẽ với nông dân hỗ trợ các nhà sản xuất ổn định nguồn cung nguyên liệu và hoạt động sản xuất.
Lường trước những khó khăn đó, nhiều doanh nghiệp mía đường trong nước đã giảm mục tiêu lợi nhuận cho niêm vụ 2020-2021. Đơn cử như Công ty cổ phần Mía đường Sơn La (mã SLS) đặt mục tiêu 816 tỷ đồng doanh thu, lãi sau thuế 26 tỷ đồng; giảm lần lượt 22% và 78% so với niên vụ trước. Lãnh đạo công ty cho biết, nhiều thách thức vẫn còn ở phía trước thềm niên vụ mới. Lượng tiêu thụ đường suy giảm cũng như việc lưu thông hàng hóa gặp nhiều trở ngại do thực hiện giãn cách xã hội nhằm kiểm soát dịch COVID-19 và áp lực cạnh tranh với đường nhập khẩu từ Thái Lan là những vấn đề cấp bách công ty sẽ phải đối mặt trong niên vụ 2020- 2021.
Tuy nhiên, sự cạnh tranh mạnh mẽ đã giúp các doanh nghiệp trong ngành tăng cường năng lực của mình. Đơn cử như Công ty cổ phần Thành Thành công Biên Hoà (mã SBT), với danh mục khách hàng lớn nên SBT ít áp lực cạnh tranh gay gắt khi đường Thái tràn vào thị trường Việt Nam. Phân khúc sản phẩm của SBT thuộc tầm trung và cao cấp nên có nhiều cơ hội xuất khẩu sang EU và các nước có hiệp định FTA với Việt Nam./.

Nguồn: Đỗ Huyền/BNEWS/TTXVN